Trên con đường quê ngoằn ngoèo, nhấp nhô sỏi đá, những rặng tre không đủ cao để che nắng, chiếc mũ trên đầu dường như quá nhỏ, những giọt mồ hôi không ngừng chảy trên đôi má phúng phính đỏ ửng của Nhi. Bình quay sang cô bạn nhỏ, lấy cặp che lên đầu, Nhi hất ra, miệng lẩm bẩm: Không cần, không cần! Bình dọa: Về mẹ đánh đòn ấy! Không sợ! Ngày ấy có lẽ Bình không biết như thế người ta gọi là “bướng bỉnh”. Cậu bé chỉ biết nhăn mặt gắt lên: Nhi hư!
Nhưng cuối cùng thì hai cây nấm lùn cũng bình yên trong trời nắng gắt, với chiếc ô to màu xanh mát lịm trên đầu. Tuổi thơ ấy đượm mùi của đất, hương của cây và nắng của trời. Từ hôm đó, ngày nào Nhi cũng đòi Bình ngắt lá sen làm ô che cùng trong những buổi trưa tan học nắng chói chang. Và những kỉ niệm ấy cứ như nắng gió của trời in hằn vào trái tim bé bỏng của Nhi như một lẽ tự nhiên nhất. Để rồi sau này, mỗi lần đọc Trường Huyện của Nguyễn Bính, Nhi lại thấy như có ai đó nắm chặt trái tim mình mà bóp lại: “Học trò trường huyện ngày năm ấy, Anh tuổi bằng em lớp tuổi thơ, Những buổi tan trường không có nón, Đội chung đầu một lá sen tơ, lá sen vương vấn hương sen ngát, ấp ủ đôi ta chút nhụy hờ…”
Ngày ấy, Nhi tóc ngắn, da ngăm ngăm, đôi mắt ốc nhồi to đùng trên khuôn mặt, nhìn Nhi giống một thằng con trai ngổ ngáo hơn là một đứa con gái ngoan hiền. Nên Nhi toàn bắt nạt Bình, chơi đá bóng, bắn bi, chơi khăng… Nhi cũng đều giành phần thắng hết. Nhi hãnh diện vì điều đó lắm. Còn nhớ, vào mùa hè, những đêm sáng trăng, trẻ con trong xóm chia bè bắn nhau, Nhi không bao giờ ở cùng đội với Bình mà luôn ở phía kẻ địch, Và dù có phát hiện ra Bình sớm hơn, cũng không bao giờ chịu bắn chết sớm, Nhi đợi khi nào cả hai đội chỉ còn hai đứa, Nhi mới tìm cách bắn chết Bình cho bằng được.
Có lần Nhi còn chui xuống bờ ao, luồn dưới bụi tre như đặc công vậy, rồi tiến sang tận trận địa nhà Bình mà bắn Bình chết. Đội của Nhi nhăn nhở ăn mừng, Bình thì chỉ cười nhìn khuôn mặt nhâng nhâng chiến thắng của Nhi: Ôi, con gái như thế, nhìn mà hãi! Lớn lên, làm sao mà là con gái nổi? Bình ngán ngẩm lắc đầu!
Có lần Nhi còn chui xuống bờ ao, luồn dưới bụi tre như đặc công vậy, rồi
tiến sang tận trận địa nhà Bình mà bắn Bình chết. (ảnh minh họa)
Buổi trưa, Nhi thường trốn ngủ, mà kiểu gì cũng sang nhà lén lút rủ Bình nhập cuộc, khi thì trộm ổi, khi thì hái sen, có khi lại vắt vẻo trên ngọn cây sung để ăn sung xanh. Có lần, chỉ vì cười Bình bị bù tịt đốt vêu cả mồm mà Nhi bị rơi xuống ao, Bình hãi quá nhảy theo luôn và hậu quả là hai đứa bị ăn đầy lươn với rắn vào đít và cấm vận không ra khỏi cửa buổi trưa. Bình thở dài nghĩ: Thế lại hay! Đỡ nguy hiểm tới tính mạng hơn!
