Trái đất quả thực rất tròn, 5 năm sau ngày chia tay, tôi tình cờ gặp lại Hải - mối tình đầu của tôi khi đi siêu thị cùng con gái và chồng. Tôi và anh hỏi han vài câu rồi chào nhau. Hóa ra, sau khi chia tay, anh vẫn mải mê tìm kiếm một cô gái còn trinh tiết để lấy làm vợ, còn tôi đã yên bề gia thất. Tôi mãn nguyện với hạnh phúc mà mình đang có, chồng tôi hết mực yêu thương, trân trọng tôi. Có lẽ, vì thế những ký ức đau thương mà Hải gây ra cho tôi đã vĩnh viễn ngủ yên.
5 năm trước, tôi nhận lời yêu Hải khi 23 tuổi, anh là mối tình đầu của tôi, còn tôi là mối tình thứ mấy của anh thì tôi cũng không chắc chắn. Cả hai đã cảm mến ngay từ lần đầu tiên gặp nhau, tôi bị thu hút bởi sự từng trải, tự tin và vẻ nam tính của anh. Tôi cũng biết, trước khi đến với tôi, Hải cũng đã có một vài mối tính nhưng tôi không biết lý do vì sao anh chia tay.
Tôi là người khá cổ hủ, truyền thống, đối với tôi, trinh tiết sẽ chỉ được trao cho người làm chồng tôi và nhất định phải trong đêm tân hôn. Tất nhiên, tôi sẽ không phê phán hay lên án cách sống của người khác vì mỗi người đều có suy nghĩ, cách sống của riêng mình.
Yêu nhau được 6 tháng, Hải đòi hỏi tôi cho gần gũi ghê lắm. Anh nói: "Yêu nhau thì phải dâng hiến hết cho nhau cả thể xác và tâm hồn, thế mới là yêu hết mình.Anh quen rồi, chưa có mối tình nào mà anh lại không đi tới bến cả". Nhưng tôi kiên quyết từ chối, cho dù anh tìm đủ mọi cách, hết dỗ ngon dỗ ngọt lẫn tức giận đùng đùng. Thấy vậy, Hải chấp nhận, nhưng anh lại nói hờn trách: "Hình như em vẫn chưa thực sự tin anh thì phải?". Tôi có chút hoang mang với tình cảm Hải dành cho mình, nhưng lại nghĩ đàn ông ai cũng vậy, khi yêu đều muốn người người yêu thuộc về mình.
Tôi là người khá cổ hủ, truyền thống, đối với tôi, trinh tiết sẽ chỉ
được trao cho người làm chồng tôi và nhất định phải
trong đêm tân hôn. (Ảnh minh họa)
Mấy tháng sau, Hải cầu hôn tôi, nhưng đi kèm với lời cầu hôn ấy là một cuộc trò chuyện rất thẳng thắn. Hải hỏi tôi:
- Em có còn trinh không?
- Tôi lặng người không trả lời, anh thúc giục: Sao em không trả lời?
- Quá thất vọng, tôi hỏi lại anh: Nếu em không còn trinh thì anh sẽ chia tay với em sao?
- Hải lạnh lùng: Ừ. Anh không bao giờ lấy gái đã mất trinh về làm vợ. Giờ em trả lời đi, em còn hay mất?
- Tôi nói: Thảo nào, anh cứ nhất định đòi em quan hệ trước hôn nhân. Có nghĩa là anh chỉ quan tâm đến việc kiểm tra em còn hay mất trinh đúng không?
- Anh thản nhiên nói: Nếu kiểm tra mà thấy còn thì anh nhất định sẽ cưới em làm vợ. Anh không bỏ em đâu mà em sợ.
- Tôi đau đớn, không trả lời, chỉ nhìn thẳng vào mắt anh và nói: Vậy cứ làm theo những gì anh nói, chúng ta chia tay đi!
