Có thể nói ngày nay không một người phụ nữ nào muốn kết hôn và sống với một người đàn ông có tính gia trưởng, bởi vì họ rất sợ cái cảnh mà người vợ đối với ông chồng chẳng khác gì như một ôsin, một đầy tớ, một người giúp việc. Thế nhưng, tình cảnh này vẫn xuất hiện trong xã hội không phải là hiếm, không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn mà còn diễn ra ở các thành phố, nơi có nhiều gia đình giàu có, trí thức, địa vị cao trong xã hội.
Thực tế, một số cha mẹ thường cố gắng duy trì cuộc hôn nhân không tình yêu vì lợi ích của con cái. Họ chờ cho đến khi các con vào đại học, học xong đại học hoặc đã trở nên độc lập mới tính đến chuyện đường ai nấy đi. Và tôi cũng là người rơi vào hoàn cảnh tương tự. Trong những lúc ức chế đó tôi cũng không ít lần nghĩ tới việc ly dị nhưng rồi tôi lại nghĩ đến con trai, tôi không muốn nó lớn lên mà thiếu đi tình cảm của bố hay mẹ, và cũng không ai chăm lo dạy dỗ cho con đầy đủ bằng có cả bố và mẹ.
Tôi cũng sợ cảnh nuôi con một mình, hơn nữa tôi thấy mình còn yêu chồng, thế là tôi cố nhẫn nhịn, nghĩ đến điểm tốt của anh để tiếp tục cố gắng, kiên trì thay đổi thái độ của anh đối với tất cả mọi việc theo hướng mà mình mong muốn bằng mọi cách: mềm mỏng, cứng rắn, thậm chí dọa nạt.
Những lúc buồn tôi hay vào các diễn đàn trên mạng thì mới hay rằng nhiều chị em còn khổ hơn cả mình. Các ông chồng gia trưởng sao mà giống nhau đến vậy, mặc dù họ đều có trách nhiệm hoặc rất thương gia đình nhưng cũng cực kỳ khó tính, bảo thủ, cực đoan, thích điều khiển người khác; họ cho rằng mình luôn luôn đúng nên hiếm khi chịu nhận sai. Họ cũng chẳng cần biết bình đẳng là gì mà chỉ muốn vợ con, cấp dưới phải răm rắp vâng lời, không được như ý thì giận dữ, chê bai, quát tháo bằng những lời lẽ cộc cằn, cay nghiệt, xúc phạm... Sống với người chồng gia trưởng, chị em luôn cảm thấy suy sụp, ức chế…. Có chồng gia trưởng khổ lắm thay!
Dạo gần đây, tôi thường xuyên xem phim "Sex Education". Đây là một bộ phim được chiếu trên Netflix, nội dung xoay quanh chủ đề giáo dục giới tính và nhận khá nhiều phản hồi, đánh giá tích cực từ khán giả nhiều độ tuổi.
Trong phim "Sex Education"Maureen là người phụ nữ dịu dàng, luôn nhẫn nhịn, hy sinh chính bản thân mình và đặt gia đình lên trên hết dù có người chồng gia trưởng.
Trong quá trình xem phim, tôi không chỉ rút ra kinh nghiệm giáo dục giới tính cho các con của mình mà còn nhận ra cả bài học trở thành 1 bậc cha mẹ hạnh phúc, để mang đến hạnh phúc cho chính con cái. Điều này được tôi đúc rút từ nhân vật Maureen Groff.
Maureen Groff trong bộ phim "Sex Education" là một hình mẫu điển hình của người mẹ và người vợ luôn cố gắng "giữ hòa khí" gia đình bằng cách nhẫn nhịn, hy sinh chính bản thân mình. Maureen là người phụ nữ dịu dàng, nhã nhặn, luôn đặt gia đình lên trên hết.
Tuy nhiên, chính sự nhẫn nhịn quá mức này đã khiến cuộc sống của cô trở nên bế tắc, đồng thời gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả bản thân cô lẫn con trai Adam Groff.