Nhi và Bình cứ thế lớn lên, hồn nhiên như cây cỏ, tự nhiên như đất trời, không chút suy tư tới sự tồn tại của người kia suốt hơn chục năm trời. Nhưng rồi, khi lên giữa cấp hai, Nhi tự nhiên không theo Bình đi bắt đom đóm nữa, không chơi đá banh, không bắt nạt Bình, không rủ Bình đi ăn trộm… Nhi bỗng trở nên xa cách với Bình hơn, điều đó làm Bình khó chịu vô cùng. Có lần, Bình cầm miếng khoai khô um(món này ngon tuyệt nha, nó gồm có: khoai lang thái chỉ phơi khô, đường phên, đỗ đen, gạo nếp cái hoa vàng), món Nhi thích vô cùng sang nhà Nhi, tưởng là Nhi sẽ thích như mọi khi, ai ngờ cô nàng ăn như cho có lệ ấy, Bình bực mình: Hôm nay lợn lại chê cám cơ đấy! Nhi chưa kịp nói gì thì anh chàng liền bẻ một miếng khoai to của mình nhét vào mồm Nhi khiến Nhi ho sặc sụa.
Bình còn chưa kịp cười với trò đùa của mình thì Nhi quăng miếng khoai khô trả lại Bình rồi bỏ đi, trước khi đi còn lườm, khóe miệng cong lên: Vô duyên! Như thể vừa có ai nhét một cục đá to vào mồm Bình khiến anh chàng không ngậm lại được vậy! Ôi, hóa ra Nhi cũng biết lườm! Thà cứ nhảy ra mà bắn chết Bình còn hơn!
Tối đó, Bình ngồi trên đống rơm ngoài cổng ngó nhà Nhi, vầng trăng thượng tuần lơ lửng trên bầu trời như đang cười nhăn nhở với Bình khiến tâm trạng của anh chàng vô cùng buồn bã. Ngày xưa, mỗi khi ngó thấy Bình ngồi đó, thể nào Nhi cũng chạy sang, chèo ngoăn ngoắt bằng thang và leo lên đó ngồi ngắm trời đất cùng Bình. Những cơn gió mùa hè mắt lịm mà sao Bình cảm thấy trong mình như có lửa đốt. Nhi không hài lòng gì thế không biết, thà như ngày xưa, cứ nhảy lên mà đánh đấm Bình có phải dễ chịu hơn không? Ôi, con gái càng lớn càng không thể nào hiểu nổi!
Bình còn chưa kịp cười với trò đùa của mình thì Nhi quăng miếng khoai
khô trả lại Bình rồi bỏ đi, trước khi đi còn lườm, khóe miệng
cong lên: Vô duyên! (ảnh minh họa)
Sang lớp chín, Nhi lớn lạ lùng, Bình cảm thấy như cứ mỗi buổi sáng thức dậy nhìn Nhi lại cao hơn, xinh hơn ngày hôm trước, nó khiến cho Bình hoang mang kinh khủng. Bởi lẽ Bình không có gì thay đổi cả, bây giờ có lẽ Bình còn thấp hơn Nhi cả nửa cái đầu. Có lần gặp Nhi cạnh bờ tường ngăn, Bình nói: Mày ăn ít thôi, lớn hơn tao rồi! Liền bị Nhi lườm cho cháy mặt, rồi tạt cho thêm tí axit đậm đặc nữa: Trẻ con! Làm mặt Bình biến dạng luôn! Bình cố nói với theo: Này, này, tính tháng thì vẫn ít hơn tôi mười tháng đấy nhá! Lúc người ta mặc quần rồi mình vẫn cởi… mà dám nói ai trẻ con! Nhi cố nén cười bước vào nhà! Để lại phía bên kia tường một kẻ mặt mũi đen sì.
