Trưởng thành là một việc đau khổ.
"Trưởng thành là một việc thực sự đau khổ, Tô ạ. Lúc đó, mình luôn nghĩ, khi nào mới có đủ tiền?" - An Ni Bảo Bối
Dòng chữ đó của An Ni Bảo Bối đã khiến tôi buồn diết da rất lâu. Trưởng thành chưa hẳn là một điều đau khổ, nhưng câu nói tiếp ngay sau đã khiến nguồn cơn hiển hiện. Phải, lớn lên lúc nào cũng sẽ bắt đầu trăn trở với ám ảnh đa phần "Khi nào thì sẽ đủ tiền?". Trẻ con không phải mua thứ gì, không phải biết giá trị của vật thể gì. Trong tâm tưởng thơ bé, mọi thứ đều có thể mua được với những tờ tiền lá cây, rằng mọi đồ vật đều có chung một giá trị, và tất cả đều trong tầm tay. Rằng chúng ta đều rất giàu (chính xác hơn là ta cho rằng bố mẹ ta rất giàu nên luôn đem về cho ta những điều kỳ diệu trên đời), rằng giá trị của tất cả mọi thứ đều gần như nhau. Một tô phở bằng hoa nhài "đắt đỏ" ngang với một dây chuyền được kết từ ngọc trai, đứa cởi trần cột tóc 2 chùm cũng đẹp như ai kia xúng xính váy đầm voan cứng cạ cạ vào người khi cùng chơi trò công chúa.
Nước chảy mây trôi. Thời gian đưa chúng ta lớn lên. Chúng ta phải học những bài học về các con số và thôi không được phép đánh đồng mọi thứ. Chúng ta phải học cách đọc mệnh giá những tờ tiền và phải biết quý trọng chúng, phải nhớ giá từng món đồ, rằng than đá không thể nào mắc như kim cương dù đều cấu tạo từ Cacbon, tô phở bò và mặt đá ngọc lục bảo là hai điều xa xôi không thể so sánh.
Và... sẽ một ngày nào đó trong đời, giống như như bây giờ, chúng ta phải ngồi lại, phải học biết điều khó khăn nhất: tính toán giá trị của chính mình.
Có cách nào không ngoài việc đấu giá?
Diễn viên Anne Hathaway khi được phỏng vấn đã đã lên tiếng đấu giá một cuộc hẹn với cô nhằm much đích làm từ thiện. Xin trích lại nguyên văn lời của cô phát biểu được báo chí tường thuật lại:
"Tôi không phải là người tự phụ nhưng nếu có ai đó trong đám đông muốn được cùng tôi làm một việc có ý nghĩa thì tôi xin thông báo là tôi sẽ đấu giá chính bản thân mình. Bất cứ ai muốn đi uống nước cùng tôi, hãy nói xem, tôi đáng giá bao nhiêu?".
Anne Hathaway là một diễn viên xinh đẹp, tài năng và nổi tiếng. Hẳn nếu giờ đây tôi đứng lên và yêu cầu được hành động tương tự: hãy trả giá xứng đáng với giá trị của tôi để chúng ta sẽ có cơ hội hẹn hò, tôi sẽ bị đám đông cười nhạo và đặt nghi vấn về vấn đề tâm lý, suy ra giá trị của buổi đấu giá tôi nhận được là 0 đồng ở mọi đơn vị tiền tệ.
Vậy có thực là Anne Hathaway năm 25 tuổi chỉ đáng giá 12,000 USD như kết quả buổi đấu giá ngày 7/12/ 2009? Một tuổi trẻ lộng lẫy cùng tài năng có giá ngang với một cặp súng ngắn thượng hạng chạm trổ tinh vi được đấu giá trong những phiên đấu giá đồ cổ hay được tổ chức vòng quanh nước Mỹ? Và có thực sự là tôi không đáng giá một xu nào chăng?
