Nhếch nhác Graffiti nửa mùa
Không phải ngẫu nhiên mà mọi người có cái nhìn thiếu thiện cảm với Graffiti (vẽ bằng sơn xịt lên những nơi có bề mặt phẳng, rộng - PV). Mỗi sáng nếu có dịp đi dọc các con phố khi đèn đường chưa tắt sẽ nhìn thấy hàng loạt bức tường, cửa cuốn của nhiều cửa hàng bị biến thành “giấy” vẽ.
Những hình ảnh nhem nhuốc bởi đủ thứ các loại màu sơn khiến cho các bức tường trở nên bẩn thỉu, xấu xí. Chưa kể nhiều chỗ sơn mới chồng lên sơn cũ, hình vẽ sau đè lên hình vẽ trước càng làm cho cảnh tượng thêm nhếch nhác.
Trên suốt đoạn đường từ ngã tư Đinh Tiên Hoàng và Võ Thị Sáu, hầu hết các cửa sắt của những cửa hàng đều bị bôi bẩn bởi những hình vẽ, màu sơn lem luốc. Chị Nguyễn Thị Hải Anh, chủ cửa hàng thời trang trên đoạn đường này cho biết:
“Cửa hàng tôi mới khai trương chưa tới một tháng mà đã phải thuê thợ chùi bảng quảng cáo và hình vẽ này tới ba lần. Những bảng quảng cáo có số điện thoại tôi còn gọi tới nhắc nhở chứ mấy hình vẽ này thì biết nhắc ai, đành tự bỏ tiền ra xử lý”.
Các con đường lớn như: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi, Trường Chinh, Cộng Hòa... những bức tường nơi đây cũng bị bôi bẩn không kém. Hầu hết những hình vẽ trên các bức tường này đều là những chữ nước ngoài, hoặc hình ảnh, màu sắc lòe loẹt không có ý nghĩa.
Một tín đồ Graffiti cho chúng tôi biết: “Muốn vẽ các hình này chủ yếu là chờ tới đêm khuya hoặc tầm hai, ba giờ sáng. Mang theo một vài bình xịt sơn rồi lượn vòng quanh các khu vực có nhà mới, cửa hàng mới khai trương.
Sau đó, một người làm nhiệm vụ đứng cảnh giới cho những người còn lại vẽ. Trước đây thú vui này do một số bạn trẻ đi du học về du nhập vào trong nước, dần dần thấy thú vị nên nhiều người học theo và tạo thành trào lưu”.
Đặc biệt các con hẻm nhỏ nhưng có tường bao rộng như: Đinh Tiên Hoàng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Hữu Cảnh đều được bôi bẩn bởi nhiều loại sơn khác nhau, khiến những bức tường trong các con hẻm này nhìn rất nhếch nhác, bẩn thỉu.
Anh Trần Minh Khang (Q3) cho biết: “Tổ dân phố đã nhiều lần cử người quét vôi lại các bức tường. Nhưng quét hôm trước thì hôm sau lại đâu vào đấy. Nhìn những bức tường nham nhở, loang lổ vì hình vẽ sau đè lên hình vẽ trước khiến tôi cũng rất bức xúc”.
Sở dĩ nhiều người dị ứng với những hình vẽ Graffiti trên đường phố vì đa phần chúng được vẽ một cách tràn lan, bôi bẩn các con đường chứ không phải ác cảm với loại hình nghệ thuật này.
Anh Trần Trung Hiếu (ngụ Q3) cho biết: “Nhiều khi thấy các em say mê vẽ trên những bức tường của nhiều tòa nhà sắp bị tháo dỡ, tôi thấy rất đáng tiếc. Nếu có một sân chơi dành riêng cho những người đam mê môn vẽ hình đường phố này thì tôi nghĩ chẳng còn ai đi vẽ bậy nữa”.
Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ lại tìm hướng phát triển Graffiti theo cách riêng của mình, như đi vẽ thuê cho các quán cà phê, khu vui chơi thiếu nhi... Bạn Huỳnh An Khánh (ngụ Q.Gò vấp) từ một người chuyên bôi bẩn các bức tường, Khánh đã trở thành một họa sĩ chuyên vẽ thuê cho nhiều tiệm cà phê, thậm chí trang trí cho các bức tường của nhiều trường mẫu giáo.
Khánh cho biết: “Trước đây tôi thường theo các bạn đi vẽ khắp nơi trên các bức tường ở Q1, Q3. Nhiều lúc vừa vẽ vừa run vì sợ bảo vệ hay người dân phát hiện, cảm giác lúc nào cũng như người phạm tội. Sau này có một người bạn trong nhóm tìm được mối vẽ trang trí cho một số quán cà phê, nên tôi đi theo vẽ phụ, rồi tự tìm mối riêng cho mình. Bây giờ với thu nhập từ công việc này, tôi có thể tự trang trải cho cuộc sống vừa thỏa mãn niềm đam mê vẽ của mình”.
Cách đây không lâu dự án vẽ Graffiti do hai nghệ sỹ người Pháp tổ chức tại tòa nhà thuộc khu vực giải tỏa gần cầu Thủ Thiêm Q2, và hoạt động vẽ trên tường hẻm của Zero Station tại khu cư xá 288 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q3, đã gây sự chú ý của công chúng TPHCM. Các hoạt động này đã phần nào giúp cho các bạn trẻ có cơ hội để phát huy khả năng của mình, đồng thời cũng giảm bớt việc vẽ bậy lên các bức tường ở những khu vực trung tâm.
Hiện nay ở TPHCM có khá nhiều nhóm vẽ Graffiti như Sắc màu, Style, Nhịp sống trẻ... Bạn Hoàng Minh Khang (trưởng nhóm Style) chia sẻ: “Nhóm mình được thành lập bởi những người có cùng đam mê vẽ Graffiti.
Bọn mình thường chọn các khu nhà sắp đập bỏ để vẽ chứ không bao giờ vẽ bậy lên các bức tường khác. Nếu nơi nào có nhu cầu trang trí bọn mình sẵn sàng vẽ không tính công, miễn sao được thoải mái thể hiện ý tưởng của mình”.
Theo Tường Vi - Nguyễn Huân CA TP.HCM