So với những phụ nữ khác trong xã hội, các bà mẹ đơn thân chịu thiệt thòi nhiều hơn khi thiếu vắng hơi ấm của người đàn ông bên cạnh, cũng chịu áp lực lớn hơn khi cùng lúc phải sắm vai cả cha lẫn mẹ để nuôi dạy con cái. Vòng xoay cuộc sống nhiều gian nan khiến họ đôi lúc trầm uất, dễ nổi cáu. Tuy nhiên, có những câu chữ, họ tuyệt đối không nên nói với đứa con của mình.
1: Con nghĩ mẹ sung sướng lắm hay sao?
Câu nói này rất dễ ảnh hưởng tới tâm lý của đứa trẻ. Có những khổ đau, người mẹ phải lặng lẽ học cách quên đi; có những gian khổ, họ nên học cách chấp nhận và vượt qua hơn là bắt đứa con phải nhìn nhận thực tế đó.
2: Tất cả đều là tại con!
Mọi người mẹ trên thế giới này đều dành trọn vẹn tình thương cho đứa con của mình, đối với những người mẹ đơn thân, sự hy sinh đó đôi khi còn lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, người mẹ không cần thiết phải kể lể công lao, than thở về nỗi vất vả của mình với những đứa con. Bởi vì, trẻ con thường rất nhạy cảm, tự bản thân chúng có thể cảm nhận được điều này.
Trước câu nói đầy oán trách này của người mẹ, trẻ nhỏ sẽ có hai kiểu phản ứng. Nếu là đứa trẻ hiền lành, chúng sẽ tự trách bản thân là gánh nặng của mẹ, cho rằng người mẹ không còn yêu thương chúng và vì thế, chúng rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm.
Nếu như là đứa trẻ bướng bỉnh, chúng sẽ nổi cáu phản bác lại mẹ mình: “Ai bảo mẹ phải hy sinh vì con?”. Không những đứa trẻ không thể thấu hiểu được tấm lòng người mẹ, mà phản ứng này của chúng còn khiến người mẹ đau lòng.
3: Con làm như vậy, có xứng đáng với mẹ không?
Câu nói này đơn thuần chỉ bày tỏ sự tức giận nhất thời của người mẹ đối với đứa con, nhưng nhìn nhận từ góc độ tâm lý học, nó lại chứa đựng nhiều hàm ý sâu xa hơn thế. Là cha mẹ, người lớn không nên lấy việc con cái báo đáp mình ra sao làm tiêu chuẩn để dạy dỗ và đánh giá con cái.
Câu nói “Con làm thế có xứng đáng với mẹ không” khiến đứa trẻ có cảm giác gò bó, trói buộc, giống như bị tước đoạt quyền tự do sống và khám phá. Thay vì như vây, người mẹ nên tạo cho đứa con thói quen có trách nhiệm với bản thân mình trước tiên, ý thức được việc làm sai có ảnh hưởng như thế nào đến chính bản thân mình.
4: Đều tại ông bố chết tiệt của con!
Oán hận, trách móc người từng làm tổn thương mình suy cho cùng chỉ là tự làm khổ mình với những vết thương cũ. Cho dù suốt đời không thể tha thứ cho người đàn ông phụ bạc đó, phụ nữ cũng không nên mãi giam mình trong ám ảnh quá khứ như vậy. Tốt hơn hết là hãy học cách quên đi đối phương!
Đối với những đứa trẻ sinh trưởng trong gia đình đơn thân, thiếu đi hơi ấm của người cha hoặc người mẹ là khiếm khuyết đáng tự ti nhất của chúng. Người mẹ không nên dồn thêm áp lực cho đứa con của mình bằng những lời kết tội dành cho người cha.
5: Là do mẹ sai!
Bên cạnh những phụ nữ không ngừng oách thán người chồng cũ tồi tệ, cũng có không ít bà mẹ đơn thân tự trách bản thân khiến cho đứa con của mình chịu nhiều thiệt thòi. Bạn cần nhớ rằng, hôn nhân tan vỡ không phải điều mà người phụ nữ mong chờ hay có thể kiểm soát. Tư tưởng cực đoan sẽ làm cho cuộc sống của mẹ và con ngày càng trở nên áp lực và căng thẳng hơn mà thôi.
Chỉ khi nào người mẹ rũ bỏ được gánh nặng cuộc sống, họ mới có thể lấp đầy thế giới tình cảm của đứa con.
6: Không được nhận quà của bố con!
Các bà mẹ đơn thân còn có rất nhiều câu nói khác tương tự như vậy, ví dụ như: “Không được đến nhà bố con!”, “Không được nghe điện thoại của bố con!”…
Cho dù chồng cũ của bạn là người đàn ông tồi tệ, xấu xa đến thế nào thì đó cũng là cha của đứa con của bạn. Đây là thực tế không thể thay đổi. Người xưa có câu: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, máu mủ ruột già không thể nói cắt đứt là cắt đứt được.
Mệnh lệnh của người mẹ vô tình tập cho đứa con cách sống vô tình, lãnh cảm và bất hiếu; thậm chí rất dễ khiến cho đứa trẻ hoang mang, stress khi đứng giữa lựa chọn cha hoặc mẹ.
7: Bọn họ nói gì về mẹ?
Mỗi khi đứa con từ nhà bố, ông bà nội hoặc những người họ hàng của bố trở về, người mẹ không nên gặng hỏi chúng về những chuyện của gia đình chồng cũ, đặc biệt là những bình phẩm của họ dành cho mình. Nếu bạn và những người đó không còn quan hệ ràng buộc, bạn đừng bận tâm quá nhiều về cuộc sống và suy nghĩ của họ.
Việc bắt con trẻ tường thuật lại những chuyện ở gia đình bên nội vô tình biến chúng trở thành “gián điệp” bất đắc dĩ. Dù cha mẹ có lỗi lầm gì thì cũng mãi mãi là người cha, người mẹ duy nhất của đứa trẻ, tuyệt đối đừng bắt chúng phải nói không tốt về bất cứ ai trong hai người đó.
8: Mẹ rất ân hận vì đã sinh ra con!
Đây là câu nói gây tổn thương lớn nhất cho đứa con, không những xúc phạm nghiêm trọng tới lòng tự trọng của chúng mà còn rất dễ khiến chúng nảy sinh những suy nghĩ và hành động tiêu cực. Một khi đứa trẻ tỏ thái độ phản kháng với người mẹ thì quan hệ mẹ con sẽ ngày càng xa cách, việc dạy dỗ đứa trẻ trưởng thành cũng trở nên khó khăn hơn.
depplus.vn