Thế nào là lệ thuộc?
Từ lâu nhà thơ Byron đã nhận thấy: Đối với đàn ông tình yêu chỉ là một sự kiện tách biệt, còn đối với đàn bà tình yêu là tất cả cuộc sống. Thật không may là điều đó cho đến nay vẫn đúng. Có những phụ nữ coi tình yêu là cứu cánh của cuộc đời. Với họ, hình như chỉ cần có tình yêu là đủ.
Tờ mờ sáng, có cô đã nhắc điện thoại gọi người yêu dậy tập thể dục, nhắc anh ta hôm nay nóng nực lắm đấy, nhớ uống nước mát vào. Chốc chốc lại hỏi anh làm gì đấy, có nhớ em không? Cô sẵn sàng loại bỏ mọi kế hoạch của riêng mình nếu anh ta hẹn gặp ở đâu đó. Thật khó tin ở thời đại chúng ta lại có những cô gái không biết làm gì ngoài việc ngồi bên máy điện thoại với câu nói cửa miệng: Thiếu anh em làm sao sống nổi.
Chỉ có những người dại dột mới ném toàn bộ cuộc đời mình vào canh bạc tình yêu. Chữ canh bạc ở đây có thể làm không ít bạn gái cau mày. Nhưng không thể phủ nhận được một thực tế là, sự tan vỡ tình yêu là điều vẫn thường xảy ra, mặc dầu chúng ta chẳng mong như thế! Phải chăng điều đó cũng lý giải vì sao phụ nữ hay phải gánh chịu hậu quả nặng nề hơn đàn ông khi tình yêu đổ vỡ?
Thế nào là lệ thuộc? Nhà tâm lý Edmund J.Bourne cho rằng, khi bạn có xu hướng đặt những nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của chính mình thì đó là dấu hiệu đầu tiên của sự lệ thuộc. Bạn buộc phải thích nghi với người kia bằng cách hạ thấp hoặc hy sinh những nhu cầu dù là chính đáng của mình để làm vui lòng họ.
Có thể bạn lập luận: Nhưng nếu tôi yêu quý người đó, tôi là như thế có gì sai?. Vâng, có thể là không sai, song nếu tất cả chúng ta đều sống không phải cho mình mà chỉ để làm vừa lòng một ai đó thì thế giới này có gì đáng để ta mơ ước? Thậm chí có người vợ giả đui, giả điếc khi chồng có nhân tình, chỉ vì nghĩ rằng chấp nhận ngoại tình còn hơn chấp nhận ly hôn. Đó là dấu hiệu rõ ràng của sự lệ thuộc. Đã bao giờ bạn tự hỏi: tại sao ta lại chỉ tồn tại được trong sự lệ thuộc vào một người khác?
Đàn ông có thích phụ nữ lệ thuộc không?
Đàn ông muốn người yêu phải thật yêu mình. Nhưng họ sợ nhất điều gì? Trước hết, đó là sự lệ thuộc! Mất tự do, đi đâu cũng phải báo cáo và lúc nào cũng thấy cô ấy kè kè bên cạnh, kéo mình ra khỏi những niềm đam mê trai trẻ. Họ rất sợ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc tạo ra hạnh phúc cho người mà họ yêu. Khi một người đàn ông nhận thấy người yêu càng ngày càng tỏ ra phải cần đến họ mới có hạnh phúc, anh ta có cảm giác như phải trả món nợ mà mình chưa bao giờ vay.
Một kỹ sư 27 tuổi tâm sự: Trước khi yêu, tôi và Tuyết là bạn thân. Khi đó, lúc nào gặp nhau Tuyết cũng cười rất tươi. Những khi có phiền muộn, chỉ cần gặp Tuyết, trông thấy nụ cười của nàng là như cất được gánh nặng trong lòng. Nhưng từ khi bắt đầu yêu nhau, Tuyết đã đặt ra bao nhiêu luật lệ. Cô ấy không bao giờ chấp nhận là cả buổi tối thứ bảy, tôi ngồi dán mắt xem bóng đá. Càng không thể chấp nhận tôi nằm cả tối ở nhà một thằng bạn để nghe mấy đĩa nhạc mới. Khi tôi thật thà giải thích về những buổi vắng mặt đó, nàng xị mặt ra kể rằng những lúc ấy nàng ngồi một mình trong buồn tủi, cô đơn... Hoá ra ngoài tôi ra, cô ấy không có niềm vui nào khác và tôi luôn phải chịu trách nhiệm về tất cả những lúc nàng buồn?.
Những phụ nữ quá yêu đến lệ thuộc có hạnh phúc không?
