Tôi là một người phụ nữ bất hạnh, theo mọi lẽ của từ này. Tôi đang giam cầm mình trong cuộc sống tù ngục ngót 4 năm với một người chồng mình không hề yêu. Tệ hơn anh ta không bao giờ có ý định li dị tôi. Thương thay, tôi và anh ta lại có một đứa con trai 2 tuổi. Và vì tất cả những lẽ đó, tôi đang vùng vẫy thoát khỏi cuộc hôn nhân tồi tệ này, trong vô vọng.
Bốn năm rưỡi trước, tôi là cô sinh viên vừa tốt nghiệp. Bố mẹ li dị khi tôi mới 8 tuổi, tuổi thơ thiếu thốn tình cảm gia đình nên ngay khi ra trường, xin được việc làm ổn định tại một cơ quan nhà nước, tôi lên kế hoạch lấy chồng. Người chồng trong mơ ước của tôi không cần giỏi, đẹp trai, mà chỉ cần là một người yêu thương tôi thật lòng. Thậm chí yêu tôi hơn tôi yêu anh ấy cũng được. Tôi sợ cảm giác người đàn ông mình yêu thương bỏ mình ra đi, như mẹ tôi thường nói về bố trong uất ức đắng cay. Vì thế trong vô vàn những vệ tinh vây quanh mình khi ấy, tôi đã gật đầu làm vợ anh N.
Anh không đẹp trai bằng những vệ tinh kia, cũng không khéo ăn nói, thậm chí hơi khù khờ nhưng anh yêu tôi say đắm. Anh sẵn sàng lao đi trong cơn mưa để mua cho tôi bó hoa và đứng dưới hiên nhà đợi tôi ra mở cửa, dù lúc đó tôi đang vô tư say ngủ. Anh là người đàn ông đứng đợi tôi lâu nhất khi tôi làm về muộn, trên tay là chiếc bánh, gói kẹo. Anh bảo: "Em ăn tạm cho đỡ bị hạ đường huyết, rồi chúng mình cùng đi ăn một bữa ngon lành, rồi anh sẽ chở em về nghỉ ngơi cho sớm. Chứ em tự về nhà thì thể nào cũng úp mì gói ăn cho xong bữa. Anh xót lắm". Những điều nhỏ bé anh làm để gây ấn tượng với tôi đã khiến trái tim tôi cảm động. Mẫu đàn ông nửa lãng mạn, nửa thực tế đó cho tôi cảm giác yên tâm về một người chồng người cha tốt khi xây dựng cuộc sống hôn nhân với anh.
Nhưng ngay tuần đầu tiên lấy anh, tôi ngỡ ngàng nhận ra mặt trái trong con người anh mà những phù hoa lãng mạn bồng bềnh khi yêu đã che lấp đi. Anh vẫn ân cần âu yếm vợ mỗi khi tỉnh táo. Nhưng tối đến, trở về nhà, anh lại say khướt mềm rũ dặt dẹo như một kẻ nghiện. Tôi đã nhiều lần khuyên nhủ, nhẹ nhàng có, to tiếng có, anh đã chân thành xin lỗi và hứa tu tỉnh nhưng cứ hễ nhận được cuộc gọi của bạn bè thì dù tôi đã cơm nước sẵn sàng đợi anh chung bữa, anh lại xách xe ra cửa: Đừng đợi cơm anh, lát anh về. Một chốc lát của anh có thể biến thành 2 3 giờ sáng.
Mỗi một lần anh ta nói là một cú đấm, đá giáng thẳng xuống người phụ nữ
yếu đuối mà anh ta gọi là vợ. (ảnh minh họa)
Tôi chịu trận trước những cơn say mèm, nôn ọe ghê tởm của anh đến không còn cảm xúc để khóc lóc vật vã nài xin anh từ bỏ nữa. Tôi chỉ còn biết chịu đựng và chịu đựng. Khi bắt đầu mang thai, cứ mỗi lẫn anh say xỉn tôi lại lấy dao cứa lên cửa tủ một vết cắt. Cho đến khi sinh con ra, tôi không thể nào đếm nổi đã bao nhiêu vết cắt đau đớn mà anh đã đâm vào tim mẹ con tôi. Có con anh cũng chẳng từ bỏ thói nghiện rượu của mình. Phó mặc hai mẹ con tôi cho ô sin. Tôi bị trầm cảm sau sinh như một lẽ tất yếu sau tất cả căng thẳng trong cuộc sống vợ chồng.
