Dưới đây là những vấn đề cần trao đổi trước hôn nhân sẽ khiến bạn "vỡ" ra được nhiều điều, có thể tránh đi vào vết xe đổ mà những "nạn nhân" đã từng trải qua.
Vấn đề tài chính
Điều quan trọng là phải lập kế hoạch xử lý số tiền mà cả hai bạn sẽ kiếm được trong tương lai. Mỗi người có thể cần có tiền tích lũy riêng ngoài một tài khoản dùng chung mà cả hai vợ chồng đóng góp vào mỗi tháng.
Cụ thể con số mỗi tháng bao nhiêu tùy thuộc vào mức lương của các bạn, nhưng hãy thảo luận và thống nhất. Ngoài ra, quyết định khi nào tiền từ nguồn tài chính chung có thể được sử dụng cũng cần được thảo luận
Khoản nợ tiền hôn nhân
Hãy nói với nhau về các khoản nợ tiền hôn nhân một cách chân thành nhất. Việc trao đổi sẽ giúp cả hai tìm ra hướng giải quyết chung. Không ai thích bị bất ngờ gánh khoản nợ của người mình vừa mới kết hôn, bất cứ ai cũng sẽ cảm thấy bị phản bội nếu kết hôn rồi mới được biết người kia đang mang nợ. Điều này thực sự có thể ảnh hưởng đến sự tin tưởng mà vợ chồng dành cho nhau.
Nơi sống sau kết hôn
Mặc dù điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng mọi người có thể bỏ qua việc nói về điều này trước khi kết hôn. Định cư ở nông thôn hay thành phố có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc sống mà họ sắp chia sẻ. Nó cũng có thể dẫn đến sự không hài lòng nếu một trong hai vợ chồng muốn sống trong một căn hộ, còn người kia mơ được sống trong một ngôi nhà có mái hiên phía trước. Môi trường sống có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng sống của mỗi cá nhân rất nhiều. Khó có ai có thể "chịu trận" để chấp nhận một nơi ở không như bản thân mong đợi.
Thời gian dành cho nhau
Mặc dù hôn nhân thường có nghĩa là sống cùng nhau, nhưng điều đó không có nghĩa là cặp đôi cần dính như sam với nhau 24/7. Mỗi người đều cần tôn trọng nhưng nhu cầu riêng, khoảng thời gian riêng của nhau.
Tiền sử sức khỏe
Tương thích về mặt sinh học là rất quan trọng, đặc biệt nếu cả hai bạn đang mong muốn có con. Ít nhất, họ có thể trung thực về tiền sử sức khỏe thể chất và tinh thần của nhau, bao gồm cả tiền sử của gia đình họ. Bằng cách đó, họ có thể chuẩn bị tâm lý cho những gì có thể đến trong tương lai.
Kế hoạch sinh con
Không phải ai lập gia đình cũng muốn có con. Và ngay cả khi cả hai vợ chồng đều muốn có con, vẫn còn những điều khác cần thảo luận, chẳng hạn như cách nuôi dạy con….
Nếu vì lý do nào đó mà một cặp vợ chồng không thể sinh con, họ sẽ cần phải suy nghĩ về việc phải làm gì tiếp theo. Họ có thể nhận con nuôi, nhờ người mang thai hộ, thực hiện phương pháp thụ tinh ống nghiệm, hoặc ly hôn…
Phân chia công việc nhà
Phân chia công việc cũng là một trong những cách "giữ lửa" gia đình. Dù là chuyện nhỏ, việc nhà có thể khiến các cặp vợ chồng "đánh nhau vỡ đầu". Điều này là do một người có thể cảm thấy quá tải khi phải tự mình làm tất cả công việc. Để đảm bảo rằng gia đình có sự bình yên, tốt hơn hết, bạn nên nói về những công việc mà mỗi người sẽ đảm nhiệm.
Chăm sóc/chu cấp cho bố mẹ 2 bên
Cha mẹ sẽ già đi và thậm chí có thể bị ốm, điều đó có nghĩa là họ có thể cần được chăm sóc. Những quyết định như bạn có muốn sống chung với họ hay không, ai sẽ chăm sóc họ hay chu cấp cho họ bao nhiêu… đều nên có trong danh sách những điều một cặp đôi sẽ cân nhắc thảo luận trước khi kết hôn.
Quan điểm về “ngoại tình”
Thuật ngữ này có thể có nghĩa khác nhau đối với tùy người. Có người sẽ nhận định "hôn" là đủ bằng chứng xác nhận đã ngoại tình nhưng có người sẽ xem việc gặp lại người yêu cũ đã là không thể chấp nhận rồi. Cũng có người cho rằng lên giường với người khác mới là ngoại tình. Hãy có một cuộc trao đổi để tránh hiểu lầm.
Hoạch định cho tương lai
Trong 5 năm, 30 năm tới, bạn thấy mình trở thành người thế nào? Đặt câu hỏi này giúp các bạn có được hình dung về cuộc sống chung giữa hai người sẽ như thế nào.
Mong ước của một người nhiều khi có thể không khớp với suy nghĩ của người kia về hôn nhân hạnh phúc. Ví dụ một người muốn sẵn sàng lăn lộn với nghề trước khi trở thành một nghệ sĩ thành công trong khi người kia lại chỉ mong một cuộc sống bình thường với thu nhập ổn định.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)