Để tham khảo những phương thức định giá bản thân, tôi tìm kiếm và tham khảo một số nguồn kiểm tra được thiết kế khoa học được đặt những cái tựa mới chào mời hấp dẫn làm sao: Hãy để chúng tôi giúp bạn định giá bản thân mình. Xem nào, bạn biết bao nhiêu ngoại ngữ, bạn tốt nghiệp trường nào, bạn đã đi du lịch bao nhiêu nước, bạn đã có bằng thạc sĩ, công ty bạn có bao nhiêu nhân viên, nằm ở trung tâm hay không, nhà bạn có ba nhiêu tầng, bạn nuôi bao nhiêu con chó và con mèo, bạn ăn một ngày mấy bữa, thậm chí bạn đi spa một tháng mấy lần và bạn đi chùa làm từ thiện có thường xuyên chăng, v.v
Nếu dựa vào những phân mục tiêu chí các trắc nghiệm này đặt ra, tất cả những cô gái đang đọc bài này có quốc tịch Việt Nam đều sẽ rất mất giá so với những ai có quốc tịch của một quốc gia phát triển vượt bực. Một cô gái biết ba thứ tiếng hẳn sẽ "được giá" hơn một người chỉ biết nói tiếng mẹ đẻ và một bằng Anh văn tầm tầm bậc trung; những ai sinh ra ở các thành phố lớn đều được cộng điểm triển vọng so với những cá nhân xuất thân từ vùng nông thôn, hẻo lánh. Và như vậy, liệu có công bằng không? Khi người ta "không chọn cửa sinh ra" nhưng điều đó lại được công dồn vào bảng giá trị cá thể mang tên mình?
Những bài trắc nghiệm trên tôi tin rằng có phần đó dựa vào phương pháp con người dùng để định giá trị cho một đồ vật nào đó: dựa trên tính chất cấu thành/nguyên liệu cấu thành và tác dụng đồ vật ấy đem lại cho người dùng. Một đôi giày cao gót da thuộc mềm mại kiểu dáng thiết kế thời thượng có tuổi thọ cao chắc chắn hẳn sẽ được gắn mức giá tốt hơn nhiều so với một đôi giày giả da bình thường.
Nhưng tôi không phải là đôi giày. Bạn không phải là đôi giày. Chúng ta có tri giác và tri giác ấy đòi hỏi chúng ta phải có nhu cầu tự đánh giá và tự bảo vệ niềm tin vào giá trị của bản thân. Từ đó, cuộc đời chúng ta khó khăn gấp vạn bội lần chọn mua một đôi giày, bất kể gót giầy cao tới đâu chăng nữa.
Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi phỏng vấn xin việc cho một công việc trong mơ mà bạn đang mong chờ. Cả bạn và người phỏng vấn sau một khoảng ngắn trò chuyện đã bắt đầu tiến đến phần thảo luận cuối cùng: mức lương cho ứng viên. Tình huống này yêu cầu cả hai phải suy nghĩ và đưa ra mức lương phù hợp nhất thỏa mãn mong muốn đôi bên. Người phỏng vấn đưa ra mức lương họ muốn trả dựa trên khối lượng công việc họ muốn bạn đáp ứng và những phẩm chất mà họ NHẬN RA được từ bạn qua những tín hiệu bạn phát ra trong suốt buổi phỏng vấn; phía ứng viên, bạn là người sẽ đưa ra mức lương dựa trên những năng lực bản thân mà bạn tin và cho là phù hợp với những gì mà tổ chức muốn bạn gánh vác.
Ta tạm gọi giá trị bạn tự nhận ra và gán cho bản thân mình tạm gọi giá trị A, giá trị mà người phỏng vấn gán cho bạn sẽ là A-/+. Bạn sẽ làm gì? Khăng khăng với giá trị A, phớt lờ những dấu hiệu cộng trừ nhỏ bé mà người khác gán cho bạn? Nặng đầu vì cộng trừ của họ gán cho mình mà quên luôn mình đang sở hữu một chữ A chủ chốt? Hay bạn nhìn nhận A và A-/+ ở hai phương trình độc lập và tìm cách cân bằng nó? Làm sao cho khoảng cách giữa hai giá trị được thu ngắn nhất có thể?Khi có sự thấu hiểu chéo giữa đôi bên, sự giao tiếp đạt được mong muốn ban đầu, cả hai đều được hiểu và thấu hiểu, nhận thức về giá trị đều được chia đều và điều chỉnh, đó là biểu hiện lý thuyết tâm lý cửa sổ Johari được vận dụng hiệu quả.
