Tôi đang viết những dòng này trong sự hoang mang và chới với tột độ. Có ai khổ như tôi bây giờ?
Một nách hai con với hai người chồng nhưng chẳng con nào của tôi có cha. Người bố của đứa con đầu giờ thì đã có gia đình mới, mấy năm rồi cháu chưa gặp cha, không có bất kỳ một sự giúp đỡ nào. Tôi đến với người chồng sau những tưởng gia đình người ta bề thế, tri thức mẹ con tôi côi cút sẽ được nương nhờ. Nhưng không, họ khinh miệt gia đình và hoàn cảnh của tôi. Ngoài mặt họ không nói gì nhưng đằng sau họ phản đối.
Anh vẫn quyết tâm đến với tôi, mãi anh mới nói chúng tôi không thể có đám cưới vì sự phản đối của gia đình. Tôi buồn nhưng nghĩ một cách đơn giản đầy cảm tính rằng: giờ họ phản đối nhưng sau có con họ không thể từ bỏ giọt máu gia đình họ được. Ai ngờ con tôi ra đời đến gần một năm cũng không đoái hoài gì.
Tôi thực sự vỡ mộng, không sao cắt nghĩa được sự phản ứng thái quá của gia đình anh. Đành rằng anh chưa có vợ lần nào nhưng cũng gần năm mươi tuổi rồi. Nếu theo các cụ ngày xưa thì đã lên lão, vậy mà anh cũng không có cái quyền tự quyết định cuộc đời mình hay sao?
Anh vẫn quyết tâm đến với tôi, mãi anh mới nói chúng tôi không thể có đám cưới vì sự phản đối
của gia đình (Ảnh minh họa)
Đành rằng tôi là gái qua một lần đò nhưng tôi kém anh đến hơn chục tuổi, tôi có công ăn việc làm, tôi cũng chẳng đui què mẻ sứt gì. Con tôi đến hơn tuổi cũng chưa hề được gặp họ hàng bên nội, chưa được cái thơm, cái nựng của bà nội.
Chúng tôi còn chưa đăng ký kết hôn đồng nghĩa với việc con tôi cũng chưa được làm khai sinh. Chồng tôi buồn lắm, anh bảo để từ từ, tình hình cải thiện rồi anh về nhà lấy hộ khẩu thì mới làm được khai sinh cho con. Tôi buồn lắm nhưng đành nén lại.
Rồi mẹ anh qua đời, chúng tôi được gọi về chịu tang. Tôi thầm nghĩ có lẽ qua sự kiện đau buồn này những người trong gia đình sẽ bỏ qua lỗi lầm cho nhau và nhìn nhận mẹ con tôi.
Ai ngờ, đời tôi đến bi đát thế này. Tôi muốn chết đi vì thấy có tội với con mà không thể chết được, không thể nào. Tôi nhìn các con mà rung mình kinh hãi. Tôi không sợ chết mà sợ rằng rủi tôi có làm sao thì các con tôi sẽ thế nào? Chắc địa phương sẽ phải kiến nghị gửi chúng vào một cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi nào đó thôi.
Chồng tôi đột ngột qua đời vì một cơn đau tim mà không kịp nói một lời với vợ con. Đám tang anh là một đám tang vô cùng đặc biệt. Gia đình nhà chồng tôi dành hết phần việc mà đáng ra là của tôi với vai trò người vợ. Họ xem mẹ con tôi như người xa lạ hoặc như một người khách đến chia buồn. Thỉnh thoảng người bác, tức chị chồng tôi thì ném cho tôi những tia nhìn tóe lửa.
Con tôi mới đáng thương nhất. Cháu chưa biết gì, đeo khăn tang cho cháu cháu còn giằng ra. Nếu ở những đám tang khác những đứa trẻ con của người chết mà bé như vậy hẳn phải là trung tâm của sự chú ý và chăm sóc. Nhưng không, con tôi chỉ có mình tôi bế, tôi chăm. Họ hàng bên nội không ai nhìn ngó gì đến cháu. Tâm hồn và thể xác tôi đã chết theo chồng tôi từ ngày đưa tang anh.
