Rất nhiều teen 12 và năm nhất đại học tranh thủ dịp nghỉ hè đi làm thêm để kiếm tiền tiêu vặt, cũng là cơ hội cho teen thể hiện sự năng động, thông minh và thích ứng tốt với áp lực công việc. Tuy nhiên, gần hết đợt nghỉ hè, “mùa” part-time sắp chấm dứt cũng là lúc các đồng nghiệp “kể tội” về những tật xấu khi teen đi làm thêm. Thậm chí, nhiều 9X còn để lại ấn tượng khó quên đến… kinh dị!
Hè năm nay, M (sn 1993) được nhận vào một tòa soạn báo điện tử, phụ trách một mục khá quan trọng. Vốn yêu thích nghề báo, từ năm lớp 10 M đã tập viết bài và làm cộng tác viên quen thuộc của tòa soạn. Suốt ba năm cố gắng, sau khi thi đại học, M được anh quản lí (leader) nhận vào làm chính thức với chức danh phụ trách mục.
Khỏi phải nói, cô nàng vui mừng cỡ nào. Lương cao chỉ là một phần, cái chính là bằng tuổi M, ít ai có được vị trí tương đối “cứng” như M. Ngày M nhận chức, mọi người vui vẻ chúc mừng M và mong M sẽ sớm hòa nhập được với cả phòng.
Thế nhưng, mới chỉ hơn một tháng mà M đã trở thành cái tên không ai muốn… nhắc tới, nếu có thì toàn những cái bĩu môi, những câu chuyện “kể tội” M.
Đừng để đồng nghiệp có những ấn tượng xấu về bạn. (Ảnh minh họa). |
Năng lực của cô nàng chưa thấy đâu, đã xuất hiện các "dấu trừ" to tướng về thái độ làm việc. Vừa nhận chức, M đã thể hiện luôn mình là leader, là phụ trách nên cách ăn nói với đồng nghiệp vừa khệnh khạng, vừa phải “trên phân” mới được. Tuổi còn bé, nhưng M cũng không “ngại” mắng mỏ, viết những cái mail bàn công việc mà như ra lệnh cho đồng nghiệp (hơn M đến 5, 6 tuổi). Thậm chí, có chuyện chẳng liên quan đến M mà cô nàng vẫn chịu khó “nhảy” vào nhận xét, chê bai người khác để “nâng” sự giỏi giang của bản thân lên.
Sự tự tin quá mức và “nghĩ mình là to” khiến anh chị đồng nghiệp hơn tuổi phải nhăn mặt khó chịu. Ở văn phòng, M cùng một cộng tác viên nữa buôn chuyện như “súng liên thanh”, bất kể giờ làm hay giờ nghỉ trưa, khiến mọi người xung quanh phát hãi.
Thấy M mới làm chính thức mà đã có nguy cơ gây nhiều “biến”, các leader cũng nhẹ nhàng chỉ bảo cho M. Thế nhưng, cô nàng vẫn bỏ ngoài tai và mức độ “dìm hàng” người khác để “nâng giá” mục mình phụ trách ngày càng "tăng level". Không vừa ý là M cãi leader nhem nhẻm, cô nàng còn định thay đổi cả bộ máy tòa soạn nếu… có thể.
Tài chưa thấy đâu đã lắm tật, tổng biên tập đành bỏ chức quản lý mục và đưa M về vị trí cộng tác viên. Liệu M có hiểu được, phong cách “tính em thế, để em tự nhiên” chỉ phù hợp với cuộc sống tự do, chứ làm việc trong một tập thể mà cứ thích chơi trội thế này, M khó mà khiến người khác thông cảm được.
Nếu như M tự tin quá lố về tài năng, thì P.T (sn 1992) lại tự tin vào nhan sắc đến mức quyết… cưa cả sếp.
Hè đến, T xin làm part-time marketing ở một công ty mỹ phẩm. Dù chỉ làm nửa buổi nhưng T nhanh chóng nổi tiếng khắp công ty nhờ vẻ ngoài xinh đẹp và cách ăn mặc “đỡ không nổi”. Cũng là áo sơ mi, nhưng T thả khuy tận giữa ngực. Váy thì ngắn, hôm nào mặc quần thì phải là loại tregging bó sát khoe chân dài. Các anh con trai cứ gọi là “nổ đom đóm” mỗi khi cô nhân viên xì-tin bước vào thang máy.
Nhưng P.T lại không quan tâm đến mấy anh nhân viên “quèn”. Khi biết sếp tổng vừa trẻ, vừa đẹp trai và tất nhiên là cực kỳ giàu có, T đã quyết tâm… cưa cả sếp.
Ước muốn được làm người yêu của sếp khiến T ăn mặc càng “một mất một còn” hơn, cố lấy vẻ xinh xắn để “đá hình” anh này. Chiều tối, T cố tình ở lại muộn để lượn ra lượn vào phòng anh sếp, hỏi han vài câu làm quà: “Hôm nay anh chưa về à?”, “Lúc nãy em thấy anh ở chỗ này chỗ kia”…, cốt để anh kia chú ý đến cô. T còn tìm số di động rồi nhắn tin làm quen, cô nàng cũng không ngại nêu hẳn tên với sếp bởi nghĩ đơn giản “xinh như mình, kiểu gì chả cưa đổ”!
Việc T mới đi làm mà đã đòi... cưa cả sếp không qua được mắt các chị nhân viên. Đi tới đâu, T cũng bị chỉ trích: “Ui giời, loại này chỉ giỏi mồi chài chứ làm được cái gì”. Bị mang tiếng xấu, T còn bị anh sếp… lờ lớ lơ, không thèm đáp lại mấy bài “văn vở” cưa cẩm, bởi xung quanh anh này chẳng thiếu phụ nữ, ai dại gì dây đến nhân viên mới còn đang đi học như T.
Môi trường công việc dù sao cũng khác hẳn những gì teen thường tưởng tượng ngoài đời. Ở đó, không có chỗ cho thói tự tin quá mức, ảo tưởng và thể hiện không biết điều. Giá như teen nào bước chân đi làm part-time cũng hiểu được điều đó, thì có lẽ các nhà tuyển dụng sẽ bớt e dè mỗi khi chiêu mộ đội ngũ nhân viên tuổi teen.
Pháp luật xã hội