Chan tương đổ mẻ
Là gái quê tận Cao Bằng nhưng lại cưới được người chồng “nhà mặt phố, bố làm to”, chị Trần Thị Lý (Liễu Giai, Ba Đình) khiến bạn bè ghen tị. Hai anh chị cùng học Đại học với nhau nên khá hiểu nhau về tính cách. Anh Bình – chồng chị không hào hoa, phong nhã, chu đáo với vợ và gia đình. Chị Lý cũng không mong gì hơn. Nhưng càng ngày chị càng cảm thấy ngột ngạt với sự chu đáo đến khắt khe của chồng.
Gia đình nghèo nên chị Lý không có yêu cầu cao đối với cuộc sống, thích đơn giản nhưng anh Bình lại thích mọi thứ phải ngay hàng, thẳng lối, quần áo phải giặt tay, là đúng ly, su hào xào phải thái chỉ đều tăm tắp, trăm sợi như một. Chị Lý làm không đúng ý là bị chồng ca cẩm, dè bỉu suốt mấy ngày. Khách đến, anh đều lôi các tật xấu của vợ ra chê bai rồi cười khoái trá.
Theo lời anh, vợ anh chẳng được cái nết gì. Mắt một mí, da đen, môi mỏng quẹt. Từ núi tụt xuống nhưng không biết giấu cái quê kệch, “lói” ngọng, thích đi dép lê loẹt quẹt, tóc thì búi củ hành như bà già. Đã thế, học hành cũng dốt, xin việc không chỗ nào được, may mà anh có quan hệ nên xin cho. Anh cũng cằn nhằn việc cả họ ngoại như “khỉ cả bầy” thích lôi nhau xuống Hà Nội đi tham quan, về nhà anh ăn uống bề bộn, nói cười oang oang như cái chợ.
Còn anh, bố làm to, gia đình có của ăn của để, mặt mũi sáng sủa, tính nết hay ho. “Không hiểu sao tự nhiên tôi lại mê muội rước cái ngữ động đâu đổ đấy ném ra đường cũng chẳng ai rước” - anh Bình rất bùi ngùi chia sẻ với bạn bè. Mọi người nghe chuyện chẳng thấy đồng cảnh với anh Bình mà chỉ thấy ngậm ngùi cho người vợ “chẳng được cái nết gì”. Nhưng khi hỏi anh Bình, thấy vợ tệ thế sao lại lấy thì anh Bình lại khoát tay: “Được cái đần nên không cãi chồng, không đòi hỏi. Vợ như thế cho yên cửa yên nhà”.
Lúc đầu, nghe những lời chê bai của chồng chị Lý còn vặn vẹo lại, rơm rớm nước mắt, nhưng sau nghe quen tai, chị cũng mặc kệ. Tuy nhiên, nụ cười trên mặt chị cũng dần dần biến mất, nét mặt u buồn, lưng cũng còng xuống. Chị cũng không muốn tiếp xúc với bạn bè chồng, các cuộc tụ tập ở cơ quan chồng cũng né tránh.
Còn chị Hồng Nga (Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng) cũng chẳng vừa ý bất cứ việc gì về chồng. Chồng chị như cái “bị thịt” chỉ biết ăn lại nằm, vừa vụng vừa lười, đã thế chẳng biết giao tiếp, đi đâu cũng như người cấm khẩu. Chị cũng không chấp nhận nổi cái thói rung đùi tít mù, tất đi 3 ngày không thay, ăn xong thích ngậm tăm trên miệng của chồng. Người “khôn nhà dại chợ” nên chẳng biết kiếm tiền cho vợ con sung sướng, thân cu li ba cọc ba đồng nên vợ khổ. Ác nỗi, mỗi khi chê trách, chị lại mang hàng xóm ra so sánh. Nào là chồng người tháo vát biết làm ăn thu nhập 30 triệu một tháng. Anh chồng nhà bên trái ăn mặc bảnh bao, ăn nói có duyên. Anh chồng nhà bên phải lại ga lăng biết tặng áo lông cừu mấy triệu bạc cho vợ. Còn chồng mình thì vô tích sự, ăn bám vợ, vợ đã hầu hạ còn không biết điều.
Ảnh minh họa.
