Trong cuộc sống sẽ có những lúc bạn cảm thấy chán chường, tuyệt vọng, thậm chí rơi vào hoàn cảnh mà ngay cả những người mạnh mẽ nhất cũng phải “rơi nước mắt”. Nhưng khóc thì lại bị cho là yếu đuối quá và bạn không muốn làm điều đó.
Đừng kìm nén cảm xúc
Nếu bạn đang buồn thì đừng nên cố gắng gượng cười bởi vì chính nụ cười ấy sẽ “bóc mẽ” bạn ra thôi. Khi bạn cần “khóc” và muốn “khóc”, hãy để những giọt nước mắt “rơi” tự nhiên. Kìm nén nỗi buồn không thể làm cho nỗi buồn biến mất, mà nó sẽ dồn nén lại, bạn sẽ phải đối diện với nó ngày này qua ngày khác, thậm chí lâu ngày có thể gây ra một số bệnh về tâm lý như hay lo âu, cáu gắt, trầm cảm…
Khi cuộc sống trở nên khó khăn với bạn, hãy lựa chọn thời gian cũng như địa điểm thích hợp để có thể “thoải mái” khóc. Nghe có vẻ hơi kỳ lạ nhưng sẽ rất hiệu quả đấy!
Chọn địa điểm và không gian “an toàn”
Bạn mới được thông báo một tin buồn, nhưng bạn đang ở chỗ đông người không thích hợp để “mít ướt” chút nào. Hãy tìm một khoảng không gian riêng tư để “trút bỏ” nỗi buồn, bạn nhé!
Bước đầu tiên bạn cần làm là chọn ngày và giờ. Có thể bạn sẽ mất khoảng 15 phút hoặc vài giờ.
Điều quan trọng bạn cần làm là thiết lập khoảng thời gian bắt đầu và kết thúc. Điều này không có nghĩa là kết thúc khoảng thời gian ấy, bạn không được phép buồn nữa mà chỉ đơn giản bạn sẽ hết buồn nhanh hơn (sau khi đã đặt ra cho mình một giới hạn).
Bước tiếp theo là lựa chọn một nơi an toàn để đi đến đó. Nơi đó có thể là chính ngôi nhà thân yêu của bạn, công viên…hoặc bất cứ nơi nào bạn có thể ngồi một mình mà không sợ bị người khác phát hiện.
Khi đã chọn lựa được ngày, giờ, địa điểm, hãy nhờ đến “chất xúc tác”. Bạn có thể nghe nhạc, viết thư, xem phim…nó sẽ giúp bạn dễ “mủi lòng” hơn.
Bạn cũng có thể áp dụng một “mẹo” khác như sau: Tự viết cho mình một bức thư động viên bằng cách đặt ra một giả thuyết rằng nếu người khác rơi vào hoàn cảnh giống như bạn, bạn sẽ khuyên gì?
Tự tạo cho bạn cảm giác được quan tâm, chăm sóc cũng là một ý tưởng hay. Bạn có thể uống một tách trà nóng hoặc trà thảo dược và làm bất cứ điều gì để giúp bạn cảm thấy được yêu thương.
Tuy nhiên, bạn cũng không nên gây áp lực cho bản thân. Nếu sau tất cả những gì đã làm mà bạn vẫn không muốn khóc, đó cũng là một dấu hiệu tốt và thời gian mà bạn bỏ ra không hề lãng phí.
Cuối cùng, bạn hãy nói lời “tạm biệt” với nỗi buồn bằng cách nghe một bản nhạc nhẹ hoặc ra ngoài đi bộ nhanh.
Bất cứ khi nào bạn cảm thấy buồn, thấy cuộc sống thật khó khăn, hãy thử làm theo những bước trên, niềm vui sẽ “mỉm cười” với bạn. Nếu như nỗi buồn là quá lớn, bạn không thể nào thoát ra khỏi “cái bóng” của nó, hãy tìm đến bạn bè, người thân để chia sẻ hoặc để các chuyên gia tâm lý giúp đỡ bạn.
Phununews.vn