Tôi ước gì anh ấy sẽ đánh tôi, như vậy tôi sẽ có lý do để rời bỏ anh ấy. Nhưng tôi có thực sự muốn rời xa anh ấy? Anh ấy cũng không tồi tệ đến mức ấy …
Anh ấy chưa từng lừa dối tôi, tôi biết như vậy. Anh ấy cũng chưa từng đánh tôi hay làm điều gì tương tự. Đôi lúc anh ấy rất tử tế, nhưng trong hầu hết thời gian, anh ấy đều tảng lờ tôi. Ban đầu mọi chuyện không hề như vậy. Khi chúng tôi mới cưới, thế giới của anh ấy xoay xung quanh tôi, còn thế giới của tôi xoay xung quanh anh ấy.
Ảnh minh họa
Từ khi nào mà mọi chuyện lại tệ đến mức tôi chỉ muốn anh ấy đánh mình, để trên người tôi có dấu vết tương tự như nỗi đau tinh thần mà tôi phải chịu đựng hàng ngày? Tôi không nhớ nữa, chỉ biết rằng đó cũng là lúc tôi bắt đầu tìm hiểu về việc bạo hành tinh thần.
Tình trạng lạm dụng cảm xúc diễn ra một cách ngấm ngầm. Chủ yếu là vì bạn không hề dễ dàng nhận ra mình đang bị lạm dụng cảm xúc. Lúc nào bạn cũng cảm thấy mệt mỏi và kiệt quệ. Bạn yêu chồng rất nhiều và cảm thấy thật tệ nếu phải sống cuộc sống thiếu vắng anh ấy. Bạn cố gắng trở thành người vợ tốt nhất mà anh ấy có thể có.
Khi chồng bực tức và gắt gỏng với bạn, bạn im lặng, tự nhủ rằng đáng lẽ mình nên tinh ý nhận ra những vấn đề của chồng. Có những lúc bạn vượt quá giới hạn và chồng tảng lờ bạn trong nhiều ngày. Đôi lúc bạn cũng có suy nghĩ đứng lên cất tiếng nói của bản thân. Nhưng rồi bạn lại tự hỏi, bạn đứng lên để làm gì? Khi mà chồng bạn không cố ý làm bạn tổn thương. Khi mà nhiều lúc anh ấy vẫn đối xử tốt với bạn. Khi mà thật khó để nói là bạn đang bị bạo hành tinh thần.
Có thể. Có thể không. Nhưng nếu bạn thấy như mình bị mắc kẹt trong mối quan hệ mà bạn không hiểu nổi, thấy như thể mình đang dò dẫm từng bước trên vỏ trứng hay cảm thấy bị vắt kiệt sức sống, có thể bạn đang là nạn nhân của nạn lạm dụng cảm xúc.
Còn nếu bạn ước gì bị chồng đánh để thoát khỏi mối quan hệ của mình? Đó là dấu hiệu rõ nét nhất.
Giờ tôi đã thoát khỏi bàn tay điều khiển của chồng và tiếp tục cuộc sống của mình. Tôi chưa bao giờ quay đầu nhìn lại hay cảm thấy hối tiếc.
Theo Yeutretho