Cho đến giờ tôi cũng không hiểu tại sao tôi có thể sống với chồng tôi trong hơn 5 năm qua. Thực sự là tôi đã thực sự hết kiên nhẫn nhưng tôi đang phân vân có nên ly dị vì tính cách của anh ta hay không.
Hai vợ chồng tôi đều làm giáo viên, anh dạy cấp 3 còn tôi dạy cấp 2. Nói chung trong trường mọi người cũng tôn trọng bởi anh vui vẻ dễ gần, lại nhiệt tình nữa. Nhưng người ta nói: “có ở trong chăn mới biết chăn có rận”, chỉ mình tôi phải khổ sở với anh chồng của mình như thế nào chắc chẳng ai có thể hiểu được.
Nếu nói ở bên ngoài thì anh đúng là người xởi lởi, thậm chí còn có tiếng là ga lăng rộng rãi. Đồng nghiệp có cưới hỏi hay ốm đau anh sẵn sàng đi phong bì hàng triệu trong khi những người khác ở quê thì chỉ đi dăm trăm, thậm chí các phong trào của trường bao giờ anh cũng tiên phong đóng tiền trước tiên. Bạn bè đồng nghiệp ai cần vay tiền anh đều sẵn sàng dốc từng đồng trong túi, thậm chí còn đi vay hộ để giúp. Nói chung anh rất được ngưỡng mộ bởi tính phóng khoáng của mình, ai ai cũng bảo tôi tốt số có ông chồng vừa giỏi vừa thoáng.
Tôi nghe những lời khen ấy hằng ngày mà cảm thấy chua xót, nuốt nước mắt vào trong. Bởi ở nhà anh trở thành người khác hẳn. Tôi đi dạy về cuối tháng có bao nhiêu lương phải nộp hết cho anh, tôi chẳng bao giờ được cầm bất cứ đồng nào.
Tiền nong chi tiêu trong gia đình tôi phải xin anh hằng ngày, thậm chí trót mua sắm quá đà tôi phải giải trình với anh. Khổ nhất là có đám cưới tôi phải hỏi anh, bao giờ đưa tiền cũng kèm theo cái nhăn mặt, rằng cần gì phải đi đám cưới những người không liên quan, rồi thì tháng này chi tiêu bao nhiêu khoản… Đôi khi muốn sắm một món đồ mới tôi cũng ngại không dám xin, đồng nghiệp của tôi thì cứ chê tôi quê mùa có mấy bộ quần áo mặc đi mặc lại trong khi có ông chồng ga lăng đến thế… Nào có ai biết được hoàn cảnh của tôi ra sao.
Tôi đi dạy về cuối tháng có bao nhiêu lương phải nộp hết cho anh (ảnh minh họa)
Từ ngày lấy chồng, tôi hầu như cắt hoàn toàn liên lạc với những bạn bè cùng đại học vì ngại gặp họ. Bạn bè tôi thì quần áo xúng xính, tóc tai đổi mới liên tục còn tôi vẫn mấy bộ quần áo đi dạy hằng ngày, hơn nữa gặp nhau lại ăn uống tụ tập tốn kém mà chồng tôi thì không muốn vậy. Anh bảo bạn bè đồng nghiệp thì còn gặp nhau chứ bạn học đại học gặp nhau chả ích gì. Thậm chí cô bạn thân của tôi cưới ở tỉnh tôi hỏi tiền anh để lấy tiền mừng và tiền đi đường, anh gạt đi bảo: “thân là thân ngày xưa, giờ nó cưới ở xa rồi cũng mất hút, có mừng nó rồi cũng có gặp nhau đâu, bao giờ nó mới trả lại mình được, bảo nó là ốm rồi không đi nữa”. Tôi vô cùng xấu hổ với bạn tôi, tôi đành phải đi vay bạn bè rồi lén giấu chồng gửi mừng cưới bạn.
Mọi chuyện ngày càng trở nên tệ hại khi bố mẹ tôi ở quê ra chữa bệnh. Ông bà nằm viện nhưng khi ra viện bác sĩ bảo tuần sau lên khám, ông bà sức khỏe đều yếu nên không thể về quê rồi lên trong vòng mấy ngày. Tất nhiên ông bà đang ốm thì việc ăn uống sẽ tốn hơn bình thường, vậy là anh cứ mặt nặng mày nhẹ kêu là tốn kém rồi thì tháng này tiền điện tiền nước sẽ tăng hơn so với bình thường, rồi buổi tối anh đi ra đi vào kiểm tra xem ông bà có quên lại chưa tắt đèn hay quên không tắt bình nóng lạnh... Mặt anh cứ hằm hằm với tôi như tôi là tội phạm vậy.
Đến lúc đưa bố mẹ vào bệnh viện khám lại rồi đưa các cụ ra bến xe, tôi vay tạm được người bạn hơn trăm bạc đưa cho bố mẹ đi xe, nhìn xe chạy đi mà tôi chảy nước mắt nghĩ sao số mình lại khổ đến vậy, công ăn việc làm đàng hoàng mà sống như người phụ thuộc. Tôi có góp ý thì anh gạt phăng đi, anh bảo rằng anh cũng chẳng bia bọt cờ bạc gì, anh cũng chẳng có trai gái bên ngoài, nói chung anh là người đàn ông chuẩn mực rồi nên không có gì phải thay đổi.
Từ ngày lấy chồng, tôi hầu như cắt hoàn toàn liên lạc với những bạn
bè cùng đại học vì ngại gặp họ (ảnh minh họa)
Ngoài tính kẹt xỉ của chồng thì đúng là anh cũng là người đàn ông có trách nhiệm. Nhưng tôi đang tự hỏi rằng liệu có phải vì anh có trách nhiệm thật hay không hay vì anh tiếc tiền nên cũng chẳng dám uống bia bọt với bạn bè? Tôi có nên ly dị hay không?
Ánh Tuyết (Theo Giadinhvietnam.com)