Có cô gái thay đổi đến khó tin khi đã có người yêu. Cô chia tay luôn cả đám bạn gái của mình, bỏ luôn cả lớp ngoại ngữ buổi tối để có thời gian đi chơi với người yêu. Cô chỉ thích ở bên cạnh chàng và đòi hỏi anh ta phải luôn làm cho mình vui thích. Họ tưởng rằng một người đàn ông đã yêu hết mình cũng sẽ làm như vậy. Thực ra không phải thế! Đàn ông thường lo lắng, sau khi gắn bó với một phụ nữ, liệu mình có được đi xem bóng đá nữa không? Có thể được ngồi tán gẫu với cánh mày râu? Hay đã có người yêu, có vợ rồi thì cứ phải dỏng tai nghe toàn chuyện phụ nữ?
Thật ra, khi lệ thuộc, phụ nữ hay bị chán nản và thất vọng chỉ vì kỳ vọng quá nhiều. Trong tâm trạng đó, họ rất dễ nghĩ là người yêu không quan tâm đến mình. Họ thường đòi hỏi ở bạn trai rất cao và tất nhiên khó có người đàn ông nào đáp ứng được. Họ hờn giận, đau khổ rồi lại cố làm lành.
Nhưng những vết rạn trong tình yêu cứ ngày một tăng lên. Đến một lúc, họ cũng nhận ra người yêu muốn bỏ của chạy lấy người vì anh ta không mang nổi một gánh quá nặng. Để tránh đổ vỡ, họ chuyển thành chấp nhận mọi kiểu đối xử, miễn sao không mất người đó trong đời và từ lúc nào, họ đã trở thành nô lệ của tình yêu, thứ nô lệ khốn khổ nhất trong các loại nô lệ.
Phụ nữ nên biết rằng khi người đàn ông nhận thấy những dấu hiệu bạn đã lệ thuộc quá sâu vào họ thì thế cân bằng của mối quan hệ sụp đổ. Phản ứng tự nhiên của họ là muốn thoát ra khỏi sự lệ thuộc đó và bạn trở thành người kém hấp dẫn nhất với họ.
Làm sao thoát khỏi lệ thuộc?
Dù là tình trạng lệ thuộc đã trầm trọng đi nữa, nhưng có thể khẳng định rằng đó không phải là định mệnh. Chúng ta có thể khắc phục được sai lầm này nhưng tốt hơn nên nhớ rằng phòng bệnh bao giờ cũng dễ hơn chữa bệnh.
Truy tìm nguồn gốc của tâm lý lệ thuộc, các nhà khoa học cho rằng nó thường xuất phát từ thời thơ ấu. Thuở nhỏ, ai chẳng lệ thuộc vào cha mẹ. Một tuổi thơ càng đầy đủ, càng làm con người bị lệ thuộc nhiều hơn. Các nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ không được chăm sóc đầy đủ, thậm chí phải tự kiếm sống từ nhỏ, thường có tính độc lập cao hơn. Nó đã được vũ trang để chống trả những gian nan của thế giới hiện thực.
Ở người lớn, sự lệ thuộc về vật chất bao giờ cũng kéo theo sự lệ thuộc về tinh thần. Cho nên, trong bất cứ trường hợp nào, con người nên cố gắng độc lập về kinh tế. Những phụ nữ bỏ việc làm để sống bám vào người đàn ông dù đó là chồng mình, sớm muộn sẽ phải trả giá.
Khi bạn đang có một quan hệ lứa đôi hạnh phúc, bạn chớ vội nghĩ rằng chẳng cần mấy nữa đến những quan hệ khác. Cha mẹ, anh em, bạn bè mà chúng ta đã có những mối liên hệ tin tưởng, thực ra đó là cái bệ luôn nâng đỡ chúng ta nhất là về tinh thần, tình cảm. Điều đó có tác dụng cân bằng cảm xúc mỗi khi chúng ta bị hẫng hụt trong tình yêu.
Những chị em bị bội tình, dẫn đến tự tử thường cảm thấy mình rơi vào trạng thái cô lập, vì quá lệ thuộc vào tình yêu, không dành thời gian, công sức đầu tư vào các mối quan hệ khác nên khi sụp đổ là mất tất cả.
Để không bị lệ thuộc, bạn phải luôn giữ bản lĩnh của mình, không răm rắp tuân theo sự điều khiển, dù đó là của chồng. Những mâu thuẫn nho nhỏ trong quan hệ lứa đôi không tàn phá mối quan hệ đó mà trái lại làm cho nó phong phú, chống lại sự xói mòn lẫn nhau. Không bao giờ nên hy sinh tất cả đam mê của mình vì người mình yêu và trái lại, một người yêu chân chính không bao giờ gây áp lực bắt người mình yêu từ bỏ đam mê lành mạnh.
Thực tế cũng chỉ ra rằng, những phụ nữ không quá lệ thuộc vào tình yêu và cũng không đòi hỏi người yêu phải lệ thuộc vào mình chính là những người thường nuôi dưỡng được tình yêu bền vững hơn, bởi vì họ không làm cho hai người chán nhau mà luôn cảm thấy cần nhau, thiếu nhau, khao khát nhau.
Depplus.vn