Em chồng Xuân mới lấy vợ cuối năm vừa rồi. Thảo - em dâu Xuân tuy chỉ là con nhà nông vùng núi. Nhưng ngay khi Thảo mới về nhà ra mắt, thấy vẻ hoạt bát của em dâu mới, Xuân cứ tưởng năm nay sẽ được nhàn hơn mọi năm vì có Thảo về đỡ đần công việc nhà chồng dịp Tết.
Ai ngờ đâu, niềm hân hoan của Xuân đã chóng lụi tàn vì cái sư ẩu đoảng, vụng thối vụng nát lại còn điêu của em dâu.
Quê Thảo ở một bản xa tít thuộc miền núi phía Bắc, cha mẹ họ hàng đều làm nông cả. Riêng Thảo vì học giỏi nhất nhà nên được cha mẹ ưu tiên về Thủ đô học tập nhằm thoát nghèo và có một tương lai rộng mở hơn.
Em rể Xuân và Thảo quen nhau một thời gian thì Thảo có bầu. Gia đình bên chồng Xuân cũng thích đông con nhiều cháu nên không phản đối. Trái lại, bố mẹ chồng Xuân còn tác thành cho đôi trẻ luôn.
Cứ tưởng năm nay sẽ được nhàn hơn mọi năm vì có Thảo về đỡ đần công việc nhà
chồng dịp Tết. Ai ngờ đâu, niềm hân hoan của Xuân đã chóng lụi tàn vì cái sư ẩu đoảng,
vụng thối vụng nát lại còn điêu của em dâu (Ảnh minh họa)
Vì em dâu cũng về thăm gia đình một vài lần nên Xuân cũng phần nào đoán được tính cách của Thảo. Phải nói, Thảo nhanh mồm nhanh miệng nên được mọi người trong nhà chồng Xuân yêu quý.
Nhưng khi tiếp xúc với Thảo, Xuân cảm nhận em dâu không phải là người chăm chỉ như lời em nói: “Cháu là con nhà nông, việc gì cháu cũng chẳng ngại”. Vì khi cả nhà ăn cơm xong, đến phần dọn dẹp Xuân có nhờ em dâu tương lai dọn lại đống bát để Xuân mang đi rửa thì Thảo cứ lờ đi rồi tót lên ghế hóng chuyện với bố mẹ chồng.
Không phải cậy thế “ma” cũ soi xét “ma” mới mà Xuân nghĩ, dù sao Thảo cũng sắp trở thành dâu con trong nhà thì việc bếp núc cùng chị dâu làm một chút có gì là nặng nhọc. Bản thân Xuân về nhà chồng gần 10 năm nay, việc hiếu - hỉ trong nhà một tay Xuân lo hết. Mẹ chồng chỉ phụ hoạ loanh quanh nhưng Xuân thấy cũng thấy có vấn đề gì đâu!
Cho đến cái Tết 2014 này, với sự xuất hiện của em dâu “ba đảm đang” (theo lời quảng cáo của Thảo về bản thân) đã khiến cho mọi việc bếp núc trong nhà Xuân rối tung như canh hẹ. Xuân thì quay như chong chóng đèn cù vì cái sự “đảm” và “điêu”của Thảo.
Mọi năm 27 Tết âm lịch là Xuân được nghỉ Tết. Từ đó công đoạn chuẩn bị Tết bắt đầu. Đầu tiên là dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, sau đó cân đối thu chi để sắm Tết nhà chồng rồi đi Tết nhà ngoại vào 28 âm. Tiếp đó, Xuân lại về nhà chồng chuẩn bị mua sắm đào quất và trang trí nhà cửa, rửa sạch lại chén bát và chuẩn bị cơm nước Tất Niên cho 29. Đến ngày 30 Tết thì làm cơm cúng Giao Thừa.
Mọi việc đã được lập trình sẵn như thế gần 10 năm nay. Nhưng khi Thảo về, mẹ chồng bảo Xuân hướng dẫn em dâu một số việc để em cùng phụ Xuân chuẩn bị Tết.
Nghe lời mẹ và biết em đang có bầu nên Xuân chỉ hướng dẫn Thảo một số việc nhẹ nhàng như: Lau ti vi, trang trí cây đào, cây quất…
Trước mặt mẹ chồng, Thảo dạ vâng đầy nhiệt huyết: “Chị yên tâm, cứ để mọi việc đấy cho em!” khiến Xuân cũng yên tâm tranh thủ thời gian đi uốn lại cái đầu hơn một năm nay chưa “cải thiện” của mình.
Đang ngồi ở tiệm uốn tóc thì mẹ chồng Xuân gọi điện rối rít: “Con đang ở đâu? Về nhà ngay có chuyện” khiến Xuân hộc tốc chạy về nhà với cái đầu còn chưa kịp tháo lô uốn.
Vừa bước chân vào nhà, Xuân thấy mặt mẹ chồng sưng lên như cái bánh bao còn Thảo nằm dài trên sô pha (Xuân đang không hiểu sao em dâu không lên phòng mà lại nằm ườn ngay phòng khách như thế?).
Mẹ chồng thấy cái đầu uốn dở của Xuân thì giọng “tăng áp”: “Cuối năm bận bịu thế này mà con vẫn còn thời gian để đi làm đẹp cơ à? Sao con lại bắt em dâu có bầu làm mấy cái việc nặng nhọc như thế?”.