Ngày thi cấp ba, hai đứa đều điểm cao và được chọn vào lớp điểm của trường. Mà cũng lạ, có mấy tháng hè mà Bình cảm thấy mình lớn nhanh như có ai thổi vậy, bây giờ khi đi cạnh Nhi, Bình chợt thấy Nhi bé nhỏ vô cùng, giống như cái cảm giác ngày bé vậy, chỉ muốn đưa tay bẹo má Nhi, chỉ muốn đưa tay bảo vệ Nhi mãi mãi, chỉ muốn giữ Nhi cho riêng mình, không thích Nhi nhìn bất cứ ai… Người ta gọi đó là cảm giác chiếm hữu của người đàn ông. Không lẽ Bình đã là một người đàn ông thực sự rồi sao? Cái ý nghĩ đó khiến anh chàng lâng lâng suốt cả buổi.
Mùa thu năm đó là mùa thu đẹp nhất, những rặng hoa cải ven sông như vàng hơn, nắng như mênh mông hơn, và cái lạnh như chỉ đủ cho người ta cảm nhận hơi ấm nơi nhau. Và điều làm Bình hạnh phúc nhất là Nhi muốn đi nhờ xe của Bình vì xe Nhi hỏng mất rồi. Bình thấy, khi người ta lớn, mọi thứ đều trở nên tuyệt vời hơn thì phải!
Mỗi lần ngồi sau lưng Bình, Nhi đều cảm nhận được hơi ấm từ thân thể Bình như đang bao bọc lấy Nhi, cái cảm giác bình an, ấm áp đó mãi mãi Nhi không sao quên được. Có lần Bình bảo Nhi: Ngày trước, khi chơi bắn nhau, Nhi toàn bắn chết Bình không thương tiếc, ác hơn là kẻ địch. Nhi cười: Là Bình tình nguyện để Nhi bắn mà! Sao Nhi biết! Hứ, ai mà chẳng… Bình cười: Thế bây giờ Nhi không bắn chết Bình nữa à? Lại thèm bị Nhi bắn chết à? Lâu lâu cũng nhớ nhớ! Này, cái chết vì gái là cái chết dại dột nhất đó nha! Bình cười phá lên một cách sảng khoáng: Ôi, Nhi của tôi cũng biết đùa này! Ai là của cậu, ngã tớ bây giờ…
Tiếng cười của họ khiến không gian xao động, những con sóng dưới sông như nhảy múa, những ngọn gió không ngừng ve vuốt những hàng cây, đôi trái tim họ như được gắn kết cùng nhau trong nhịp đập hòa điệu dịu dàng, nắng mùa thu êm đềm quá… Tình yêu không giống như một thói quen, nhưng tình yêu được hun đúc từ những gì bé nhỏ, chắt chiu và lớn lên theo cùng năm tháng, đó là sự đồng hành đáng yêu hơn duyên phận mà không phải ai trong đời cũng có được.
Nhi thường đi bộ trong đám cỏ may, cho cỏ may dính đầy gấu quần rồi ngồi một mình tha thẩn nhặt chúng. Có lần Bình bảo muốn nhặt hộ Nhi nhưng Nhi từ chối. Nhi nói: Tớ để cho chúng dính vào tớ thì tớ sẽ tự nhặt hết những thứ làm mình đau ra khỏi mình. Nếu một ngày cậu làm tớ đau, sẽ không bao giờ nhớ tới cậu trong cuộc sống của tớ nữa. Như những nhánh cỏ may này! Bình nhìn Nhi, cái nhìn bỗng khiến con tim Nhi run rẩy, cái nhìn thẳm sâu và thấu hiểu: Sẽ không bao giờ Bình làm vậy đâu. Vì Nhi là người con gái quan trọng nhất đời Bình
Và lần đầu tiên ở đó, bên con sông đầy sóng, đầy gió, đầy hoa cỏ may họ vụng về trao nhau nụ hôn đầu đời. Dù chỉ là một cái lướt nhẹ trên môi nhưng khiến cả hai mất ngủ cả tuần, thẹn thùng cả tuần, không dám nhìn vào mắt nhau cả tuần và cả không dám cười với nhau nữa… Nhưng cả hai vẫn gặp nhau trong những giấc mơ của mình! Để lần đầu tiên họ cảm nhận được, là người quan trọng nhất đời của một ai đó không phải chỉ là một giấc mơ, không phải trong tiểu thuyết mà chính là họ, chính họ đang đi trong cuộc tình ấy. Mối tình đầu tiên!