Maureen Groff là vợ của Michael Groff, một hiệu trưởng độc đoán, một người đàn ông bảo thủ, nghiêm khắc. Michael thường xuyên kiểm soát mọi khía cạnh cuộc sống của gia đình, còn Maureen lại chọn cách im lặng, nhún nhường để giữ gìn "hòa khí". Tuy nhiên, chính sự im lặng và hy sinh bản thân đó đã dẫn đến những khoảng cách lớn trong mối quan hệ với con trai Adam và làm rạn nứt hôn nhân của cô.
Một trong những chi tiết đáng chú ý là cách Maureen xử lý mối quan hệ giữa Michael và Adam. Michael thường xuyên áp đặt các quy tắc hà khắc lên Adam và không ngần ngại chỉ trích cậu trước mặt người khác. Thay vì đứng lên bảo vệ con trai mình, Maureen chọn cách né tránh xung đột với chồng. Trong suốt thời thơ ấu của Adam, cậu thường cảm thấy cô độc và không được thấu hiểu vì mẹ không dám phản kháng lại cha. Sự lặng lẽ đó khiến Adam ngày càng xa cách với cả cha lẫn mẹ.
Maureen không chỉ thỏa hiệp trong việc nuôi dạy con, mà còn hy sinh hạnh phúc cá nhân để giữ "hòa khí". Cô chịu đựng sự thiếu tôn trọng từ Michael trong nhiều năm, không dám lên tiếng ngay cả khi cảm thấy bất công hoặc bị tổn thương. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến Maureen, mà còn để lại một tấm gương sai lầm cho con trai cô về cách xử lý mâu thuẫn trong cuộc sống.
Tuy nhiên, Maureen sau này đã có một bước ngoặt lớn. Cô nhận ra rằng sự im lặng của mình không giúp ích gì cho gia đình mà chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Cô bắt đầu lên tiếng, đối mặt với Michael và quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Đây là lúc Maureen bắt đầu hành trình tìm lại chính mình, trở thành một người phụ nữ tự do và mạnh mẽ hơn.
Từ nhân vật Maureen trong phim "Sex Education", tôi nhận ra một bài học quan trọng trong cuộc sống
Sau khi xem nhân vật Maureen trong phim, tôi chợt nhận ra hy sinh bản thân để giữ gìn hòa khí gia đình không phải lúc nào cũng là điều tốt. Một người mẹ, trước hết, cần yêu thương và bảo vệ chính mình. Khi một người mẹ đánh mất đi tiếng nói và giá trị của mình, gia đình cũng không thể hạnh phúc thực sự.
Bên cạnh đó, người mẹ phải bảo vệ con cái khi cần thiết: Là mẹ, bạn cần là người đồng hành và bảo vệ con trước những bất công, kể cả từ chính người cha. Sự im lặng hay đồng lõa với hành vi độc đoán sẽ khiến con cảm thấy mình không được yêu thương và cô lập trong chính gia đình mình.
Quan trọng không kém, bạn phải đặt ra giới hạn trong mối quan hệ vợ chồng: Hôn nhân là sự đồng hành của hai người, không phải sự hy sinh một chiều. Nếu người chồng quá độc đoán hoặc không tôn trọng vợ, người vợ cần mạnh dạn lên tiếng, thay vì im lặng chịu đựng.
Cuối cùng, tôi nhận ra, bản thân phải dạy con về sự mạnh mẽ. Phải dạy con học cách đối diện với khó khăn từ chính hành động của cha mẹ. Một người mẹ biết bảo vệ bản thân, giữ lập trường và đối mặt với những bất công sẽ truyền cảm hứng cho con cái trở nên mạnh mẽ và tự tin hơn.
Chúng ta không thể sống như Maureen trong giai đoạn đầu phim, nhầm lẫn giữa "nhẫn nhịn" và "nhu nhược". Nhẫn nhịn để giữ gìn hạnh phúc gia đình là điều tốt, nhưng nhẫn nhịn đến mức từ bỏ quyền lợi và giá trị của bản thân sẽ chỉ làm tổn thương tất cả.
Gia đình chỉ thực sự hạnh phúc khi cả cha mẹ và con cái đều được sống trong sự tôn trọng, yêu thương, và bình đẳng.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)