Mẹ chồng chưa nói hết câu thì em dâu Xuân chen ngang với giọng nói vẻ mệt mỏi: “Không phải tại chị dâu đâu mẹ. Chị bảo làm hết nhưng con ngồi một chỗ không yên nên muốn giúp chị. Ai ngờ cái xô nước nặng quá nên mới trượt chân”.
Nói rồi, Thảo liếc nhìn Xuân vẻ có lỗi: “Ngại quá chị ơi, em vừa xách cái xô nước để lau qua cái ti vi, cái tủ thì bị trượt chân nên giờ phải nằm bẹp thế này. Chị giúp em nha…”.
Sau màn đẩy đưa, giờ Xuân đã hiểu lý do vì sao cô bị mẹ chồng mắng. Hoá ra tại vì Xuân đã bắt em dâu phụ giúp trong khi em mang bầu nên mới bị té? Hoá ra vì em xách cái xô nước không đủ sức nên ngã?
Thế thì còn cái thân Xuân đây, gần mười năm nay xách cái xô ấy, vẫn lau nhà hàng ngày bất kể bầu bí gì có kêu ca bao giờ đâu. Hoá ra Xuân là thân trâu ngựa nên mới khoẻ? Xuân tự thấy xót cho cái phận làm dâu ở nhà chồng.
Chán ngán Xuân không buồn cự cãi, đành để hai người phụ nữ “yếu mềm” ấy ngồi thủ thỉ với nhau ởphòng khách. Xuân lên phòng gội cho nhanh cái đầu để còn tiếp tục xuống bếp làm sự nghiệp ô sin của mình.
Em dâu cô mang bầu mới có hai tháng nhưng hơi tý là xoa bụng vẻ bầu bí mệt nhọc. Thảo còn ngồi chễm chệ ở ghế ăn trong bếp rồi phán: “Em là con nhà nông, không cái gì em không biết làm hết. Mình từ cây lúa đi lên mà chị”. Nhưng đến khi được chị dâu nhờ bóc hộ vài củ tỏi thì Thảo làm bộ muốn nôn oẹ rồi lắc đầu: “Em nghén dữ lắm! Cứ ngửi thấy mùi tỏi là đau đầu” thì Xuân đã hiểu cái sự “chăm làm” của em dâu.
Thôi đành coi như không có em dâu mới, Xuân vẫn cứ làm theo lịch trình như mọi năm cho yên cửa yên nhà. Tưởng vậy mà đâu có xong, hai ngày cuối năm họ hàng. bạn bè đến ăn Tất niên đông hơn mọi năm nên Xuân phải vặn hết công suất ở trong bếp.
Thảo thấy họ hàng đến đông cũng muốn thể hiện tài đảm nên cứ loanh quanh “chỉ đạo” Xuân dưới bếp. Em dâu Xuân liên tục nói: “Món này cho gia vị ấy ngon lắm chị, món kia phải thế kia chứ ạ…” làm Xuân bực mình.
Biết em dâu chỉ chém gió là giỏi nên Xuân bảo Thảo đi luộc gà để cúng Giao thừa. Gần đến Giao thừa, Xuân đã sắp đủ mâm cỗ nên gọi Thảo vớt gà ra thì em dâu và chồng Thảo đã đi sang nhà hàng xóm chơi.
Xuân mở nồi vớt con gà cúng ra. Ôi thôi cái đầu gà nghẹo sang một bên đen thui vì cháy nồi, thịt gà vì “hầm” kĩ quá nên nứt toác ra. Nhìn con gà cúng đến thảm hại.
Phải đến những ngày đã hết Tết, tranh thủ lúc chưa đi làm, Xuân mới có thời gian
ngắm lại cái đầu uốn dở của mình mà muốn khóc. Tự dưng Xuân có cảm giác bị áp bức,
bị thiệt thòi chỉ vì không khéo nói (Ảnh minh họa)
Mẹ chồng xuống xem lễ để dâng lên ban thờ cũng tá hoả vì con gà cúng. Không cần biết ai làm, mẹ chồng đã cáu với Xuân: “Gà thế này thì còn cúng bái cái gì nữa”.
Bực mình Xuân bảo: “Sao cái gì mẹ cũng bảo tại con thế? Gà là do Thảo nó luộc đấy” thì mẹ chồng mới im im. Nhưng bà vẫn làu bàu bảo Xuân là dâu trưởng phải chủ động công việc, em dâu mới về nên còn bỡ ngỡ.
Đến giờ không hiểu có phải vì Thảo nịnh giỏi hay không mà số phận của con gà cúng kinh dị đó không được mẹ chồng nhắc lại để chì chiết dâu mới giống như bà hay làm mỗi khi Xuân mắc lỗi nữa.
Phải đến những ngày đã hết Tết, tranh thủ lúc chưa đi làm, Xuân mới có thời gian ngắm lại cái đầu uốn dở của mình mà muốn khóc. Tự dưng Xuân có cảm giác bị áp bức, bị thiệt thòi chỉ vì không khéo nói, chỉ biết hùng hục làm mà không biết cách “đắc nhân tâm” như em dâu cho nhàn thân…
Theo Pháp Luật Xã Hội