Tốt nghiệp khoa tiếng Anh - Đại học Mở Hà Nội với tấm bằng loại giỏi, tôi dễ dàng tìm được những vị trí hấp dẫn ở các công ty danh tiếng. Nhưng mới hơn 2 năm ra trường, tôi đã phải vài lần xin chuyển công ty. Lý do chỉ vì: Sếp dê xồm thường xuyên “à ơi”.
Cách đây 3 tháng, tôi xin được công việc biên phiên dịch ở một công ty xây dựng. Đây là công ty lớn và có quy mô. Công việc khá thú vị, cho tôi những cơ hội thăng tiến cùng mức lương hấp dẫn. Tôi đã nghĩ sẽ cố gắng phấn đấu làm việc và cống hiến tại đây lâu dài.
Nhưng rồi, vừa mới chân ướt chân ráo bước vào làm. Tôi lại phải đối mặt với sếp xấu tính và dê già. Điều này khiến tôi không khỏi mệt mỏi và khó nghĩ.
Sếp của tôi đáng tuổi cha chú nhưng ông vẫn rất trẻ trung, sôi nổi. Ngày đầu, tôi cũng nể sếp bội phần vì khối lượng công việc nhiều mà vẫn đảm bảo trơn tru. Sếp lại thuộc mẫu người đàn ông thông minh điềm tĩnh, đặc biệt trước mặt đồng nghiệp tỏ ra là người rất đứng đắn.
Thế nhưng 3 tháng làm việc tại đây là 3 tháng tôi bị người sếp đáng tuổi cha chú của mình thường xuyên giở trò tán tỉnh khi chỉ còn lại một mình trong phòng. Nói thật tuy còn trẻ, nhưng vốn là người nghiêm túc nên tôi thấy khinh bỉ và có phần sợ sếp. Sao sếp cứ giở trò bỉ ổi, mất tư cách như thế với nhân viên chứ?
Chưa kể, sếp đã có gia đình và sắp có cháu ngoại rồi. Thế nhưng sếp vẫn cứ thích tòm tem với nhân viên. Mỗi cuối tuần, tôi không khỏi khó chịu khi sếp thản nhiên gửi tin nhắn cho tôi: “Cuối tuần không được nhìn thấy em, anh thấy chúng dài như một thế kỷ. Ở nhà với bà vợ già mà muốn được ôm em quá!”.
Cuối tuần đã vậy, khi ở công ty ngày nào sếp cũng làm tôi phải điên đầu. Cố tránh mặt thế nào, sếp cũng bằng mọi lý do gọi tôi vào phòng bằng được. Vào phòng, sếp lợi dụng quyền hạn, hoàn cảnh để quấy rối.
Nhẹ thì sếp khoác vai, vuốt má, trêu chọc. Nặng thì sếp bắt đầu rủ rê và sờ mó lung tung. Tôi càng né thì sếp càng lấn tới.
Rút kinh nghiệm mấy lần mất việc trước đều do tôi nói thẳng hoặc chửi sếp nên bị đuổi việc hoặc lĩnh hậu quả ngay tức thì. Lần này, bị sếp quấy rối, tôi tìm cách nhẹ nhàng và cương quyết để từ chối.
Tất nhiên tôi cương quyết nói không với các lời đề nghị, rủ rê của sếp. Tôi cũng ngăn chặn ngay những hành động khiếm nhã của sếp già. Nhưng mỗi khi ngăn chặn hành động quá trớn nào đó của sếp, y như rằng hôm đó hoặc tháng đó tôi bị sếp “trù”.
Chẳng hạn như khi làm báo cáo, tôi bị sếp bắt lỗi làm lại đến chục lần. Rồi công việc chính là biên phiên dịch, nhưng sếp cứ nghiễm nhiên giao cho tôi việc linh tinh. Rồi những lúc tôi bị ốm xin nghỉ, sếp cũng không thèm trả lời đồng ý hay không. Cuối tháng, bằng mọi lý do sếp quyết định cắt thưởng.
Mỗi khi đến văn phòng, tôi không dám mặc hở hang mà phải kín cổng cao tường. Vậy mà mỗi lần sếp vào phòng là mỗi lần tôi giật thót tim.
Như trưa hôm trước, tôi còn đang lúi húi làm việc, sếp tiến lại gần lúc nào tôi chẳng biết. Sếp hỏi: “Sao em chưa đi ăn? Hôm nay làm việc chăm chỉ thế? Tháng này anh sẽ thưởng cho em loại A”. Vừa nói sếp vừa thò tay vào định bóp đùi tôi. Nhưng đã đề phòng trước nên tôi cầm chặt tay sếp chặn lại.
Tôi nghiêm mặt bảo: “Mong anh đừng sàm sỡ vậy nữa. Như thế khó coi lắm. Em có người yêu rồi. Người yêu em thi thoảng đọc tin nhắn của anh ghen lắm và làm ầm lên đòi gọi cho sếp. Em phải ngăn mãi”.
Nghe tôi nói vậy, sếp bắt đầu đổi sắc và bảo sẽ không gọi hay nhắn tin tôi nữa. Sếp còn mắng tôi vô ý, không xóa tin nhắn đi rồi mặt lạnh tanh bước đi. Sau khi về phòng, sếp gọi tôi sang giao việc, mặt lanh tanh bảo hoàn thành sớm.
Trưa hôm trước, tôi vào phòng sếp để bàn giao công việc vừa hoàn thành. Sếp lại bắt đầu thả lời ong bướm và bắt đầu động chân động tay với tôi. Thậm chí sếp còn bất chợt đè nghiến tôi xuống bàn làm việc và hôn lấy hôn để. Phải cố gắng vẫy vùng lắm tôi mới thoát ra khỏi bàn tay mạnh khỏe của sếp.
Về phòng, tôi vẫn thấy sợ hãi và nguy hiểm quá. Tình trạng sếp dê có lẽ chẳng thể cải thiện được như tôi nghĩ. Tôi có nên một lần nữa nghỉ việc không? Hay phải làm thế nào để trừng trị lão sếp dê già thường xuyên “à ơi” nhân viên như sếp tôi đây?
Bạn đang có những tâm sự, vui, buồn… muốn chia sẻ những bức ảnh đẹp, gửi lời nhắn (một bài hát, lời yêu, một tấm thiệp chúc mừng hay những dòng thơ nhỏ…) tới những người thân yêu của mình. |
Afamily