Mẹ chồng tôi là giáo viên nên việc gì cũng rất nhẹ nhàng và dí dỏm. Khi nghe con dâu trút bầu tâm sự xong bà mới bắt đầu nói. Bà đưa cho tôi miếng táo rồi bảo: “Này ăn đi con, cho hạ hỏa (cười). Lấy phải con trai mẹ là số con cũng đen đủi rồi. Nhưng mà đàn ông chẳng có mấy ai hoàn hảo đâu con ạ. Cơ bản nhất là muốn gia đình yên ấm thì mình phải nhịn. Không nhịn là tan hoang hết”.
Tôi nghĩ thầm “nhịn để chồng lấn tới thì còn khổ hơn”. Nhưng sau khi nghe mẹ nói tôi mới biết rằng đó là kinh nghiệm giữ gìn hạnh phúc mà mẹ đã dành cả cuộc đời để đúc kết.
Mẹ kể cuộc đời của mẹ, với bao vất vả cay đắng nhưng vẫn luôn giữ được gia đình hạnh phúc dù bố chồng tôi không phải một người đàn ông hoàn hảo. Ông nghỉ hưu sớm lúc mới ngoài 30 tuổi, sau đó quanh quẩn ở nhà đi chơi hết chỗ này chỗ khác. Có thời gian mình mẹ gánh gồng cả gia đình trên vai, từ việc nhỏ như khâu cái áo đến kiếm tiền lo kinh tế gia đình mẹ đều đảm nhiệm.
Mỗi ngày đi dạy học về, mẹ lại một mình bắt xe về Hà Nội lấy hàng giao cho các quầy để kiếm đồng lãi. Mỗi buổi lên lớp lại tranh thủ giờ ra chơi để đan thuê cái áo len. Tối về soạn bài xong thì lại ngồi đan cót… Cứ như thế, mình mẹ xoay vần với đống công việc bộn bề và nuôi chồng, hai con hết năm này đến năm khác.
Mẹ giữ được gia đình của mình toàn vẹn đến bây giờ là bởi bà rất biết nhịn. Bạn bè, anh chị em của bà có nhiều người đang sống trong cảnh ly hôn dù vợ chồng đều giỏi giang và kinh tế hơn hẳn nhà tôi. Nhưng họ lại không biết nhịn nhau mà sống, ai cũng coi bản thân mình là quan trọng nhất nên cha mẹ, con cái mỗi người một nơi.
Tôi nghĩ thầm “nhịn để chồng lấn tới thì còn khổ hơn”. Nhưng sau khi
nghe mẹ nói tôi mới biết rằng đó là kinh nghiệm giữ gìn hạnh phúc
mà mẹ đã dành cả cuộc đời để đúc kết. (ảnh minh họa)
Tôi đã được chứng kiến mỗi lần bố quyết định việc gì, dù không hài lòng nhưng mẹ vẫn cố gắng im lặng rồi sau đó mới đưa ra ý kiến. Có những lần bố tôi say rượu, chửi bới ầm nhà thì mẹ tôi vẫn chọn cách “coi như mình không nghe thấy gì”. Có lần bố mẹ cãi nhau, thay vì cố gào thét tranh cãi đến cùng thì mẹ lại không nói gì và bỏ đi. Vậy là mình bố tôi cũng chẳng còn ai để nói nên cũng dừng. Một lúc sau hạ hỏa, không thấy mẹ về là bố lại cuống lên đi tìm. Cứ như thế, mẹ tôi chọn cách nhịn mỗi khi có thể để gia đình được yên ấm.
Dần dần, mẹ đã rèn được bố chồng tôi biết làm mọi việc nhà từ cơm nước giặt giũ đến trông cháu. Vì mẹ là người phụ nữ đảm đang lại biết nhịn chồng nên bố ngày càng tôn trọng và cũng học được cách bớt nóng giận với vợ. Ông cũng biết thương vợ hơn nên đã đầu tư làm trang trại và chăm chỉ làm ăn. Nhờ đó kinh tế gia đình cũng bớt khó khăn dần và ngày càng khá giả. Mẹ chồng tôi đã giữ và xây dựng được một gia đình hạnh phúc mà ai nhìn vào cũng phải ngưỡng mộ.
Từ chữ nhịn của mẹ, tôi nghĩ đến mình. Thực lòng vì cưới nhau chưa được bao lâu nên mọi chuyện cãi vã giữa hai vợ chồng đều một phần do tôi quá nóng nảy. Thay vì gọi chồng mỗi khi anh về muộn tôi lại “ra lệnh” cho anh phải về đúng thời gian. Và lần nào anh về tới nhà tôi cũng phải ca cho một bài rất dài hòng cho anh “nhớ đời”, nhưng có vẻ nó không hiệu quả.
Tôi còn có một tính đấy là rất hiếu thắng. Nếu chồng làm gì nói không được là tôi cũng phải làm lại cho anh biết cảm giác của vợ. Một hai lần đầu anh cũng sợ nhưng rồi thì mặc kệ. Theo như lời mẹ chồng tôi thì đó là “cách điều trị không hợp lý và chồng con đã nhờn thuốc rồi”.
Nghĩ đi nghĩ lại, những lúc như thế, nếu tôi chọn cách bình tĩnh và cố nhường nhịn chồng rồi tìm cách giải quyết, biết đâu vợ chồng đã không cãi nhau. Hi vọng, tôi sẽ áp dụng được "chiêu thức" của mẹ chồng và sử dụng có hiệu quả.
Theo Khampha.vn