Bỏ vợ, lấy chị dâu
Anh tên P.V.T (SN 1974, ở Q.12, TP. HCM) là nguyên đơn. Còn chị N.T.L (SN 1976, vợ anh) là bị đơn. Hai anh chị kết hôn từ năm 1997 và có một con chung. Xử lần thứ nhất, tòa chấp nhận cho anh được ly hôn vợ. Chị kháng cáo, mong tòa phúc thẩm xét xử lại.
Trong đơn anh trình bay, sau khi kết hôn được 3 năm thì hai vợ chồng thường xảy ra mâu thuẫn nên sống ly thân từ hơn 10 năm nay. Chuyện mâu thuẫn của vợ chồng anh nhiều lần hai bên gia đình đứng ra hòa giải nhưng chẳng thể cứu vãn. Bởi, chị L. lúc nào cũng hăm dọa và đòi giết cả nhà anh, đối với chồng thì luôn lớn tiếng, dùng những lời lẽ thiếu văn hóa để nhục mạ.
Đã nhiều lần anh muốn ly hôn để giải thoát cho cả hai mà không được. Vì mỗi lần đoán được ý định của chồng, chị lại lấy hết giấy tờ cất đi, nói: “Nếu anh dám ly hôn thì biết tay tôi”. Buồn bực, anh bỏ nhà đi biệt. Anh đã âm thầm làm đơn để giải thoát cho mình.
Nhưng theo chị, những gì anh trình bày trong đơn là không đúng sự thật. Anh đưa ra để lấy cơ mà ly hôn. 17 năm qua lúc nào chị cũng chỉ biết chăm sóc chồng con, lo làm ăn. Đối với gia đình chồng, chị phải luôn nhẫn nhịn bởi chị biết mẹ chồng và các anh chị không ai ưa mình. Còn anh suốt ngày chỉ biết lo ăn chơi, nhậu nhẹt cùng bạn bè và không chịu làm ăn. Anh còn nợ đá banh, nợ tiền người ta nên chị phải nai lưng trả.
Tòa hỏi: “Nếu chồng như thế, sao không đồng ý ly hôn níu kéo làm gì?”. Chị vừa khóc vừa trả lời: “Tại tôi vẫn còn yêu chồng. Không muốn hạnh phúc gia đình ảnh hưởng đến con”. Tòa giải thích: “Con của anh chị sinh năm 1999 thì ít nhiều cũng hiểu được những gì xảy ra trong gia đình. Thà để cháu sống chung với bố hoặc mẹ mà được yên bình còn hơn để cháu sống chung với bố mẹ mà suốt ngày thấy cảnh bố mẹ mâu thuẫn. Hiện cháu đang tuổi phát triển về tâm sinh lý, nếu tình trạng hôn nhân của anh chị kéo dài sẽ ảnh hưởng đến cháu rất nhiều”.
Rồi tòa quay sang hỏi anh: “Anh có thể vì con mà nghĩ lại”. Không một chút suy nghĩ, anh nói: “Không. Tôi vẫn có thể chăm sóc cháu và không để mất đi tình cảm cha con khi ly hôn”.
Tòa hỏi tiếp: “Nếu chị ấy hứa sẽ thay đổi, anh có rút đơn không?”. “Cha mẹ sinh người, trời sinh tính. Mười mấy năm qua tôi đã cho cô ấy rất nhiều cơ hội để sửa lỗi. Nhưng cô ấy hứa rồi chỉ dăm bữa nửa tháng lại chứng nào tật ấy. Là đàn ông, tôi còn có sĩ diện của mình nữa”...
Chia tay chồng nhưng phải sống chung một nhà, hàng ngày nhìn người ta
vui vẻ với nhau, sao chị chịu được (Ảnh minh họa)
“Nếu anh ly hôn vì những lý do trong đơn anh đưa ra thì tôi sẽ chấp nhận, không bao giờ níu kéo. Đằng này anh ly hôn vợ để lấy chị dâu thì không được”, chị cắt ngang lời chồng. Cả phòng xử ồ lên ngạc nhiên. Giọng chị ngắt quãng vì những tiếng nấc: “Anh chồng tôi chết đã mấy năm nay. Một mình chị dâu nuôi hai con nhỏ. Nhưng được cái chị đẹp, gia đình lại khá giả và có rất nhiều xưởng may nên mẹ chồng tôi cưng chiều, không muốn chị đi bước nữa”.
Thời gian này anh chơi cá độ đá banh, nợ gần 2 tỷ đồng mà không thể trả được. Chị, dù cố gắng rất nhiều cũng không thể giúp gì cho chồng. Bán nhà, mẹ chồng lại không cho. Thấy anh quay cuồng với món nợ, mẹ anh đã nhờ đến chị dâu trả thay với điều kiện anh bỏ vợ cưới chị dâu...
Vẫn sống chung một nhà
“Mẹ anh ấy gặp tôi, nói: Một phải thay chồng trả nợ, hai phải bỏ chồng. Chọn đường nào đây, bỏ chồng cũng không được, trả nợ thì tiền đâu. Tôi kêu bán nhà đi ở thuê thì bà không cho, bắt tôi phải bỏ chồng. Tôi không chịu thì bà kiếm chuyện đuổi tôi ra khỏi nhà. Không những thế, bà kêu anh ấy xé giấy đăng ký kết hôn, bắt đến nhà chị dâu tôi ở...” chị vừa khóc vừa kể.
Tòa hỏi: “Chị có chứng cứ về những gì mình đưa ra không?”, chị lắc đầu.
Anh nói: “Tất cả là do cô ấy bịa đặt. Tôi ra đi sẽ vẫn để cô ấy ở chung nhà và sẽ cấp dưỡng nuôi con một tháng 5 triệu đồng như đã thoả thuận”.
“Anh nói chị ấy dọa giết gia đình anh và luôn sỉ vả chồng vì ghen. Vậy anh có biết vì sao vợ mình ghen không?”. Anh im lặng, không trả lời.
Sau cùng, tòa tuyên bác kháng cáo của chị, chấp nhận đơn ly hôn của anh. Chị sẽ được quyền nuôi con, còn anh phải cấp dưỡng mỗi tháng 5 triệu nuôi con. Chị khóc nấc lên. Còn anh nhìn vợ và nói: “Anh sẽ quay lại sống với mẹ con em như xưa thôi”, rồi lẳng lặng bước đi.
Một thẩm phán bước xuống khuyên chị: “Đừng níu kéo nữa. Chúng tôi cũng chỉ muốn tốt cho chị. Một người chồng như thế sẽ không mang lại hạnh phúc cho vợ con. Chị hãy vì con mà sống vui vẻ”. Chị nói: “Chia tay chồng nhưng phải sống chung một nhà, hàng ngày nhìn người ta vui vẻ với nhau, sao tôi chịu được. Nếu anh ấy bạc bẽo với vợ con hay ly hôn để lấy người khác, tôi sẽ rút lui. Đằng này...”.
Theo Nguoiduatin.vn