Từ xưa đến nay, chuyện mẹ chồng con dâu luôn là đề tài nhận được sự quan tâm của dư luận. Mới đây, một người phụ nữ lên mạng hỏi về việc mẹ chồng đòi 5 triệu đồng mỗi tháng mới chịu chăm cháu có hợp lý hay không?
Người này viết: "Vợ chồng mình làm công nhân ở khu công nghiệp, lương cả hai được 16 triệu/tháng, chịu khó tăng ca thì được thêm vài triệu.
Bọn mình ở chung với bố mẹ chồng. Mẹ chồng bán rau ngoài chợ, bố chồng có lương hưu. Ông bà tiết kiệm xây được căn nhà 2 tầng khang trang. So với hàng xóm xung quanh, gia đình có thu nhập ổn định, chi tiêu không phải quá căn ke.
Từ ngày về làm dâu, mẹ chồng khoán trắng cho mình việc chi tiêu trong nhà. Bà nói thẳng, tiền chạy chợ hàng ngày chẳng đáng là bao, bà để làm sổ tiết kiệm dưỡng già, phòng khi đau ốm không phải phiền các con.
Bố chồng đưa mình mỗi tháng 1 triệu để đỡ tiền điện, nước. Tháng hè không đợi mình kêu ca, ông đưa thêm 500 nghìn nhưng mình khéo từ chối để ông không phải nghĩ ngợi.
Một người phụ nữ tiết lộ lương cả hai vợ chồng 16 triệu, tuy nhiên tính chi phí mỗi tháng hết 15,7 triệu đồng.
Mình sinh con trai đầu lòng, ông bà nội rất vui mừng có cháu đích tôn. Mình phải đi làm nên nhờ ông bà nội trông cháu. Chúng mình mong bà nghỉ bán rau ngoài chợ khoảng 1 năm. Như thế, vợ chồng mình sẽ đảm nhiệm hết việc chi tiêu ăn uống của cả nhà, mỗi tháng biếu ông bà 3 triệu, coi như bà vẫn có khoản tiết kiệm như lúc đi chợ. Vậy mà bà nội bảo, đưa 3 triệu là quá bèo bọt, không ghi nhận công sức của ông bà.
Bà nội nói, ở nhà trông cháu rất mệt mỏi và bí bách, bà muốn mỗi tháng đưa 5 triệu. Bà kể chuyện bà An lên thành phố trông trẻ thuê, được bao ăn uống đầy đủ, lương tháng 6 triệu mà chủ nhà còn biếu xén đủ thứ để lấy lòng. Nghe vậy mình chạnh lòng...
Bà nội còn kể lể chuyện ngày xưa con 4 tháng đã đi gửi trẻ vậy mà các con đều lớn khôn hết. Bà chán cái cảnh 'trẻ trông con, già trông cháu' và chỉ thích đi chợ kiếm đồng ra đồng vào, gặp gỡ bạn chợ mỗi ngày.
Mình đành phải nhờ vả bà ngoại trông cháu. Mẹ mình đồng ý ngay mà không đòi hỏi bất cứ đồng tiền nào. Mẹ bảo, vợ chồng còn vất vả, mẹ sẽ nghỉ làm một năm để hỗ trợ trông nom cháu.
Khi sắp đặt chuyện trông con êm xuôi, mình vô tình nghe được bà nội cu Tôm trò chuyện với bà hàng xóm bên cạnh. Bà nói chẳng việc gì phải ôm cháu 1 năm, suốt ngày bỉm sữa, giường chiếu bẩn thỉu, cháo lão đi dong khắp làng. Bà phải nói vống lên, lấy công 5 triệu để con dâu mang cháu về bên ngoại. Từ xưa đến nay, 'cháu bà nội, tội bà ngoại', cứ thế mà làm. Bà ngoại thằng Tôm cũng gần đây, tội gì không tận dụng.
Mình nghe chuyện mà thấy vô cùng bức xúc. Bà tính toán chi li không muốn đỡ đần con cái lúc này thì sau bà ốm đau, mình cũng mặc kệ. Ngay tháng sau, mình sẽ nói ông bà đóng góp tiền ăn 2 triệu vì thực phẩm tăng giá. Mọi người thấy mình cư xử vậy, bảo bố mẹ chồng đóng tiền ăn có đúng không?".
Ngay lập tức, nhiều cư dân mạng trách con dâu không khéo khi cho rằng sau này mẹ chồng ốm đau sẽ mặc kệ. Bởi việc chăm cháu không phải là trách nhiệm của ông bà.
"Mẹ chồng tính toán thì con dâu cũng ghê gớm chả vừa. Cảm thấy không ở được thì ra ở riêng. Thuê đâu trông được con thì thuê. Nghe giọng điệu thì cũng không mê được cô con dâu", "Nuôi con rồi còn bắt trông cháu. Vô lý", "Nếu trong trường hợp này tốt nhất bạn cứ bình thường đi vì ông bà không phải có trách nhiệm với con của bạn, được ông bà hỗ trợ thì tốt còn không thì thôi", "Con đẻ ra cứ bắt ông bà nhiệm vụ phải trông cháu. Ông bà thích thì trông chứ tự đẻ tự chịu trách nhiệm", "Con mình đẻ ra mình phải tự nuôi. Bà trông cho thì tốt không trông cho thì cũng chẳng có quyền gì để trách móc", "Không chấp nhận được thì thuê ngoài cho rẻ. Ông bà già rồi phải cho nghỉ ngơi chứ đi trông cháu tù túng đúng rồi còn gì"... nhiều dân mạng bình luận.
Cư dân mạng cho rằng chăm cháu không phải trách nhiệm của ông bà. Và việc con dâu tuyên bố sau này ốm đau mặc kệ mẹ chồng là không tốt.
Thu Trang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)