Đối với các bậc cha mẹ hiện đại, khoảnh khắc kinh hoàng nhất chắc chắn là cảnh "đang mặn nồng" thì bị con cái bắt gặp.
Trong nhiều nhóm nuôi dạy con, cũng thường xuất hiện những câu chuyện dở khóc dở cười như vậy được chia sẻ. Ví dụ, con bị ác mộng giật mình tỉnh giấc, đột nhiên ôm gấu bông xuất hiện trong phòng ngủ của bố mẹ. Hoặc khi con bật đèn, mẹ vội đá bố rơi khỏi giường. Có phụ huynh chỉ ứng phó qua loa vài câu, kết quả là con quay sang hỏi: "Bố mẹ cũng chơi trò này à?".
Phải nói rằng, trong chuyện này, không có tình huống nào là kỳ quái nhất, chỉ có những tình huống ngày càng kỳ quặc hơn.
Theo khảo sát dữ liệu liên quan, trẻ em từ 3-8 tuổi có xác suất trung bình 37,6% bắt gặp khoảnh khắc thân mật của bố mẹ. Có lẽ nói đến đây, mọi người đều muốn tìm ra một phương pháp hướng dẫn tích cực, có ý nghĩa tốt đối với sự phát triển của trẻ. Vậy rốt cuộc nên làm thế nào? Chúng ta hãy cùng thảo luận tiếp nhé.
Bố mẹ yêu thương nhau mới là cách nuôi dạy tốt nhất
Trong gen di truyền kín đáo của chúng ta, hầu hết đều có dấu ấn "coi chuyện tình dục là điều cấm kỵ". Thậm chí nhiều người cho rằng, để con bắt gặp khoảnh khắc thân mật sẽ ảnh hưởng xấu đến trẻ, không có lợi cho sự phát triển của con. Nhưng thực tế, có lẽ mọi chuyện không như mọi người nghĩ.
Khi trẻ lần đầu tiếp xúc với một sự việc, chúng sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều. Giống như nhiều trẻ sợ chó, thực ra không phải do bản năng, mà là trong quá trình lớn lên, có người đã truyền đạt cho trẻ nhận thức "chó rất đáng sợ". Vì vậy, trẻ sẽ trở thành người như thế nào phụ thuộc hoàn toàn vào sự hướng dẫn của người lớn.
Trong chuyện bố mẹ "yêu thương nhau" cũng vậy. Như một bài đăng trên mạng, có người hỏi: "Đứa trẻ lớn lên trong gia đình bố mẹ thường xuyên ôm ấp, hôn hít, không ngừng âu yếm sẽ như thế nào?".
Dưới bài có một câu trả lời được nhiều người đồng tình: "Từ nhỏ mình không xinh đẹp cũng chẳng tài giỏi, ngoài việc ăn nhiều uống khỏe, vô tư vô lo ra thì chẳng có ưu điểm gì. Nhưng mỗi khi nhắc đến bố mẹ, mình lập tức cảm thấy mình là trung tâm vũ trụ. Cách thể hiện tình yêu mà hai người truyền đạt cho mình khiến bản thân luôn tràn đầy hy vọng về tương lai".
Như vậy, những bậc cha mẹ thường xuyên âu yếm, thân mật thường nuôi dạy được những đứa trẻ có cảm giác an toàn và hạnh phúc tràn đầy. Như một người trên mạng từng nói: "Bố mẹ yêu thương nhau chính là mảnh đất màu mỡ nhất trong quá trình trưởng thành của con".
Vì vậy, khi bị con bắt gặp lúc thân mật, chúng ta phải có một nhận thức kiên định rằng chuyện này không có gì to tát, cũng không cần quá xấu hổ. Bởi trong tâm lý học trẻ em cũng chỉ rõ, dù bị con nhìn thấy, nhưng có đến 82,3% trẻ em hoàn toàn không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Điều thực sự để lại ám ảnh cho trẻ lại chính là "biểu cảm kinh hãi" mà bố mẹ lộ ra ngay lúc đó. Vì vậy, đối với phụ huynh, cách giải thích sự việc này mới là điều quan trọng nhất.
