Cái thời chỉ có giới thượng lưu mới được tham gia món ăn chơi này đã qua lâu rồi, nay chỉ cần vài chục ngàn đồng là có thể mua một vé vào cửa kiêm nước uống, thả sức nhảy nhót mấy tiếng đồng hồ. Cũng không còn phổ biến lắm những thành kiến kiểu “chơi bời”, “hư hỏng” xưa cũ nữa nên dân đến sàn thượng vàng hạ cám, từ bà nội trợ đến chị tiểu thương, từ cô nhân viên văn phòng tới chị chủ doanh nghiệp…
Thế nhưng, kép (đàn ông hành nghề dìu phụ nữ nhảy) lại không căn cứ vào độ tuổi hay nghề nghiệp để phân biệt khách. Kép phân loại khách theo… tiền bo. Cho mỗi kép năm chục sẽ được đối xử khác hẳn với trăm ngàn đồng. Thi thoảng, kép truyền tai trầm trồ, “bà già” kia mỗi lần đến chơi là vô tư nhảy với năm sáu kép, mỗi kép bo hai trăm ngàn, vị chi mỗi buổi là triệu hai - số tiền đủ để một gia đình bình dân đi chợ mua thức ăn cả một tuần.
Muốn đi nhảy, đương nhiên phải biết võ vẽ vài điệu. Muốn biết phải học. Muốn học phải có bạn tập chung. Mà khiêu vũ là môn nghệ thuật rất dễ nảy sinh tình cảm rắc rối. Nắm tay. Ôm eo. Vịn vai. Lại thơm nức, sạch sẽ. Lại nhạc êm, đèn mờ. Hỏi sao không luyến lưu bịn rịn. Chẳng có nơi nào mà khoảng cách giữa đàn ông và đàn bà lại gần và thoải mái đến vậy. Chỉ cần… một phút ba mươi giây là có thể ôm sát rạt, mắt trong mắt, tai bên tai, thì thầm, xin số điện thoại, rủ rê, hẹn hò. Nhiều lúc đi sàn thôi chưa “đã”, phải tụ tập thêm ngoài quán xá, chỗ này chỗ nọ…
Đàn bà lai vãng ở sàn vì lẽ gì? Cô đơn? Tìm bạn, kết bè lập nhóm? Giết thời gian? Xả căng thẳng? Đủ mọi lý do. Thiên hạ rỉ tai nhau, đàn bà trên sàn toàn là “hoàn cảnh” đấy thôi, chứ đề huề hạnh phúc, bận bịu chăm nom cái tổ ấm của mình, lo giữ chồng hoặc mải thăng tiến, thì đã chẳng đến đây làm gì cho phí đời.
Hỏi ra, chị đã ly hôn, em thì duyên chờ mãi không tới, cô nọ đang ly thân, chị kia đã ở mức “mặc kệ ổng”… Họa hoằn mới có người đi nhảy để thư giãn, như một cách vận động cho khuây khỏa, thì lại bực mình vì lọt vào tầm ngắm của mấy ông đến sàn… săn hàng. “Cứ làm như phụ nữ đến đây là thiếu, là thèm không bằng! Gớm chết!”.
Ở đâu đàn bà thấy mình nữ tính nhất, được chìa tay hành xử như phim, lả lướt thể hiện mà chẳng cần phải giữ kẽ, ngại ngần? Nơi nào bất chấp đẹp xấu, già trẻ, chỉ cần rộng tiền bo là sẽ được săn đón, mời mọc, nâng niu như trứng mỏng? Sàn nhảy đấy thôi! Nên khiêu vũ cứ như một thứ ma túy, nhẹ mà say, ngấm dần lúc nào chẳng hay.
Dấn vô là ghiền, không dứt ra được. Có khi cách ngày phải đi nhảy. Tuần nào cũng phải có mặt. Nếu không người ngợm bải hoải, bứt rứt. Nên chẳng lạ cái cảnh ở nhà vệ sinh, 22g, một chị thản nhiên nói chuyện điện thoại rằng con phải ngoan, ngủ trước đi, chút nữa mẹ về, không là mẹ chẳng thương đâu đấy. Cũng phải để cho mẹ sống với chứ, cứ quanh quẩn ở nhà với con thì mẹ đến chết già à? Nuôi lớn chừng đó rồi…
Đàn bà muốn thong thả đến sàn chơi, thường ở độ tuổi phải dư thừa hoặc thời gian, hoặc tiền bạc, hoặc cả hai. Khối chị đi khiêu vũ phải giấu giếm, trốn chồng. Được mấy anh đàn ông vui vẻ chấp thuận cho vợ luyện cái môn nhiều đụng chạm, dễ phát sinh tình huống như thế? Nên sàn cũng linh hoạt đón ý khách.
