Tình yêu của chúng em bắt đầu từ giảng đường đại học. Sau 3 năm tìm hiểu và yêu nhau, chúng em quyết định gắn bó với nhau bằng một đám cưới đầm ấm.
Tính tới thời điểm này, vợ chồng em mới cưới nhau được vài tháng. Anh rất hiền, yêu thương vợ, biết nghĩ đến gia đình. Nhưng có một điều làm em trăn trở đó là sau đêm tân hôn, anh lặng lẽ cất nhẫn cưới vào ngăn kéo. Có mấy lần em gặng hỏi thì anh bảo nó vướng víu, khó chịu và anh muốn cất nó đi cho mới.
Em có kể chuyện với cô bạn thân thì bạn em bảo: “Mày phải cẩn thận, lão chồng mày tuy không quá đẹp trai nhưng được cái hóm hỉnh, lúc nào cũng phơi phới thế kia, bị ‘thịt’ lúc nào không hay đâu”.
Có một điều làm em trăn trở đó là sau đêm tân hôn, anh lặng lẽ cất nhẫn cưới vào ngăn kéo
(Ảnh minh họa).
Đặc biệt trong mấy ngày vừa qua, khi em đang tất bật chuẩn bị Tất niên thì anh vi vu tít mù khơi với đám bạn bè, đồng nghiệp. Tuy nhiên, em cũng hiểu công việc của anh. Anh phải đi thì việc kinh doanh của anh mới có “lộc”.
Em cũng lăn tăn, trăn trở chuyện anh tháo nhẫn trong một thời gian dài. Thấy vợ có tâm trạng lạ, như đọc được suy nghĩ của em, anh cười bảo:“Em đừng nghĩ vớ vẩn, cái nhẫn chẳng liên quan tới chuyện ngoại tình hay không bởi có đầy thằng đàn ông chăm chỉ đeo nhẫn đàng hoàng nhưng ngoại tình lại vào hạng nhất”.
Dù biết yêu là nên chia sẻ, thông cảm, tin tưởng nhau nhưng em vẫn nghĩ đeo nhẫn là việc thiêng liêng, nó như một sợi dây hữu hình khẳng định quyền sở hữu tình yêu của nhau. Mấy hôm nay, gia đình em ngột ngạt kinh khủng vì em hay săm soi xem anh có đeo nhẫn không? Em mệt mà anh cũng chẳng vui…
Chị ơi, liệu với biểu hiện này em có thể quy kết anh không chung thủy với em không? Làm thế nào để không khí gia đình em vui vẻ như trước? Em mệt mỏi quá chị ạ.
Trả lời:
Em thân mến!
Chị hiểu những suy nghĩ, trăn trở của em lúc này. Tuy nhiên, chị lại thấy chồng em đã nói không sai. Đeo nhẫn cưới hay không chẳng liên quan gì tới chuyện ngoại tình. Đúng là việc trao nhẫn cưới, đeo nhẫn cưới là một nghi thức thiêng liêng, khẳng định tình yêu giữa hai người, song dù có hay không thì nó cũng chẳng nói lên điều gì.
Việc đeo nhẫn cưới hay không cũng chẳng quyết định hạnh phúc và tình cảm của người kia dành cho một nửa của mình như thế nào. Vấn đề quyết định ở đây chính là tình cảm thật, lòng tin vào nhau giữa hai vợ chồng.
Anh ấy không đeo nhẫn cưới có thể như chính lời anh ấy giải thích vì thấy vướng víu, khó chịu, sợ mất nhẫn.
Chị nghĩ ngoài việc em săm soi anh ấy tại sao không đeo nhẫn, sao lại tháo nhẫn cất vào tủ thì em còn bao nhiêu điều khác cần phải làm hơn như quan tâm đến tình cảm của anh ấy dành cho em sau ngày cưới như thế nào, tinh thần trách nhiệm của anh ấy với gia đình bé nhỏ từ khi hai em trở thành vợ chồng ra sao…
Nếu em muốn gia đình có một bầu không khí hạnh phúc, nhẹ nhàng, thoải mái thì em không nên can thiệp sâu vào những chuyện như vậy.
Còn nếu việc đeo nhẫn với em là điều thiêng liêng, thật khó để chấp nhận hành động tháo nhẫn của anh ấy thì em hãy nói thẳng với chồng mình điều này. Vợ chồng em nên cởi mở chia sẻ những suy nghĩ và vướng mắc của mình để cùng nhường nhịn, “cải tạo” lẫn nhau và để tìm ra bí quyết sống hạnh phúc.
Xuân đã về, Tết đã tới, em hãy vui vẻ lên và an tâm nhé. Chúc em và gia đình mãi mãi hạnh phúc!
Afamily