Cách xử lý "khôn khéo" của người đi trước đáng học hỏi
Trước tiên, chúng ta phải xác định rõ một điều. Khi gặp phải tình huống này, tuyệt đối không được mất bình tĩnh, cố gắng giữ vẻ mặt như bình thường. Quan trọng hơn, đừng để lộ ánh mắt hoảng hốt, ngượng ngùng hay trốn tránh. Những biểu cảm lảng tránh kiểu này đôi khi dễ kích thích trí tò mò mới của trẻ. Sau khi chuẩn bị tốt "tâm lý" này, hãy xem cách xử lý thần kỳ của những người đi trước.
Ví dụ, một cư dân mạng đã đề xuất phương pháp "thoát xác" của mình. Rất đơn giản, khi bị con nhìn thấy đang ân ái lúc nửa đêm, vừa giữ vẻ mặt bình tĩnh vừa nói với con rằng đang tập chống đẩy. Cách nói này có thể biến cảnh nửa đêm thành kênh thể thao. Chiêu này áp dụng tốt nhất với trẻ dưới 6 tuổi. Bởi trẻ dưới 6 tuổi đang trong giai đoạn sẽ giải thích mọi hành vi theo cách nhân cách hóa, vì vậy lúc này đưa ra phương án thay thế cụ thể là hiệu quả nhất.
Một cư dân mạng khác lại phát triển "phương pháp tái tạo truyện cổ tích". Khi con hỏi có phải bố mẹ đang đánh nhau không, có thể nói với con rằng: "Đó là vì bố mẹ rất yêu nhau, giống như hoàng tử và công chúa sau khi đánh bại rồng ác sẽ tổ chức lễ kỷ niệm bí mật". Ưu điểm của cách nói này là dùng ngôn ngữ tượng trưng để đáp ứng nhu cầu "tư duy phép thuật" của trẻ. Vừa bảo vệ được sự riêng tư, vừa giữ gìn cảm giác an toàn, đồng thời giúp trẻ hình thành ý thức về ranh giới.
Dĩ nhiên, hiện nay phổ biến nhất vẫn là "phương pháp khai sáng khoa học". Một số phụ huynh rất coi trọng "giáo dục giới tính" cho con, vì vậy cũng lấy đây làm cơ hội khai sáng. Nói với con rằng đây là cách riêng của bố mẹ để thể hiện tình yêu, giống như con nhận được quà sinh nhật sẽ vui mừng nhảy cẫng lên, nhưng đây là hành vi riêng tư, giống như con không thay quần áo trước mặt mọi người ở trường mẫu giáo.
Cách nói này có ý nghĩa khai sáng và ảnh hưởng nhất định đến ý thức quy tắc và giáo dục sự riêng tư của trẻ. Thực ra, những cách xử lý "khôn ngoan" kể trên chúng ta đều có thể áp dụng. Và khi cần thiết, có thể tiến hành một số giáo dục giới tính khoa học cho trẻ.
Như nghiên cứu ở Anh cho thấy, những gia đình giáo dục giới tính khoa học, phản ứng khó xử khi con bắt gặp hành vi thân mật của bố mẹ giảm 63%. Đồng thời trẻ có thể thiết lập nhận thức lành mạnh về mối quan hệ thân mật sớm hơn. Vì vậy trong chuyện này, mọi người cũng không cần quá lo lắng.
Bởi điều thực sự tổn thương trẻ không phải là những gì chúng nhìn thấy, mà là phản ứng của bố mẹ sau đó. Nếu phụ huynh có thể ứng phó một cách bình tĩnh, thì khoảnh khắc kinh hoàng này có thể trở thành bài học giáo dục tốt nhất cho con.
Dĩ nhiên, cũng nên khuyên các bố mẹ phải thực sự cẩn trọng, khóa cửa phòng có lẽ là thượng sách.
Diệu Hạnh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)