Ác nỗi, mỗi khi say, anh trở về lại như một con thú hoang, anh lao vào tôi ngấu nghiến, muốn ân ái với tôi. Nếu như trước đây tôi sẵn lòng chiều theo men tình của anh. Đến nỗi đứa con của chúng tôi cũng được hoài thai trong một cơn say của anh. Tôi nói nửa đùa nửa thật bảo anh nhớ xem tối hôm đó uống rượu gì để sau này đặt tên cúng cơm ở nhà cho con. Nhưng giờ, tôi đã làm mẹ, gánh nặng chăm con, hồi phục sức khỏe sinh lỹ lẫn tinh thần sau sinh quá lớn. Tôi không thể lại làm cỗ máy tình dục trơ lỳ cảm xúc để anh thỏa thuê trong cơn say nữa. Tôi vùng vậy, lấy hết bản năng tự vệ đạp mạnh anh ta ra. Trái ý, hắn ta cho tôi một cái bạt tai phũ phàng khiến tôi ứa máu.
- Anh đánh tôi, anh muốn giết tôi sao? Anh giết tôi thì ai chăm con để anh đi uống rượu?
Tôi hét lên đau đớn.
Con trai đang say ngủ nghe chúng tôi lớn tiếng bật khóc ngằn ngặt.
Tôi vội chạy ra giường ôm nựng con thì bị hắn ngăn lại.
- Mày dám chống lại tao à. Tao cho mày chết, tao cho mày chết!
Mỗi một lần anh ta nói là một cú đấm, đá giáng thẳng xuống người phụ nữ yếu đuối mà anh ta gọi là vợ. Tôi không có khả năng chống cự. Ô sin, mẹ chồng nghe động chạy sang nhưng không ai dám chạy vào ngăn cản cơn cuồng bạo của kẻ đang say. Từ giây phút ấy, tôi hiểu tất cả đã chấm dứt, tình yêu, tình thương, tình nghĩa vợ chồng. Tôi chỉ là một cái bóng yếu đuối trong ngôi nhà ấy. Không ai xót thương cho tôi, không ai bênh vực cho tôi hết. Tình cảm gia đình mà tôi khát khao từ khi là một cô bé sẽ chỉ mãi là những ảo ảnh xa vời. Nằm trơ ra không đủ sức chống đỡ trận đòn tàn khốc của chồng, trước mắt tôi nhớ lại cái hình ảnh cô bé 8 tuổi theo mẹ đến nhà người tình của bố đánh ghen. Có lẽ cuộc đời đã dành cho tôi cay đắng và chỉ toàn cay đắng từ giây phút ấy. Khung cảnh trước tôi nhòa đi, nước mắt xen lẫn máu. Tôi ngất lịm đi trong tủi nhục. Lần đầu tiên, tôi thấy mình đã sai lầm, khi bắt đầu một cuộc hôn nhân không phải bởi tình yêu.
Tất cả những gì diễn ra sau đó giống như tôi trong cơn mê sảng. Từ sau trận bạo hành của chồng, tôi đã không còn sống đúng nghĩa một con người. Tôi nhớ mình đã viết đơn li dị, thế rồi anh ta đã xé tan nó, quỳ xuống xin tôi tha tội, ăn năn day dứt, như mọi lần. Mẹ đẻ, mẹ chồng khuyên giải tôi hãy bao dung, nhẫn nhịn, vì tôi là đàn bà, tôi phải sống vì con, nó quá bé để chịu cảnh chia lìa giống tôi ngày trước... Chồng tôi, sau lần bạo hành, chừng như sợ tôi tố cáo, cũng đã giảm những lần uống rượu thùng bất chi thình. Anh ta đã chịu khó ở nhà chơi với con. Nhưng anh ta càng tỏ ra chiều chuộng tôi bao nhiêu tôi càng thấy ghê sợ bấy nhiêu. 6 tháng li thân, tôi quyết định cho anh ta một cơ hội và cũng thử cảm xúc của chính mình. Nhưng ngay khi anh ta chạm đến người, hôn tôi tôi đã co rúm lại như một con tôm và khóc. Mặc cho bao dỗ dành, mặc cho anh ta làm đủ trò kích thích tôi chỉ cảm thấy đau đớn, một nỗi đau đớn không bao giờ nguôi ngoai.
Cứ thế, tôi trơ lì mọi cảm xúc, bước tiếp trong cuộc hôn nhân cạn tình yêu. Mỗi lần gần gũi với chồng tôi cứ nhìn trừng trừng lên trần nhà và đếm, cho tới khi nào anh ta thỏa mãn và rời khỏi tôi, ngủ một giấc say sưa. Con trai tôi sắp bước sang tuổi thứ 3. Khi nó lớn, tôi biết dạy con điều gì khi mẹ nó đã đánh mất bản thân mình, sống như một bóng ma để giữ cho nó một mái ấm đủ cha và mẹ. Tôi có nên viết tiếp một lá đơn li dị thứ hai? Sức mạnh nào giúp người phụ nữ nhu nhược như tôi có đủ can đảm dứt bỏ khỏi người đàn ông ấy?
Theo Khampha.vn