Chị Hoa Hồng thân mến!
Tôi cũng là người vợ khổ đau như chị. Con đường hạnh phúc trước mặt của tôi sao quá tối tăm. Thật đau đớn, khi tôi là thạc sĩ mà vẫn bị người chồng không bằng cấp xem thường.
Tôi là con gái trong gia đình rất coi trọng học thức. Dù bố mẹ tôi đã cao tuổi song vẫn nuôi nấng hai chị em tôi thành trí thức. Ngày cầm tấm bằng thạc sĩ toán học, tôi vừa mừng vừa khóc. Sau bao nỗ lực học hành, tôi đã được đặt chân vào nhóm trí thức ưu tú của xã hội. Tôi cười đùa với các bạn đồng môn: “Tớ đợi lấy tấm bằng thạc sĩ này để cưới chồng đấy”. Lúc đó, tôi vừa tròn 29 tuổi.
Tôi xin dạy học tại một trường PTTH của tỉnh. Bố mẹ tôi giục ầm ĩ chuyện chồng con. Nhiều người đàn ông đã đến nhưng tôi chẳng thích ai cả. Mẹ tôi đã mai mối cho tôi với con trai của một người bạn thân.
Anh mới đi lao động ở Hàn Quốc về. Anh mở cửa hàng kinh doanh tại nhà, kinh tế rất khấm khá. Mẹ bảo: “Vợ chồng chỉ cần một người trình độ cao để dạy dỗ con tốt. Người kia phải biết làm ra tiền thì gia đình mới sung túc”. Dù không bằng lòng lắm, song tôi miễn cưỡng nghe lời cha mẹ. Đám cưới của tôi được nhanh chóng tổ chức để lấy năm đẹp.
Chồng tôi là người có ngoại hình bình thường. Anh có tính nói nhiều, hay lam hay làm và thích chỉ đạo người khác. Anh nói tôi chỉ có mớ kiến thức sách vở nên mọi việc trong nhà đều do chồng quyết. Muốn êm cửa êm nhà, tôi răm rắp làm theo.
Được vài tháng đầu, tôi sống trong cảnh chồng yêu thương, tôn trọng. Sau đó, chồng tôi hiện nguyên bản chất thô cục, lỗ mãn, khinh người.
Chồng chẳng xưng “anh - em”, “ông xã - bà xã” hay “chồng - vợ” gì với tôi cả. Anh thích thú gọi vợ bằng “mày” xưng “tao”. Chồng chê đồng lương của thạc sĩ của vợ chẳng bằng đứa đi làm ô sin ở nước ngoài.
Anh bảo: “Thạc sĩ mà vụng, nấu ăn không bằng đầu bếp”, “thạc sĩ không quyến rũ bằng gái đứng đường”. Câu thường trực của anh nói vợ là “ngu như bò, dốt như lợn”. Tôi thấy nhục lắm mỗi lần bị anh xúc phạm. Nhưng nếu tôi phản ứng lại, anh còn chửi rủa thậm tệ hơn.
Tính chồng tôi thích xởi lởi với bạn bè. Nhiều người đàn ông không tốt đã lợi dụng tiền bạc của anh. Trong khi, anh chắt chiu từng đồng tiền đưa cho vợ để nuôi con gái. Tôi nhẹ nhàng khuyên chồng không nên kết giao với đám bạn lợi dụng. Anh chửi tôi là: “Vô đạo đức, sống không có tình anh em”.
Anh còn thoải mái đưa tiền cho các cô gái trẻ trung mượn (không có ngày trả). Chẳng biết có phải là anh đã “bóc bánh trả tiền” không nữa. Anh ta rất thích chọc ghẹo, sờ tay vào ngực phụ nữ ngay trước mắt vợ. Tôi vứt tới hai người đó cái nhìn lườm nguýt thì lập tức anh quát vợ: “Đồ vô học”. Chẳng lẽ, người có học phải chịu đựng cảnh chồng mình tán tỉnh gái giữa ban ngày.
Một ngày tôi chỉ được ngủ khoảng 4 tiếng. Tôi dậy sớm để dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm cho chồng con ăn sáng rồi đi làm. Chiều về, tôi phải tới trường mẫu giáo đón con. Tôi tất bật đi chợ nấu cơm, giặt giũ. Xong việc, tôi phóng xe đi làm gia sư để kiếm thêm thu nhập. Đêm về soạn giáo án, chấm bài thi trên lớp của học sinh. Tôi gần như kiệt sức.
Tôi ngày càng gầy, xanh, mắt thâm quầng. Mang tiếng lấy được chồng có tiền nhưng tôi phải tự kiếm tiền chi tiêu cho cả nhà vì chồng thường đưa tiền chẳng bao đủ tiêu trong 2 tuần.
Dạo này, tôi bị tụt huyết áp nên bà ngoại phải qua trông cháu. Thế mà anh chẳng kiêng nể cứ sai vặt mẹ vợ đủ kiểu. Khi mẹ tôi ngồi nghỉ lấy sức, con rể xông lại nói: “Mẹ con cùng một giuộc, lười biếng như nhau, chỉ ăn là nhanh”. Tôi không chịu nổi cảnh chồng xúc phạm mẹ mình.
Tôi lao ra ba mặt một lời với anh thì bị chồng túm tóc kéo ra khỏi nhà rồi đóng sầm cửa lại. Mẹ và con gái tôi ở trong nhà khóc thét lên. Thương con, tôi lại phải làm hòa và xin lỗi chồng.
Dù là trí thức nhưng tôi liên tiếp bị chồng xúc phạm. 5 năm qua, tôi đã phải chịu ức chế tinh thần nhiều quá. Tôi mệt mỏi, chán chường và bế tắc lắm. Xin hãy cho tôi lời khuyên trong hoàn cảnh này.
Bạn đang có những tâm sự, vui, buồn… muốn chia sẻ những bức ảnh đẹp, gửi lời nhắn (một bài hát, lời yêu, một tấm thiệp chúc mừng hay những dòng thơ nhỏ…) tới những người thân yêu của mình. |
TTVN