Kể từ khi bắt đầu bắt đầu đi làm, tự kiếm được tiền và tháng này cũng phải loay hoay vật vã với việc cố gắng tiết kiệm, tôi càng trở nên tò mò: Không biết ngày xưa bố mẹ tôi làm sao có thể tiết kiệm tiền mua nhà, nuôi 2 chị em tôi ăn học và còn mua thêm được 4 mảnh đất?
Trong khi đó, tôi không phải nuôi ai ngoài chính thân mình, vậy mà đã gần 10 năm đi làm rồi vẫn chưa đủ tiền mua 1 chiếc ô tô, chứ nói gì tới 4 mảnh đất.
Tôi đã hỏi mẹ làm sao mà bố mẹ có thể làm được tất cả những việc lớn lao đến thế. Và bạn biết không, tôi đã bị mắng cho một trận trước khi được nghe mẹ kể về những bí quyết tiết kiệm mà bà đã làm.
Bạn không cần "ăn mắng" như tôi mà vẫn có thể tham khảo được 7 bí quyết này, nên hãy suy ngẫm chứ đừng vội cho là mẹ tôi quá keo kiệt, bủn xỉn nhé!
Luôn lập kế hoạch mua sắm
Mẹ tôi luôn nói mua sắm giống như một trận chiến, thắng thua phụ thuộc vào việc lập kế hoạch. Trước mỗi lần đi siêu/cửa hàng tạp hóa, trước khi hè qua, thu sang, đông tới,... nói chung là trước khi ra khỏi nhà và "đi tiêu tiền", mẹ tôi đã luôn có sẵn một danh sách trong tay.
"Hôm nay, chỉ cần mua 10 quả trứng và nửa ký rau bắp cải".
"Mùa đông này cần mua 3 cái áo len cho 3 cô con gái".
Mẹ tôi luôn chỉ mua những thứ có tên trong danh sách, bà không bao giờ lượn lờ vô định trong siêu thị hoặc cửa hàng quần áo. Mẹ nói hành động đó thực sự là mối họa với ví tiền của mẹ.
Luôn tìm cách tận dụng đồ cũ
Quần áo cũng có thể dùng làm giẻ lau, chai nhựa có thể tích lại và đem bán đồng nát. Thậm chí, mẹ tôi còn cắt đôi những chiếc... áo lót đã cũ để làm miếng lót nồi nữa đấy! Vậy là đủ hiểu bà quyết tâm tìm cách tận dụng đồ cũ để tiết kiệm như thế nào rồi, đúng không?
Nói không với những dụng cụ "dùng 1 lần"
Ví dụ như cốc, đĩa, bát giấy/nhựa chẳng hạn. Mẹ bảo đó là thứ vô cùng lãng phí, lại còn không thân thiện với môi trường. Hơn nữa, không ai bán lẻ một chiếc cốc giấy, 1 chiếc bát nhựa,... Tất cả những món đồ dùng 1 lần này đều phải mua theo bịch, thường từ 10-20 chiếc/bịch.
"Chỉ cần bỏ chút công sức rửa bát, dọn dẹp là có thể tiết kiệm cả mấy chục Nhân dân tệ rồi" - Mẹ tôi nói.
Đồ còn dùng được nghĩa là đồ còn mới
Nói một cách dễ hiểu hơn, mẹ tôi chỉ tin một món đồ đã hỏng sau khi bà mang nó tới 3 cửa hàng sửa chữa khác nhau và nhận được 3 lời từ chối. Nếu không, bà nhất quyết không bao giờ chịu bỏ nó đi, mua một sản phẩm mới thay thế.
Tuổi thọ chiếc nồi cơm điện của nhà tôi là 32 năm, còn tủ lạnh thì chắc cũng phải hơn 20 năm rồi.
Chú ý tới sức khỏe
Mẹ bảo phòng bệnh hơn chữa bệnh, khỏe mạnh cũng là một cách để tiết kiệm cho gia đình. Nhà tôi có 3 chị em gái nên mẹ đùa: "Nuôi 3 con vịt giời này, lúc bé các cô ốm nhiều hết phần của bố mẹ, làm bố mẹ không dám ốm nữa".
Mẹ nói vậy, nhưng tôi biết bố mẹ tôi khỏe vì nhà tôi không bao giờ ăn lại đồ cũ. Mẹ chẳng bao giờ nấu thừa đồ ăn, mỗi bữa đều là những món ăn nóng hổi, "mới ra lò".
Biến rác thành kho báu
Hàng xóm thường gọi mẹ tôi là "bà ve chai", dù mẹ có công việc khác bởi mẹ tôi cứ nhìn thấy thùng giấy, hộp nhựa hay nói chung là những món đồ tái sử dụng được mà người ta bỏ đi, mẹ đều xin về hết.
Bạn nghĩ mẹ tôi xin về để làm những món đồ thủ công như trên mạng ư? Không đâu, bà xin về để đem bán đồng nát đấy.
Mẹ bảo mọi thứ quanh mình đều có giá trị của nó, vấn đề chỉ là mình có biết cách tận dụng để biến giá trị đó thành tiền của mình hay không mà thôi.
Tích trữ túi ni lông để không phải mua túi đựng rác
"Cả đời tôi chư bao giờ mua túi đựng rác như các chị bây giờ đâu" - Mẹ tôi đã nói như vậy đấy.
Khi đi siêu thị về hay bất cứ khi nào nhìn thấy một chiếc túi nilon đủ lớn, mẹ tôi đều gom lại, nhét ở 1 ngăn trong tủ bếp. Bà dùng những chiếc túi này thay cho túi đựng rác. Mẹ bảo mẹ có thể biến rác thành tiền nhưng rác không bao giờ "có cửa móc được tiền của mẹ".
Hoàng Vũ (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)