Tôi kể ra, xin các anh chị đừng cười, đừng cho rằng tôi khéo vẽ chuyện. Tôi sang Mỹ đến nay đã 12 năm, theo diện học sinh du học. Sau 8 năm hoàn thành các loại bằng cấp học vị, tôi được mời ở lại giảng dạy. Tại đây, tôi gặp vợ tôi, một cô gái Mỹ gốc Việt rất đáng yêu.
Vợ tôi là tuýp phụ nữ đặc biệt hấp dẫn đàn ông, vừa có cái trầm tư sâu lắng của phụ nữ Việt Nam lại vừa có cái khoáng đạt tự do của một cô gái trưởng thành trên đất Mỹ này. Chúng tôi đã cưới nhau mùa xuân vừa qua, lúc ấy do bố tôi đang ốm ở Việt Nam, mẹ tôi phải ở nhà chăm sóc nên phía gia đình tôi chỉ có em gái và một dì sang đại diện. Từ bấy đến nay, cũng vài lần chúng tôi định về Việt Nam, nhưng bố mẹ tôi cứ lần lữa, muốn chúng tôi để dành về vào dịp Tết, để gặp gỡ được đông đủ họ hàng thân quyến.
Bố mẹ tôi muốn con cái về dịp Tết cho đông đủ họ hàng.
(Ảnh minh họa).
Trước kia, có lẽ chuyện về mới chỉ là nói qua nên vợ tôi rất hào hứng, vui vẻ. Vậy mà từ sau ngày chúng tôi đi đặt vé xong, cô ấy có những biểu hiện rất khác. Cô ấy lo lắng, sợ sệt, căng thẳng tới mức stress nặng. Sau khi cô ấy vào viện, tôi đã nhờ bác sĩ tìm hiểu giúp, thì hóa ra, nguyên nhân đúng thật 100% là tại cái vụ đi về kia.
Cô ấy tâm sự với bác sĩ rằng, dù là một người con gái gốc Việt nhưng cô ấy chẳng biết gì về đời sống gia đình ở Việt Nam, thậm chí chẳng nấu nổi một món ăn Việt Nam. Mẹ cô ấy là một người phụ nữ Huế mẫu mực, theo chồng sang Mỹ, không đi làm, ở nhà nên đảm trách tất cả mọi việc trong gia đình. Dù hàng ngày, cô ấy ăn cơm Việt, nói tiếng Việt nhưng tất cả những gì cô ấy biết chỉ có thế.
Qua lời kể của bác sĩ, tôi biết mẹ vợ tôi đã gieo vào đầu cô ấy những suy nghĩ vô cùng nặng nề, tiêu cực và khổ sở về vai trò làm dâu của phụ nữ Việt Nam, về sức nặng ảnh hưởng của gia đình chồng với cuộc sống riêng. Thậm chí, bà còn cảnh báo cô ấy rằng con dâu ở Việt Nam chỉ là một thứ osin của nhà chồng, và nếu nàng dâu không hợp ý nhà chồng thì thậm chí họ có thể tác động để chia cắt gia đình nhỏ của nàng dâu, đẩy nàng dâu ra rìa cuộc sống của con trai họ. Bởi vậy, vợ tôi lo sợ, sự khác biệt, sự vụng về, sự không thể làm “osin” của cô ấy có thể khiến cô ấy khổ sở, mất chồng nếu theo tôi về quê ăn Tết những 3 tuần.
Tôi tự biết ở Việt Nam đúng là có những gia đình cổ hủ như vậy. Nhưng trong số đó không có gia đình tôi. Bố mẹ tôi đều là trí thức hiện đại, gia đình tôi sống rất văn minh. Hơn nữa, tôi thế nào, sao vợ tôi không hiểu chứ? Tôi phải có trách nhiệm bao bọc, bảo vệ vợ mình và cuộc sống gia đình mình chứ?
Bình thường, vợ tôi sống rành mạch, tự lập, mạnh mẽ đến thế; không hiểu sao chuyện này lại khiến cô ấy nặng nề như vậy? Hay vợ tôi chỉ đơn giản là không muốn về quê chồng mà tôi không biết??? Nếu không phải vậy, tôi nên làm thế nào để vợ tôi thoải mái, vui vẻ khi cùng về ra mắt bố mẹ chồng, hãy tư vấn giúp tôi, vì thực sự sau nhiều năm sống ở nước ngoài, sự thay đổi trong văn hóa gia đình ở Việt Nam, tôi cũng không cập nhật được nhiều.
Hoàng Huy Hùng
Cô ấy suy nghĩ rất nặng nề về vai trò làm dâu ngày Tết ở Việt Nam. (Ảnh minh họa).
Đáp: Trong câu chuyện vợ anh nhập viện vì quá căng thẳng việc về quê, ngoài nguyên nhân bố mẹ vợ nhồi nhét vào cô ấy những suy nghĩ sai lệch, anh cũng có một phần trách nhiệm.
Nếu anh thường xuyên cùng cô ấy chia sẻ, cập nhật những thông tin trên đài báo về sự thay đổi của đất nước, vai trò của người phụ nữ hiện đại, những thay đổi trong cuộc sống gia đình ở Việt Nam gần chục năm qua, thì vợ anh đã không lo lắng đến như vậy. Bây giờ, việc liên lạc hết sức thuận tiện, kể cả không thể về quê hương, thì anh và vợ luôn có thể nói chuyện trực tiếp với bố mẹ, người thân qua internet, để cô ấy hiểu và yêu mến gia đình anh, phá vỡ đi những niềm tin sai lầm, lạc hậu làm cô ấy nản lòng, suy nhược.
Hãy bắt đầu từ bây giờ cũng chưa quá muộn. Giải thích cho cô ấy hiểu những thay đổi ở Việt Nam, về cách nhìn, cách ứng xử cởi mở, hiện đại, trân trọng với người vợ, người phụ nữ trong những gia đình Việt. Cùng cô ấy đọc những thông tin ấm áp về quê hương, những phong tục tập quán đậm bản sắc Việt để khơi lại ở cô ấy niềm háo hức về thăm quê. Cho vợ nói chuyện với bố mẹ, người thân anh để cô ấy hiểu tấm lòng thương quý của bố mẹ, sự mong đợi của cả gia đình với sự trở về của cô ấy…
Chúc vợ anh sớm vui trở lại và có cái Tết ấm áp ở quê nhà!
Chuyên viên tư vấn tâm lý, Ths Nguyễn Thị Hoa
Kiến thức