Khi ly hôn, có những người vẫn luôn hết mực quan tâm, bù đắp cho con. Nhưng có những người lại bỏ mặc con của mình sau khi chia tay vợ/chồng cũ.
Mới đây, câu chuyện một người mẹ đã mất con kể về việc con không nhận được sự quan tâm của bố khiến nhiều người nghẹn ngào: "Hơn 14 năm chị nuôi con với vai trò là một người mẹ đơn thân. Chị có kết hôn với bố bé, nhưng cuộc hôn nhân của chị chỉ kéo dài một thời gian rất ngắn vì bố bé có người thứ ba bên ngoài. Khi sinh bé trong viện, bọn chị vẫn là vợ chồng, nhưng khi bé ra đời thì bố bé không có mặt, chỉ đến khi chị về nhà được 1 ngày thì bố bé mới về nhìn mặt con. Sau khi bé được 1 tháng thì chị quyết định bế con về nhà ông bà ngoại. 23 tuổi, chị ly hôn. Lúc đó chị chỉ nghĩ một điều rằng nếu như đã không có tình cảm thì cũng không nên sống với nhau nữa, nên chị về ngoại và một thân một mình nuôi dạy con, từ khi con sinh ra cho đến khi con mất.
Cuộc sống những năm tháng không có tiền thực sự rất bế tắc, nhưng lúc nào chị cũng cố gắng dành dụm và kiếm tiền để có thể mang đến cho con một cuộc đời tốt nhất. Chị nghĩ những hộp sữa đắt tiền là tốt cho con, những bộ quần áo đắt tiền là tốt cho con, chị cho con đi học trường tư, dành cho con những gì tốt đẹp nhất mình có thể làm để bù đắp sự thiếu thốn về một gia đình không trọn vẹn. Thậm chí đến một chiếc áo mới chị cũng không dám mua cho bản thân mình. Chiếc áo có 30 ngàn, mua về rồi mà vẫn đắn đo trước sau rồi lại mang ra trả, chị chỉ nghĩ tiền này mình có thể dành cho con, có thể mua cho con những món đồ mà con thích.
Chị nuôi bé không trong sự hận thù. Không bao giờ chị chê trách bố cháu điều gì, chỉ dạy con rằng vì bố mẹ không thương yêu nhau nữa nên bố mẹ không sống cùng nhau, chứ chị không dạy con phải căm ghét bố, cũng không dùng sự hận thù chồng cũ mà nuôi dạy con. Bé con nhà chị cũng là một đứa rất hiểu chuyện, con không bao giờ hỏi mẹ là bố con đâu, càng không bao giờ trách cứ bố mẹ bất cứ điều gì. Nhiều lần con nghe hàng xóm kể chuyện cũ rằng bố từng bỏ gia đình đi theo người phụ nữ khác, nhưng cũng con chỉ về nói với chị một câu: "Mẹ ơi, người ta không cần mình nữa, thì mình cần gì người ta hả mẹ?" Đó là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng con nhắc với chị về chuyện đó, cuộc sống vẫn chỉ có hai mẹ con ở bên nhau.
Chị nhớ một lần khi con lớp 9, chị đưa con vào một cửa hàng giày dép để mua giày. Lúc đó chị đang cúi xuống để ướm thử đôi giày cho con, thì ngẩng lên lại thấy bố bé đang dắt theo em cùng cha khác mẹ của bé - tức là con chung với người thứ ba kia, giờ đã lấy nhau. Hai người đó cũng vào cửa hàng ấy để mua giày cho con, nhưng khi nhìn thấy mình thì chỉ im lặng dẫn nhau ra ngoài. Lúc đó mình thấy tủi thân vô cùng. Mình thấy thương con mình nhiều thế… Người ta có đầy đủ bố mẹ đưa đi mua giày thì con lại chỉ có một mình mẹ ở bên, mà rõ người kia là bố mình đấy - thế mà con cũng chẳng được nhận…
Có đôi lần bố bé xin chị cho gặp con. Năm đó là sinh nhật con 10 tuổi. Về đến nhà, bé kể với chị rằng: "Mẹ ơi, hôm nay … đưa đi chơi." Mình hỏi con dấu 3 chấm nghĩa là gì, hay đó là từ tục tĩu nên con không muốn nói ra, thì bé chỉ lắc đầu: "Không phải từ tục tĩu mẹ ạ. Thì đấy mẹ… Lúc thì con gọi người ấy là chú, lúc con gọi là bác, lúc con lại gọi là cô…". Khoảnh khắc đó mình mới nhận ra - bé không gọi được từ “bố” vì hình như trong từ điển của con không có từ đó, cũng là từ bé đến khi lớn, con chưa từng nói ra từ “bố” bao giờ… Lúc ấy mình thấy đau mà thương con mình nhiều lắm… Khi con sinh ra không được thấy nhìn bố, bố cũng chẳng đến nhìn con, và đến khi con nằm xuống cũng chẳng hề có bố bên cạnh… Đấy là sự thiệt thòi lớn nhất của con, cũng là điều khiến mình ân hận đến cả cuộc đời vì không thể cho con một gia đình hoàn chỉnh".
Đọc xong câu chuyện của người mẹ, nhiều người nghẹn ngào: "Thật sự là tột cùng của sự đau khổ, mong là cuộc sống sau này chị sẽ hạnh phúc, con chị ở nơi ấy sẽ hạnh phúc hơn", "Nghe sao đau lòng quá", "Sao những người khốn khổ lại không thể có cái kết đẹp cơ chứ. Thương chị thương con", "Eo ơi tâm hồn đã nhạy cảm thì chớ đọc cái bài này xong khóc như mưa"...
Cư dân mạng bình luận về câu chuyện.
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)