Bạn muốn gây ấn tượng với người khác
Tài nguyên thiên nhiên là có hạn, và theo thuyết tiến hóa của Darwin, con người phải cạnh tranh và cố gắng đòi hỏi nhiều nhất có thể cho hạnh phúc của chính mình. Nhưng một khi tất cả các nhu cầu cơ bản của chúng ta đã được đáp ứng, việc tiêu xài tiền bạc sẽ là vì nguyên nhân bên ngoài. Chúng ta thể hiện sự giàu có và tầm quan trọng của mình với phần còn lại của thế giới bằng cách mua ngày càng nhiều thứ hàng đắt tiền mà thậm chí không cần thiết.
Tại sao chúng ta luôn muốn mua sắm không ngừng nghỉ dù không có nhu cầu
Vậy chúng ta nên làm gì?
Hãy nhớ rằng, cảm giác thoải mái sẽ tốt hơn là chỉ đẹp mắt. Thành thật mà nói một chiếc áo thời trang với giá tiền đắt đỏ không khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn về lâu dài. Với số tiền tương tự, bạn có thể thuê giúp việc theo giờ để dành cho mình một ngày nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống, và sẵn sàng đối phó với mọi thử thách phía trước.
Bạn ghen tị với những người có nhiều hơn mình
Chúng ta thích so sánh mình với những người xung quanh. Điều này dẫn đến việc chúng ta mua đồ chỉ vì bạn bè của chúng ta cũng có nó chứ không phải vì chúng ta thực sự cần nó. Ngoài ra, chúng ta ích kỷ hơn những gì chúng ta muốn thừa nhận. Chúng ta tìm cách phát triển quy mô “vương quốc cá nhân” của mình bằng cách mua nhiều thứ hơn những người khác.
Vậy chúng ta nên làm gì?
Hạnh phúc thực sự nằm ở những điều giản dị nhất. Việc sở hữu nhiều hơn không có nghĩa là bạn sẽ hạnh phúc hơn. Bạn có thể sẽ thấy hồi hộp khi sở hữu được nó song cảm giác ấy sẽ nhanh chóng qua đi mà thôi. Thay vào đó, một bữa tối quây quần bên gia đình, người thân, cùng nhau trò chuyện vui vẻ sẽ đem lại cho bạn cảm giác vui vẻ, hạnh phúc lâu dài. Khoa học đã chứng minh rằng những mối quan hệ có ý nghĩa có thể giúp bạn gia tăng tuổi thọ.
Là nạn nhân của tiếp thị
Có rất nhiều thủ thuật có thể được sử dụng để khiến bạn mua một thứ gì đó và bạn thậm chí không biết về chúng và cũng chẳng có nhu cầu sử dụng sản phẩm đó. Các chuyên gia marketing thậm chí còn thuyết phục được những “khách hàng lạnh lùng nhất. Một thủ thuật thường được sử dụng là cho phép người tiêu dùng có cơ hội dùng thử sản phẩm. Khoảnh khắc khi chúng ta cầm trên tay sản phẩm mới có thể tạo ra cảm xúc tâm lý sở hữu, thôi thúc bản thân muốn mua sản phẩm đó hơn.
Vậy chúng ta nên làm gì?
Hãy suy nghĩ về thứ mình thực sự cần mua trước khi bước ra ngoài đường. Mọi người thường có xu hướng mua sắm nhiều hơn khi trực tiếp đến cửa hàng và chọn so với việc mua sắm trực tuyến. Để điều này không xảy ra, hãy lập danh sách những sản phẩm cần mua và đảm bảo chỉ mua những thứ có tên trong danh sách đó.
Cảm thấy mình không kiểm soát được cuộc sống của mình
Chúng ta tin rằng cảm giác được sở hữu vật chất sẽ khiến bản thân thấy an tâm hơn. Điều này là đúng trong trường hợp đó là những nhu cầu thiết yếu, cơ bản như có một ngôi nhà, phương tiện đi lại... Tuy nhiên cũng từ đó mà chúng ta có xu hướng cảm giác rằng dư thừa hơn sẽ tạo cảm giác an toàn hơn. Sự thật là chúng chỉ đem đến cảm giác an toàn cho chúng ta trong một thời gian ngắn và không hề ổn định như ta vẫn tưởng.
Vậy chúng ta nên làm gì?
Hãy học cách sống "đủ", biết đâu là thứ mình muốn, đâu mới thực sự là thứ bản thân cần. Bạn nên khuyến khích bản thân chống lại ham muốn sở hữu nhiều hơn những gì bạn có thể tiêu thụ. Trước khi mua hàng, hãy tự hỏi bản thân xem vì sao mình cần mua sản phẩm đó, nó có thể giúp ích gì cho mình.
Tâm trạng không tốt
Lý do phổ biến nhất khiến chúng ta mua sắm là để giải toả tâm trạng. Khi cảm thấy không có việc để làm, thấy mình không có mục đích sống, chúng ta chỉ đơn giản là mong muốn có một thứ gì đó mới mẻ nhằm giúp ngày hôm đó trở nên thú vị hơn. Đó là lý do chung ta mở ví ra và mua sắm.
Vậy chúng ta nên làm gì?
Nếu bạn thực sự cần điều gì đó, hãy tìm cách để có nhiều hơn những trải nghiệm. Sống có mục đích chính là sử dụng thời gian và tiền bạc cho những điều thật sự cần thiết, giúp tạo dựng nên một tương lai tốt đẹp hơn cho mình và những người xung quanh. Thay vì cảm giác hồi hộp khi được sở hữu một món đồ mới, hãy đăng ký tham gia công việc tình nguyện hoặc đi ra ngoài và khám phá thế giới.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)