Có suất ban ngày, thậm chí ngay trong giờ hành chính mà mấy câu lạc bộ khiêu vũ ở khu trung tâm vẫn đông nghẹt người. Nơi dành cho khách nữ thay đồ, sửa soạn lúc nào cũng rộng rãi, tươm tất. Chị em cứ việc quần tây áo lẻ, mặt mộc ra khỏi nhà, đến nơi tút lại sẽ thành một “em” váy ngắn, giày cao gót, phấn son rực rỡ.
Đừng nghĩ ra sàn nhà ngói cũng như nhà tranh mà lầm. Cũng có đẳng cấp rõ ràng! Muốn bằng chị bằng em thì phải chịu khó đầu tư sắm sửa. Phải biết thắt lưng buộc bụng nín nhịn tiền chợ và các khoản “thủ” được để mua thêm váy áo, giày đẹp, mỹ phẩm, nước hoa…
Đàn ông trên sàn thường không đông bằng đàn bà. Kiếm một người đàn ông chịu bỏ thời gian đi học nhảy, chịu khó mời nữ điệu này điệu nọ, cũng là của hiếm. Mà hiếm thì phải quý. Nên đàn ông nhiều lúc bị vây quanh, tranh giành, rủ rê, chèo kéo làm cho ảo tưởng. Rằng mình hay, mình nhảy giỏi, mình đẹp trai, mình lịch lãm, mình cuốn hút…, dù thực tế đôi khi khác xa suy nghĩ ấy đến vài vạn dặm. Đàn bà đi sàn, có khi tỵ hiềm, nguýt hoáy nhau vì một người đàn ông theo chuẩn mực vừa kể.
Khiêu vũ là môn chơi của đàn ông. Mời ai, mặc kệ ai “ngồi vêu như gái ế” cả buổi là quyền của họ. Hôm trước thân mật, hôm sau như chẳng quen, cứ thản nhiên ôm eo một “đào” khác, cũng chẳng ai dám nói gì. Dìu nữ đi thế nào là do họ chủ động. Đàn bà cứ thế mà bước theo. Nên đừng trách đàn ông nơi ấy thô thiển, ky bo, bất lịch sự làm gì. Đó là văn hóa sàn nhảy.
Đằng sau bộ áo quần và mấy bước chân thật ra cũng chẳng mấy lả lướt, đúng bài, đúng nhịp, có khi là một anh chàng vô công rồi nghề, thất nghiệp, coi khiêu vũ là một phương tiện “vừa được ôm vừa có tiền”. Thế nhưng, đàn bà đôi khi vẫn tự biến mình thành một trong những lựa chọn cho vài người đàn ông như thế.
Bữa giờ, giới đi nhảy râm ran câu chuyện chị nọ có chồng làm bác sĩ, phòng mạch mỗi chiều đông đen, thu nhập hàng năm đủ để mua thêm một căn hộ chung cư cao cấp. Chị mỗi lần đến sàn là đi “sô” (show), nghĩa là thuê hẳn một kép riêng, tùy nghi sử dụng.
Kép mối của chị là người có số có má trong nghề, từng đoạt giải một cuộc thi tài năng về nhảy nhót cấp thành phố, dáng cao tướng thẳng, phong thái ngời ngời nên giá cũng trên trời! Nửa triệu cho hai giờ khiêu vũ cũng là bình thường. Mỗi tuần chị đi nhảy đâu vài ba lần. Rồi chẳng biết chị với kép thân tình cỡ nào mà kép rủ rỉ mượn tiền. Mỗi lần một ít, tới khi tính lại đã hơn ba trăm triệu. Kép tuyên bố phá sản, xù nợ. Chị cay đắng kể, thấy nó cũng tội, ai dè…
Buồn nhất là chị em trên sàn nhiều chuyện, sau lưng chị xì xầm từng tuổi này rồi, không đi lừa người ta thì thôi, dưng không lại dễ bị dụ thế à? Chị nói như thanh minh, đi với kép giỏi để nó còn kèm dạy chị. Thiên hạ lại cười ngất, mấy năm nay, thấy chân cẳng chị vẫn vậy, nhảy nhót có khá hơn được chút nào đâu. Ừ thì chắc nó cũng có dạy chị môn gì đó, ở những nơi chốn nào khác rồi, chứ không đơn thuần là tập tành khiêu vũ.
DepPlus.vn/Phunuonline