Nhưng cũng mùa thu ấy, khi hoa cải vẫn trổ vàng rực rỡ bên sông, khi mặt trời vẫn ấm áp mỗi ngày, khi con sông vẫn chảy, khi con tim ai vẫn nồng nàn trong men tình đầu ngây ngất, ai vẫn tin mãnh liệt, tình đầu của họ mãi mãi không bao giờ là tình phai thì một người lặng lẽ chuẩn bị cho một cuộc hành trình của riêng mình một cách âm thầm lặng lẽ nhưng có lẽ cũng rất nhiều đau đớn! Thứ đau đớn mạnh mẽ nhưng cũng vô cùng ích kỷ!
Nhi vùng bỏ chạy, nhưng Bình kéo Nhi lại, ôm Nhi thật chặt vào lòng:
Đợi Bình được không? Chỉ cần Nhi đợi, Bình sẽ quay
lại mà! Đến bao giờ? (ảnh minh họa)
Hôm ấy Bình không đến trường mà chỉ hẹn Nhi gặp gỡ tại chỗ hẹn quen thuộc của họ, Nhi không còn nhớ Bình đã bắt đầu nói như thế nào, và nói ra sao, Nhi chỉ thấy tai mình ù và mắt nhòa đi vì nước. Nhi chỉ nhớ mình đã bảo Bình ở lại, không cần phải đi cùng cha, Bình có thể ở cùng mẹ, có thể ở cùng bà nội, bà ngoại, chú bác… Nhưng Bình không nói gì chỉ im lặng mãi sau Bình mới nói: Bình phải đi cùng cha, nhất định phải ở cùng cha! Nhi nghẹn ngào: Tại sao không ở cùng mẹ, mẹ vẫn ở lại đây đúng không? Ánh mắt Bình bỗng trở nên lạnh lùng: Không, Bình không bao giờ ở cùng người đàn bà đã phản bội lại cha! Nhi hét lên: Vậy còn Nhi? Bình không hề, không hề nghĩ tới đúng không?Bình đã quyết định điều này từ bao giờ, từ khi nào? Không có Nhi trong đó, chưa bao giờ có Nhi trong toan tính đó của Bình đúng không? Được, vậy thì cứ đi đi, cứ đi đi…
Nhi vùng bỏ chạy, nhưng Bình kéo Nhi lại, ôm Nhi thật chặt vào lòng: Đợi Bình được không? Chỉ cần Nhi đợi, Bình sẽ quay lại mà! Đến bao giờ? Bình chưa biết, nhưng nhất định sẽ quay lại tìm Nhi! Không biết sao? Nhi đẩy Bình ra: Không biết sao? Nếu hôm nay cậu đi, thì mãi mãi đừng có bao giờ quay lại, tớ không đợi, không bao giờ đợi đâu, không bao giờ đợi một người như cậu. Gần hai mươi năm, cậu có thể không hề đếm sỉa đến, thì không ai dám chắc vài năm với cậu có ý nghĩa gì! Nên, nếu đi, thì đừng mong Nhi đợi. Nhất định là không đợi! Bình đứng như chết lặng, chỉ biết hét lên: Nhi, tháng Mười, nhất định Bình quay lại…
Đó là những lời cuối cùng họ nói cùng nhau. Những lời kiêu hãnh, nóng nảy nhất thời của tuổi trẻ bồng bột thốt lên trước khi giã biệt một tình yêu đầu mà chính bản thân họ cũng không biết rằng nó khắc cốt ghi tâm tới đau đớn trong cuộc sống sau này của chính mình! Làm cho người khác đau, thật sự không dễ chịu, làm cho người mình thương yêu nhất đau thì chính bản thân mình lại là người đau gấp ngàn lần hơn. Bình đi ngay đêm đó! Và ngày mai là tháng mười!