Dù rất yêu Hải nhưng yêu cầu của anh lại mâu thuẫn với nguyên tắc "không quan hệ trước hôn nhân" của tôi. Với lại, vẫn biết là anh muốn cưới, đằng nào cả hai chẳng là vợ chồng, song lỡ có điều gì không như ý muốn, khi cho quan hệ rồi, anh sẽ chán, sau đó bỏ thì tôi biết kêu ai? Vì thế, tôi quyết định chia tay và tất nhiên Hải cũng chẳng níu kéo.
Tình yêu đầu của tôi đã kết thúc với những ký ức buồn như vậy. Hóa ra, suốt quãng thời gian yêu nhau, anh chỉ chăm chăm xem tôi còn trinh không và tìm mọi cách để kiểm tra bằng được. Đúng như lời anh nói: “Vợ anh có thể xấu ngoại hình, thậm chí xấu cả tâm hồn nhưng trinh thì phải còn. Con gái mà không còn trinh thì coi như vứt”. Tôi hoang mang tự hỏi: Đàn ông tất cả đều giống Hải sao?
Cho dù xã hội hiện tại đã không còn quá khắt khe với chuyện trinh tiết của
phụ nữ nữa, nhưng thử hỏi cánh mày râu, có mấy ai muốn lấy
một người vợ không còn trong trắng? (ảnh minh họa)
Nếu không có Đức - chồng tôi hiện nay, có lẽ tôi vẫn chìm trong suy nghĩ đàn ông đến với mình chỉ vì trinh tiết. Như "con chim sợ cành cong", dù có tình cảm với anh, nhưng tôi lại sợ, tìm cách giấu giếm và lừa dối tình cảm của mình. Nhưng anh vẫn không từ bỏ, anh vẫn quan tâm chăm sóc tôi mặc tôi dửng dưng, lạnh nhạt. Sự chân thành của anh cuối cùng cũng làm tôi rung động, chúng tôi hiện đang rất hạnh phúc với tổ ấm nhỏ của mình. Tôi hạnh phúc vì đã trao trọn trinh tiết mà tôi gìn giữ bao năm cho chồng vào đêm tân hôn thiêng liêng.
Lại nói về Hải, sau khi chia tay tôi, anh ta lùng sục khắp nơi tìm vợ còn trinh nhưng đều không được như ý. Hai lần kết hôn Hải đều bị các cô lừa là còn trinh nhưng khi lấy về thì mới biết là “hàng rởm”. Với tính cách của mình, Hải đã lập tức ly hôn và bắt tay vào tìm kiếm một người vợ khác. Cô gái hôm tôi gặp ở siêu thị mới 19 tuổi, Hải rất kỳ vọng đó sẽ là cô gái thỏa ước vọng tìm vợ còn trinh của mình.
Tôi nghĩ rằng, trao "cái ngàn vàng" cho người xứng đáng với tình yêu và xứng đáng với mình hay không là điều rất quan trọng. Nó sẽ là minh chứng của tình yêu thực sự chứ không phải là chứng minh cho việc các bạn đang yêu nhau. Bởi, có thể đến một lúc nào đó, bạn gặp một người yêu thực sự, trân trọng họ thực sự, bạn sẽ cảm thấy hối tiếc vì mình đã dành quá nhiều tình cảm cho những người không xứng đáng trước đó. Hãy cân nhắc để không rơi vào cảm giác thất vọng hoặc hụt hẫng sau khi trao đi cái ngàn vàng.
Cho dù xã hội hiện tại đã không còn quá khắt khe với chuyện trinh tiết của phụ nữ nữa, nhưng thử hỏi cánh mày râu, có mấy ai muốn lấy một người vợ không còn trong trắng? Một người đàn ông có thể đi phá trinh rất nhiều cô gái nhưng lại nhất định phải lấy vợ còn trinh. Liệu có bao giờ đàn ông nghĩ: Những cô gái mà mình từng phá trinh rồi bỏ rơi, họ sẽ sống thế nào?
Theo Khampha.vn