Cuộc phỏng vấn, những giá trị A, A+, A- chỉ để nhắc nhớ chúng ta một điều: mỗi chúng ta là một thực thể tồn tại độc lập và sự nhận thức về một vấn đề giữa những cá thể là cả một hố ngăn vô cùng thâm sau. Trong những tương tác diễn ra liên tục giữa bạn và cuộc sống này hằng ngày, điều bạn cho là giá trị của bản thân chưa hẳn được cộng đồng xem trọng và những gì bạn coi nhẹ đôi khi lại là điều những người xung quanh mong mỏi bạn để ý mà hoàn thiện.
Nên trung thành với giá trị bản thân, hay nghe theo vào những phản hồi của đám đông, của người bạn tin tưởng để điều chỉnh hành vi nâng tầm giá trị của mình trong cộng đồng?
Sao tôi không nhớ đến một ngôi nhà tráng lệ với thật nhiều những cột cẩm thạch? Tôi chỉ nhớ căn nhà nhỏ đơn sơ bỗng sáng rỡ khi một ngày kia trên bàn ăn mẹ đặt lên chiếc đèn nhỏ màu vàng chanh chao vải trắng sạch tinh mới mua, bên cạnh Người khéo điểm trang bằng một hũ đựng mứt đã hết cắm vài ngọn lá ổi xanh mới tỏa mùi thơm của khu vườn mùa hè?
Sao tôi không thể nhớ chính xác giá một lọ nước hoa người yêu tặng cho bằng một hai giọt tinh dầu với tên gọi kiêu sa chỉ khiến tôi thêm nhớ đến anh và mở ra cả kho ký ức rào rạt trải dài theo năm tháng một mối tình?
Tôi không biết Lưu Quang Vũ đã kiếm được bao nhiêu tiền từ những tập thơ của mình; tôi không biết căn nhà của ông rộng bao nhiêu mét vuông; trong túi ông thường có bao nhiêu tiền, ngoài làm thơ ông còn có thể đánh đàn hay sáng tác nhạc không, nhưng tôi nhớ những vần thơ của ông đã khiến tuổi trẻ của tôi và các bạn mình thêm mơ mộng và đẹp đẽ, những vần thơ ngân vang như những câu hát đầu môi, chưa bao giờ thôi khiến người khác ngỡ ngàng vì sự đồng điệu mến thương vô cùng đồng cảm đó.
Chúng ta có bận lòng nhiều đến những số tiền mua những chai nước hoa? Số lượng bản thảo được phát hành? Chúng ta thậm chí có đo đếm giá trị của một người bằng số lượng bạn họ sở hữu trên tài khoản Facebook? Có ngầm đánh giá độ quan tâm của bạn bè xung quanh qua số lượng like, comment họ để lại trên tường nhà? Có thể một phần nào đó, nhưng chúng ta day dứt nhiều hơn với NHỮNG THỨ mà thông qua những vô tri vô giác kia, được khơi gợi lên, đóng vào cuộc sống ta nhiều bậc thang cảm xúc, giúp thường nhật thôi bằng phẳng nhạt nhẽo và thêm phần ý nghĩa.
Rốt cuộc, những con số không phải là điều cuối cùng. Những lời ngợi khen, công nhận rình rang không phải là điều cuối cùng. Điều cuối cùng còn đọng lại trong ký ức của ta về một ai đó là những tốt đẹp và cả thương đau mà họ đã đến và để lại trong đoạn hành trình giao nhau giữa hai cuộc sống.
Những gì được lưu giữ, được nhớ đến, định hình ta trong tâm trí họ. Và đó là điều chúng ta ngầm đặt tên "giá trị của ai đó".
