Cứ mỗi dịp "tôn vinh phụ nữ" như ngày 8/3, chị em lại người nô nức khoe quà, người giận hờn vì "không được quan tâm", cánh đàn ông cũng xôn xao vì cái sự phải tặng hoa, mua quà cho người phụ nữ của mình. Và vấn đề bình đẳng giới, những tranh cãi về tinh thần thực sự của bình đẳng, tinh thần của những ngày lễ "tôn vinh" như ngày 8/3, 20/10 lại được bàn luận sôi nổi.
Chị Nguyễn Phương Mai, PGS.TS - giảng viên đại học Kinh tế Amsterdam (Hà Lan), một chuyên viên về quản trị đa văn hoá đã có bài viết về chủ đề này trên Facebook cá nhân, đặc biệt nhấn mạnh đến những định kiến về giới tính mà người Việt, đến tận thế kỷ này vẫn chưa thoát khỏi. Và đằng sau nhiều tranh luận đồng tình và cả trái chiều, có rất nhiều điều thực sự phải suy ngẫm về những định kiến đã và đang trở thành thói quen trong tiềm thức, về "phận đàn bà"...
Chị cho rằng: "Định kiến vô thức rất nguy hiểm. Nó thể hiện ra từ những ngôn ngữ tưởng như vô thưởng vô phạt hàng ngày. Ngôn ngữ không những thể hiện suy nghĩ của bạn mà còn ĐIỀU KHIỂN hành vi của bạn. Trong một nghiên cứu tâm lý, khi người tham gia đọc câu "tội ác là một con vi-rút" thì họ coi tội ác là một "căn bệnh" và đề xuất những giải pháp rất tích cực để điều trị như nâng cao nhận thức, giáo dục. Nhưng khi nguời tham gia đọc câu "tội ác là một con thú" thì họ lập tức đề xuất những giải pháp rất ngắn hạn như bỏ tù, trừng phạt, hay tiêu diệt đến cùng.
Bạn thấy không, ngôn ngữ chúng ta dùng hàng ngày vô thức điều khiển cách ta nhìn thế giới và tạo nên chính số phận mình. 8/3 này, than thở oán trách xong thì cùng thực tế nhé. Có những cụm từ mang nặng định kiến vô thức như sau:
- ĐÀN ÔNG - Thương lắm những người đàn ông gánh nặng vai định kiến giới mà đôi khi không dám than. Đàn ông à, chúng ta cùng cởi trói cho nhau nhé, vì xích xiềng ở chân phụ nữ cũng là xích xiềng ở chân các anh.
- ĐÀN ÔNG GÌ MÀ... (lắm lời, không kiếm tiền giỏi bằng vợ, không biết uống rượu, không quảng giao, toàn bám váy vợ, không biết đẻ con trai, không có sự nghiệp, ăn mặc loè loẹt, uỷ mị...vv) - Đàn ông cũng là người, đừng ép họ để rồi chính mình cũng bị chèn ép theo khuôn mẫu của người đời.
- PHÁI MẠNH - Cao hơn có vài centimet, xách nặng hơn vài cân, sao nỡ bắt họ phải mình đồng da sắt còn mình thì phải nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa?
- TRỤ CỘT GIA ĐÌNH - bắt nguời ta làm trụ cột thì đừng trách ngưòi ta coi mình chỉ là chiếu trải cho đẹp trong nhà.
- ĐÁNG MẶT NAM NHI - Vậy nghĩa là nữ nhi không có chuẩn mực cao bằng nam nhi sao?
- TRAI ANH HÙNG - Nếu không muốn chỉ làm phận gái thuyền quyên vô dụng thì đừng bắt đàn ông làm trai anh hùng.
- PHỤ NỮ - Thương lắm những người phụ nữ trót bị đặt lên bàn thờ. Sự BẤT HẠNH trở thành PHẨM HẠNH. Từ giờ mình nên cân nhắc những từ này, để chính mình không bị định kiến vô thức lèo lái nhé.
- NỮ CÔNG GIA CHÁNH - Cứ mặc định chuyện nhà là của đàn bà chỉ khiến đàn ông bị đẩy ra/muốn ra rìa.
- NỮ NHI THƯỜNG TÌNH - Phụ nữ giỏi đâu kém đàn ông, xin đừng khiến chúng tôi mắc hội chứng tưởng mình là trung tâm thế giới.
- PHẬN GÁI/ PHẬN NỮ NHI/ PHẬN CỌC KÈO - Thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận. Trên đời không có phận nữ nhi hay phận làm trai. Chỉ có số phận chính mình mà bạn góp tay tạo nên.
- KIẾP HỒNG NHAN - Khiếp, nghe đã rùng mình. Thế kỷ 21 rồi mà còn gắn sắc đẹp với bất hạnh là sao? Sắc đẹp là một tài sản, cả đẹp trai lẫn xinh gái. Dùng thế nào cho hợp lẽ thôi. Đừng coi nó là chuẩn mực để đánh giá người khác, đừng coi nó là thước đo giá trị, đừng hướng đến như mục tiêu lớn của cuộc đời.
- ĐỒ ĐÀN BÀ - Câu này nghe phụ nữ nói mới sốc. Chính mình không tôn trọng bản thân thì khiến ai cúi đầu khâm phục được đây?