Một nhành hoa giấy ép khô được gửi lại Nhi. Trong đó chỉ có mấy câu của Bình: Bình biết Nhi đang khóc! Nhi, tình cảm của Bình dành cho Nhi cũng như nhành hoa này, mãi mãi không bao giờ chết! Mãi mãi không thể nào chết! Nhi khóc: Nhưng khi cậu quyết định đi, thì tự tay cậu đã làm nó chết rồi!
Tháng mười dằng dặc những cô đơn, lần đầu tiên Nhi biết cô đơn là thế, hãi hùng thật sự. Mẹ Bình cũng đã chuyển đi nơi khác, bờ tường ngày xưa người hàng xóm mới đã xây cao hơn, giàn hoa giấy được thay bằng thép gai, cây sung trước nhà ven bờ ao cũng đã chặt, ao cũng đã lấp để trồng nhãn, trồng vải, con đường mòn đi học ngày nào người ta cũng đã đổ bê tông, chiếc xe đạp của Bình cũng đã bán đi tự lúc nào… Tìm kiếm và rã rời, dường như mọi thứ đều bay đi mất chỉ trong một khoảng khắc vậy.
Nhưng không phải là tất cả đều đi, còn đó bờ sông ấy không ai mang đi, tháng mười ấy, không ai mang đi và Nhi… Nghĩa là bờ sông ấy giống Nhi, tháng mười ấy giống Nhi bị bỏ rơi lại rồi! Tháng mười ấy, là tháng mười không có mưa, tháng mười ấy chỉ có nước mắt, nước mắt của Nhi và nước mắt của trời! Và từ ngày đó, trái tim Nhi không mỉm cười với ai! Trái tim Nhi cũng như tháng mười, nứt nẻ và hanh hao!
Ngày đầu tiên năm nào của tháng mười Nhi cũng bắt xe buýt về quê, lặng lẽ ra bờ sông ấy, bây giờ người ta không trồng cải, hoa cũng không còn, bến đò nhỏ gần đó cũng hoang vắng tiêu điều, người ta không đi đò nữa vì người ta đã làm cầu qua sông, hoa cỏ may tự dưng cũng hết, chỉ còn lại những lối mòn của trăm ngàn bước chân cùng dẫm lên trên cùng một nẻo đi… Nhưng tháng mười thì vẫn thế, vẫn hanh hao, vẫn nứt nẻ, vẫn không mưa như ngày nào. Với Nhi tháng mười mãi mãi không mưa
Nhi ít khóc hơn, khi người ta trưởng thành, người ta biết cách giấu nước mắt vào trong, và khóc ngược trong lòng, hay đôi khi mỉm cười là đang khóc. Khi còn trẻ, tất cả mội cảm xúc đều mãnh liệt: yêu mãnh liệt, đau đớn mãnh liệt và cả cái sự im lặng cũng thật mãnh liệt… Nó mãnh liệt tới mức, chính bản thân Nhi cũng không biết mở lời bằng cách nào để phá tan sự im lặng đó. Nhưng trong trái tim Nhi vẫn kiên định một niềm tin: lời hẹn của Bình chắc chắn cậu ấy sẽ không bao giờ quên: Chỉ cần anh đã hẹn, nhất định em sẽ chờ!
khampha.vn