Chị và em gái anh thuộc “thế hệ cơm hộp” nên… không cần biết nấu ăn, thậm chí rất ngán phải vào bếp. Mẹ anh thông cảm nên mỗi dịp tết nhất, lễ lạt gia đình sum họp, mẹ luôn là người đi chợ và là đầu bếp chính, con gái và con dâu quanh quẩn lặt rau, lột hành cũng đủ vui rồi. Chỉ buồn là em gái anh chỉ giống chị dâu ở khoản không thích bếp núc, còn việc học hành thì dở dang.
Vợ anh trở thành niềm tự hào của mẹ, và dĩ nhiên cũng là niềm tự hào vô bờ bến của anh. Mỗi khi trò chuyện với ai, mẹ làm như tình cờ kể về con dâu “làm việc ở công ty nước ngoài nói tiếng Tây như gió”.
Tai nạn bất ngờ mang mẹ đi xa, cha đau đớn, đột quỵ rồi nằm liệt luôn từ đó. Mọi chuyện rối tung. Thường ngày, vợ chồng anh và vợ chồng em gái đều gửi con cho cha mẹ, đưa đón lúc nào cũng được, khi đón con về thì con đã được ăn no và tắm rửa sạch sẽ. Buổi tối, vợ chồng nghe con bi bô câu chuyện cổ tích được ông bà kể mà mát cả lòng. Giờ thì phải đưa đón đúng giờ và mong muốn con được chăm sóc chu đáo khiến anh chị nhiều lần cãi nhau, điều trước đây chưa hề xảy ra. Có thể nói, mất đi chỗ dựa là mẹ, vợ chồng anh mới thật sự “ra riêng”. Trước kia, ra riêng chỉ là chị không phải làm dâu mà thôi.
Không đành để cha sống một mình với người giúp việc, anh bàn dọn về ở cùng cha nhưng chị không đồng ý, viện lý do trước kia anh đã hứa không để chị phải làm dâu. Anh ngậm ngùi nhận ra vợ sợ phải làm công việc nội trợ, phải cáng đáng chuyện chăm sóc bệnh nhân là cha chồng nên buộc chặt lời hứa của anh một cách vô trách nhiệm. Làm vợ, làm mẹ rồi mà chị vẫn không muốn làm dâu, bất kể hoàn cảnh thế nào.
Thuyết phục vợ chồng em gái về ở với cha, anh giấu kín nỗi hổ thẹn vì thấy mình không xứng làm anh. Sợ cha buồn, anh thường viện đủ lý do trên trời dưới đất, em gái vô tư gật đầu: “Em biết mà, đàn bà giỏi như chị thì bận ghê lắm”. Rồi em gái hạ giọng: “Chồng em không nề hà đâu, nhưng cha ngại, chiều chiều anh ghé lo việc tắm rửa cho cha nghe”.
Những buổi chiều đó thường kéo dài đến tối. Anh thích cùng em gái và em rể lăng xăng xoa bóp và chuyện trò đủ thứ cho ba bớt buồn. Em rể làm thợ hồ, đôi bàn tay đầy vết chai, vừa xoa bóp vừa nói tiếu lâm: “Tay này nhiều cục chai, nên coi như hai trong một, vừa xoa vừa châm cứu luôn”. Cả nhà phì cười. Anh nhìn thấy một kiểu hạnh phúc khác với anh thường hình dung. Nhớ khi em gái lấy chồng, mẹ thở dài lo người lao động chân tay thường cộc cằn, rồi than thở cũng tại em gái không chịu học hành để lấy được người trí thức cho đời nhẹ nhàng.
Mỗi ngày qua đi, anh lại mong manh hy vọng vợ đổi ý để cha được vui. Chị trả lời bằng cách bày ra bàn học của đứa con đầy những sách vở để anh hiểu là những khi anh đến với cha thì chị cũng bận chăm sóc, kèm cặp con học hành. Phải chu đáo ngay từ lớp 1! Anh có muốn con mình lớn lên học hành dở dang như em gái không? Thế là anh thôi không nói nữa, cũng là không muốn con của mình bị đưa ra làm lý do cho sự vô cảm.
Cái gì rồi cũng phải thích nghi. Mười năm trôi qua, anh quen với việc giấu vợ đưa tiền cho em gái phụ chăm sóc cha, cái việc mà khi thực hiện lần đầu tiên, anh xấu hổ kinh khủng, thấy mình chẳng đáng mặt đàn ông chút nào.
Ngày cha mất, chị khóc nức nở trong đám tang. Anh muốn tin nước mắt của chị là thật, tin là chị khóc nếu không phải vì thương quý cha chồng thì cũng là vì mất mát quá lớn của anh. Nhưng dù nghĩ vậy, cũng không khiến anh làm cái điều mà trước đây anh vẫn thường làm: mỗi khi chị khóc anh là người lau nước mắt. Bây giờ, anh quay mặt đi.
Đôi khi ý nghĩ ly hôn xuất hiện trong tâm trí, anh lại xua đuổi nó bằng cách uống rượu. Chị cằn nhằn “Anh thay đổi quá đó”. Dù không say, anh cũng lấy giọng lè nhè: “Ừ, còn em thì mãi chẳng thay đổi gì cả”.
Theo PNO/Depplus.vn