Khẩu xà tâm mệt
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa (Trung tâm tư vấn Linhtam), không ít người chê vợ, chê chồng một cách tùy tiện mà không để ý đến cảm xúc của bạn đời. Lại có người chê chồng, diễu vợ chỉ để “cười cho vui”. Họ hạ bệ chồng (vợ) mình với hy vọng sẽ “đôn” mình lên cao hơn, để thiên hạ thấy sự vĩ đại, vị tha, tài giỏi của chồng hay sự đảm đang, tháo vát của vợ. Lại có anh chị mang áp tiêu chuẩn cuộc sống của mình lên bạn đời, thích chỉn chu, cầu toàn nên nhìn ai cũng thấy chướng tai gai mắt. Phải vạ là vợ (chồng) lại phải ở cạnh “người hoàn hảo” nên hứng chịu mọi sự chỉ trích, soi mói của họ. Còn có người vì tâm trạng bực bội, không hài lòng vì chồng không tặng hoa ngày lễ, vợ hay cãi lại nhưng lại không thích nói thẳng mà “đá mèo quẹo chó” để xả ấm ức. Thậm chí có người chê vợ như “ca bài ca truyền thống” chứ không có ý xấu gì nhưng nói một lần còn vui, hai ba lần đã trở thành chuyện xấu.
“Yêu nhau, cưới nhau là phải tin tưởng lẫn nhau, chấp nhận cá tính, sở thích riêng biệt của nhau. Không ai là hoàn hảo, hai cá thể trưởng thành trong hai môi trường khác nhau cũng không thể nhanh chóng “ăn khớp” như bánh răng trong cỗ máy được. Do đó, điều gì có hại cho cuộc sống vợ chồng thì dần dần điều chỉnh, thích nghi. Cũng có điều chỉ có thể chấp nhận, vị tha” – ông Hòa nhấn mạnh.
Còn chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc) cũng cho biết, việc chua ngoa, chế giễu vợ (chồng) chẳng đem lại sự thoải mái cho bất cứ ai. Người bị chê bị tổn thương, sẽ đánh mất đi sự kính trọng, yêu thương bạn đời. Còn người chê cũng sẽ chỉ nhìn thấy thói xấu của vợ (chồng), lúc đầu có khi chỉ nói cho vui, nhưng nói dần lại tin điều đó là thật, cũng sẽ sớm đánh mất những điều đẹp đẽ mà khiến mình lựa chọn cô ấy (anh ấy).
Anh Bình sẽ tiếp tục chê vợ nếu như một ngày không vô tình gặp vợ tại một hội nghị khách hàng. Hôm đó chị Lý mặc áo dài, trang điểm, uốn tóc bồng bềnh. Đôi mắt một mí có hồn, mỗi khi chị cười lại lấp lánh những tia sáng tinh nghịch. Làn da ngăm đen có chút phấn hồng khiến chị càng trẻ trung. Không ít đàn ông đi ngang qua chị Lý đều hấp háy mắt, buông lời tán tỉnh. Anh Bình bỗng nhớ ra ở nhà hầu như vợ mình không cười, ăn mặc cũng “tối tăm”, ít nói, như thể muốn thu mình cho bé lại. Không ngờ, ở cơ quan trông chị lại hấp dẫn đến vậy. Từ đó, anh bớt lời cay độc và tỏ ý quan tâm đến vợ nhiều hơn. Càng gần gũi, chia sẻ với vợ, anh Bình càng tìm thấy những nét đáng yêu của vợ, điều khiến anh yêu chị nhưng lại tự mình đánh mất trong một thời gian dài.
Sự hối hận của chị Nga lại quá muộn màng khi một ngày người chồng “vô tích sự” của chị đi theo một người phụ nữ khác. Khi chị trách móc anh vô ơn, bạc bẽo thì chồng chị chỉ cười khẩy: “Cô vốn coi tôi như người ăn bám, không cho cô hạnh phúc thì giờ tôi đi cho cô tìm cơ hội mới, cô còn trách móc gì. Trong mắt cô tôi không đáng một xu nhưng với người phụ nữ kia, tôi được tôn trọng, được tin tưởng, được yêu thương. Coi như cả hai chúng ta đều có lợi”.
Theo Anninhthudo.vn