Sau ngày chồng chết, đời tôi chưa hết bất hạnh. Đã gần một tuần trôi qua kể từ sau sự việc em chồng tới thăm, nhưng giờ tôi vẫn bị nhức đầu. Tôi tin chắc mình đã bị đánh thuốc mê. Em chồng tôi đột ngột đến chơi sau nửa năm chồng tôi mất.
Cháu lớn nhà tôi đi học, chỉ có cháu bé và tôi ở nhà. Tôi biết em chồng chẳng ưa gì tôi nhưng nghĩ dù gì cũng là máu mủ chắc nghĩ đến cháu nên cô ấy qua thăm và tôi tiếp đãi lịch sự. Đang nói chuyện với cô ấy thì hình như tôi cảm nhận lờ mờ là cô ấy rút trong túi sách ra vội vung cái khăn vào mặt tôi, rồi tôi không biết gì nữa.
Mãi khi tôi nghe tiếng khóc của con thì tỉnh dậy, đầu tôi đau như búa bổ chẳng nhớ ra chuyện gì. Mãi rồi định tâm lại tôi nhớ đến cuộc viếng thăm của em chồng, tôi nghi nghi. Đến tối, tôi sực nhớ ra và hoảng hồn kiểm tra tủ thì phát hiện ra giấy tờ nhà đất đứng tên một mình chồng tôi đã mất.
Hóa ra đó là mục đích chuyến viếng thăm của cô ta. Tôi đã có đến gặp chị em chồng và các bạn có tưởng tưởng ra những gì họ nói không? Họ bảo họ không biết tôi là ai cả và họ không có gì để nói với tôi hết. Họ không có đứa cháu nào cả, họ chỉ biết rằng em trai họ đã chết.
Tôi không thể đòi hỏi gì vì tôi không phải là vợ hợp pháp của chồng tôi. Con tôi cũng không thể có quyền thừa kế vì cháu không có giấy khai sinh. Và tôi giờ cũng không thể khai sinh cho cháu theo họ của bố cháu vì anh đã mất không thể đứng ra nhận con. Tôi đã làm đơn và có rất nhiều xác nhận của những người hàng xóm, tổ dân phố địa phương, ảnh của con tôi chụp với bố cháu nhưng tất cả đều vô nghĩa trước sự lạnh lùng của cán bộ tư pháp. Họ kiên quyết đòi tôi phải trình kết quả thử AND.
Một nách hai con với hai người chồng nhưng chẳng con nào của tôi có cha. Tôi muốn chết
vì sự ngu muội của tôi khi không lường trước được mọi việc (Ảnh minh họa)
Tôi đến tòa để hỏi thì đối mặt phải cái nhìn hằn học và sự trả lời lạnh lùng băng giá của cán bộ có trọng trách tư vấn như thể tôi vừa gây ra một vụ đâm chém mà nạn nhân là anh ta vậy. Anh ta nói tòa không có trọng trách để chứng minh hộ tôi bố cháu là ai. Tôi không thể kiện ai vì không có ai để kiện.
Tôi bảo muốn tòa áp dụng điều luật nào đó để buộc chị chồng hoặc em chồng phải cùng thử AND để xác định huyết thống vì chồng tôi đã được hỏa táng. Cán bộ tòa nói, tòa không có trách nhiệm làm việc đó. Muốn xác nhận con thì mang kết quả giám định đến đây. Tôi nghe như muốn xỉu tại chỗ vậy.
Tôi làm sao lôi cổ được những người có gan đến tận nhà tôi đánh thuốc mê rồi cướp giấy tờ nhà đất của chồng tôi đi thử AND. Tôi muốn chết vì sự ngu muội của tôi khi không lường trước được mọi việc. Giờ tôi phải làm sao? Có ai đó giúp được tôi không?
Theo Trí Thức Trẻ