- ĐÀN BÀ HƠN NHAU TẤM CHỒNG - Sao phụ nữ lại coi đàn ông như cái bằng khen để so bì thành công trong cuộc sống thế?
- LẤY CHỒNG LÃI MỖI ĐỨA CON - Câu trước vừa coi đàn ông là thước đo hạnh phúc, câu sau lòi ngay ra đàn ông chỉ là công cụ để các bạn đẻ con.
- PHÁI YẾU - Yếu gì? Các bạn giỏi bỏ xừ, toàn làm việc gấp đôi đàn ông. Vừa việc nước, vừa việc nhà. Giặc đến nhà thì đánh cho tan tác.
- CÁC MẸ/ CÁC MẸ BỈM SỮA - Mỗi lần nghe là cảm thấy đàn ông gián tiếp bị lùa ra khỏi cuộc chơi, trở thành người ngoài cuộc. Loa phóng thanh gọi đi tiêm chủng cũng chỉ các MẸ, quảng cáo đồ cũng toàn nhắm vào các MẸ. Nghe thân thương thật đấy, nhưng cứ thấy tủi thân thế nào. Bố cũng có tiền mua đồ cho con yêu mà. Bố cũng bỉm sữa được mà. Người làm marketing quên rằng phổ quát là một nguyên tắc cơ bản cho thị trường hàng đại chúng sao?
- 500 anh em Facebook - Ơ, đàn bà đâu hết rồi?"
Trích facebook Phuong Mai Nguyen.
Nhìn lại vấn đề mà chị Phương Mai đặt ra, những định kiến, áp đặt của xã hội lên giới tính, hóa ra là những câu cửa miệng mà chúng ta thường nghe, như :"Con gái con đứa...", "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà", "Đàn ông mà tính đàn bà", "Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu", "phúc đức tại mẫu", "cây khô không lộc, gái độc không con", "Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi má liếm lá đầu đường", "Ra ngõ gặp gái"... Cả hai phái đều bị "bạo hành" bởi sự áp đặt trong ngôn ngữ và tư tưởng, từ thuở bé thơ, từ cách chúng ta suy nghĩ và dạy dỗ về giới tính cho con trẻ.
Nghĩ lại mà xem, chúng ta thường mặc định bé trai sẽ thích màu xanh nước biển, bé gái thích màu hồng, con trai không được khóc, con gái là phải dịu dàng... Và nếu bé trai của bạn thich chơi búp bê, muốn học nấu nướng, con gái của bạn chỉ thích lắp ráp robot, ưa vận động huỳnh huỵch, bạn có dám đảm bảo rằng, chính bạn và những người xung quanh bé không mắng: "Con trai thì phải...", "Con gái gì mà..." không?
Một cậu bé khóc nhè, da trắng môi đỏ, thích đi giày hồng, bám mẹ vẫn có thể là một chàng trai manly nhất, nếu cậu bé lớn lên là chính mình với một trái tim biết yêu thương. Và một cô bé có mái tóc rễ tre, da đen nhem nhẻm, chạy nảy nô đùa suốt ngày, thích "vần" xe đạp ra sửa, những điều ấy cũng chẳng làm cho con bớt đi sự dịu dàng và ý nhị mà con có.
Nếu bạn sắp có con, đừng hỏi bác sĩ về giới tính của con chỉ để mua quần áo hay cho con thật giống con trai hay con gái. Bạn sẽ không thể tưởng tượng được đứa con của bạn sẽ đặc biệt như thế nào. Nếu bé gái xinh đẹp như một nàng công chúa nhưng lại rất manly thì bạn có giảm bớt tình yêu con không? Nếu bé trai nhìn vẻ ngoài rất cứng cỏi, nhưng lại có một trái tim yếu mềm, bạn có vì thế mà ghét bé không?
Người ta bảo, muốn thay đổi một cuộc đời, hãy thay đổi một người. Muốn thay đổi một thế hệ, hãy thay đổi tư duy của một người phụ nữ. Hơn ai hết, chính những người mẹ là người đầu tiên gạt những câu cửa miệng ấy khỏi đầu, bắt đầu bằng việc không đặt con trong định kiến về giới tính của con. Nếu con trai bạn thích chơi búp bê và con gái bạn thích chơi ô tô, thì có lẽ ô tô với búp bê chắc rất thú vị với con. Không có gì là giới hạn cả trừ khi bạn tự giới hạn khả năng đó. Và từ đó, bạn sẽ học được cách ứng xử với chính mình, và những người lớn xung quanh mình.
Nếu cứ mặc nhiên coi phụ nữ sinh ra là đã thiệt thòi, cần phải có những ngày đặc biệt để tôn vinh, để tri ân, thì nghĩ về bình đẳng giới đã đủ xa vời, chứ đừng nói là thực hiện. Bình đẳng là cả hai giới được sống với thiên chức, sở thích, được tạo cơ hội phát triển tối đa năng lực của mình, là không có định kiến ép ai phải "nam tính" hay "nữ tính", chứ không phải là một thế giới mà phụ nữ (hay nam giới) được ưu tiên.
Theo Ttvn.vn