Để cúi xuống và quên đi.
Mark Twain lỗi lạc từng nói:
"Trong đời mỗi người có 2 ngày quan trọng nhất: Ngày bạn được sinh ra và ngày bạn tìm ra căn nguyên tại sao Thượng Đế gửi bạn vào lòng thế giới này."
Ngày bạn biết lý do cho sự tồn tại của bản thân, hẳn bạn đã tìm ra chân giá trị cho riêng mình. Và dù giá trị của bạn lớn nhỏ ra sao trong nhận thức của bạn và người đối diện, hãy quý trọng và yêu mến nó.
Hãy coi trọng bản thân vì ngay từ khi được sinh ra, Tạo Hóa đã ban cho mỗi người chúng ta giá trị quý giá tột bực: không thể thay thế. Việc tạo ra mỗi cá nhân là một bản thể độc nhất hẳn vì mong mỏi chúng ta không có thêm một bản thể giống hệt để phải bận lòng so sánh và e ngại về nghĩa vụ và quyền lợi. Khổ đau biết mấy nếu bạn lấy thước đo giá trị của người khác áp đặt vào đời sống mình, những đẹp đẽ sinh sôi từ một tâm hồn hoàn toàn khác, một cuộc sống khác nay bị gò ép vào những chuẩn mực dành cho một bản thể xa lạ, giống như nhét bàn chân mình vào một đôi giày quá khổ hay bơi trong một chiếc đầm quá rộng chỉ vì thấy nó lấp lánh khi được khoác lên người ai đó khác trong tiệc đêm huyền ảo.
Hãy trân trọng giá trị của bản thân vì hơn ai hết bạn là người đầu tiên thấu cảm và mang theo trong thần trí khối giá trị ấy từng ngày một trong đời. Con người ta thường chỉ nhận ra giá trị của ai đó khi đã đánh mất họ. Đó là sai lầm tự nhiên khó tránh khỏi trong các mối quan hệ, giữa những cá thể độc lập trong đời sống ngày thêm chồng chéo bận rộn và thiếu hẳn sự quan tâm, nhưng bi kịch là chính khi bạn cũng thờ ơ và quên lãng những tốt đẹp của chính mình, những mầm tốt đẹp mà Tạo Hóa đã ưu ái gieo vào lòng bạn với hy vọng sẽ được chăm bón và nảy nở thành những tài năng, những tử tế, để từ bạn tốt đẹp ấy trở thành hy vọng cho một cuộc đời khác.
Và khi cây giá trị sau thời gian chăm bón, lớn lên, đơm hoa tỏa hương, được thừa nhận, hãy cúi xuống thật khiêm tốn như bông lúa chín ngoài đồng: trĩu nặng vì những hạt vàng đẹp đẽ và được nâng niu bởi bàn tay gặt đầy hân hoan. Hãy cúi xuống và xếp lại lòng kiêu hãnh của chính mình, như nhân vật Anna Scott trong bộ phim lãng mạn nổi tiếng Notting Hill đã nói với người mà cô yêu dấu – không hề nổi tiếng và được trọng vọng bằng cô - rằng: "Anh có biết không, sự nổi tiếng chỉ là huyễn tưởng. Xin hãy nhớ em vẫn chỉ là một cô gái, đứng trước mặt chàng trai mà cô ấy yêu, và cầu xin anh yêu em."
Khi bạn nhận ra giá trị của bản thân, nhưng vẫn biết gói ghém niềm kiêu hãnh ngoài cửa một mối quan hệ, đó là khi bạn thực sự vượt lên khỏi mối bận tâm về việc khẳng định và nhắc nhớ giá trị của chính mình, bởi đó là khi những người xung quanh bạn sẽ gián tiếp hoặc trực tiếp lên tiếng bảo vệ giá trị của bạn. Họ sẽ phản ứng như chính chàng người yêu của Anna Scott trong đoạn thoại kia - im lặng và cúi đầu vì nhận ra giá trị của người con gái mình đang được chiêm ngưỡng: vô giá và không gì thay thế.
Guu.vn