Ngành chip bán dẫn hay còn gọi là ngành công nghệ bán dẫn, là một lĩnh vực trong công nghiệp chuyên sản xuất và phát triển các thành phần điện tử dựa trên tinh thể bán dẫn (semiconductor) - loại vật liệu có thể điều khiển dòng điện. Đây là một trong những ngành công nghiệp quan trọng và phát triển nhanh nhất trên toàn cầu, từ điện thoại thông minh dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) cho đến việc áp dụng Internet vạn vật (IoT), 5G hoặc lĩnh vực ô tô…
Ngành công nghệ bán dẫn bao gồm các lĩnh vực chính sau:
Thiết kế vi mạch: Lập kế hoạch và tạo ra các vi mạch với kích thước và chức năng cụ thể.
Sản xuất bán dẫn: Chế tạo các vi mạch trên tấm bán dẫn bằng các quy trình tiên tiến như in thạch bản và khắc ion.
Kiểm thử bảo đảm: Đảm bảo chất lượng và hiệu suất của các sản phẩm bán dẫn trước khi xuất xưởng.
Đóng gói bán dẫn: Bảo vệ các vi mạch khỏi tác động môi trường và hỗ trợ kết nối với các thiết bị khác.
Vi mạch bán dẫn là ngành học hot được nhiều trường bổ sung trong danh sách các ngành tuyển sinh năm 2024
Ngành công nghệ bán dẫn cực khát nhân lực tại Việt Nam
Việt Nam nằm ở trung tâm Đông Nam Á, sở hữu vị trí chiến lược trong chuỗi vận chuyển cung ứng toàn cầu và là địa điểm lý tưởng cho các nhà sản xuất muốn gia nhập thị trường bán dẫn đang phát triển nhanh trong khu vực. Đặc biệt, Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về trữ lượng đất hiếm (khoảng 22 triệu tấn), một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn. Chính vì vậy, ngành công nghệ bán dẫn rất có tương lai ở thị trường Việt Nam (thị trường vi mạch bán dẫn được phỏng đoán có giá trị lên đến 600 ngàn tỷ đô).
Tuy nhiên, theo các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, hiện nay Việt Nam chỉ cung cấp được 20% nhu cầu nhân lực. Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam cần 50.000 kỹ sư tham gia vào ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trong đó số lượng kỹ sư về thiết kế vi mạch cần thêm 12.000-15.000 kỹ sư.
Lý do dẫn đến sự thiếu hụt lao động ngành bán dẫn là bởi để làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn, hầu hết các vị trí đòi hỏi trình độ học vấn cao. Nên thực tế, nguồn nhân sự chất lượng cao trong ngành bán dẫn của Việt Nam hiện chỉ có khoảng 5.000 người. Bởi sự khan hiếm nhân lực của thị trường, nên lao động ngành bán dẫn sở hữu mức lương "khủng". Nhân lực thiết kế vi mạch mới ra trường có thu nhập sau thuế mỗi năm gần 220 triệu đồng, với những người có kinh nghiệm lâu năm lên đến 1,5 tỷ đồng.
Kỹ sư ngành vi mạch có thu nhập "khủng"
Ở TP.HCM, sinh viên học năm 3 đã có thể đi làm, phần lớn tập trung vào mảng thiết kế vật lý, kiểm tra thiết kế và một số mảng khác với mức lương hấp dẫn. Kỹ sư có từ 1 - 3 năm kinh nghiệm, thu nhập từ 20 - 30 triệu/tháng, tương đương ngành công nghệ thông tin (IT). Nếu theo nghề 5 - 10 năm, lương kỹ sư ngành này cao gấp 1,5 lần IT, có thể lên tới 2.500 - 3.000 USD/tháng, còn hơn 10 năm kinh nghiệm thì thu nhập không dưới 1,5 tỷ đồng/năm…
Một số trường đại học lớn triển khai đào tạo từ nhiều năm nay và nội dung về thiết kế vi mạch bán dẫn đã nằm trong các ngành gần như điện tử - viễn thông, kỹ thuật máy tính, vật lý kỹ thuật... Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể trở thành kỹ sư phần mềm bán dẫn, kỹ sư thiết kế điện tử, kỹ sư sản xuất, kỹ sư kiểm tra và chất lượng, kỹ sư phân tích và mô phỏng, kỹ sư nghiên cứu và phát triển… và đầu quân về các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
Theo tiến trình đào tạo, trong 3 năm đầu, sinh viên được trang bị các khối kiến thức về Toán học và khoa học cơ bản, Điện tử - Viễn thông như: Toán, Vật lý, Lập trình, Mạch điện tử, Cấu trúc máy tính, Xử lý tín hiệu và thông tin. Từ năm thứ tư, sinh viên bước vào chuyên ngành thiết kế vi mạch. Các bạn sinh viên được học về Hệ thống nhúng và thiết kế giao tiếp nhúng, Cơ sở công nghệ vi điện tử, Thiết kế mạch tích hợp cỡ lớn VLSI, Thiết kế IC tương tự (Analog IC Design), Kiểm chứng và kiểm tra vi mạch (IC Verification and Testing)... Với những ngành khoa học như trên, đây sẽ là ngành nghề phù hợp với những bạn trẻ yêu khoa học, học giỏi các môn tự nhiên, logic học, hoặc các bạn có thiên hướng về tính toán, vật lý, hoá học.
Năm 2024, nhiều trường mở đào tạo ngành công nghệ bán dẫn
Cơ hội việc làm rộng mở, nhiều trường đào tạo
Sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ bán dẫn có thể định hướng theo những nghề nghiệp sau:
+ Kỹ sư thiết kế điện tử: Trong vai trò này, bạn sẽ phát triển và thiết kế các vi mạch tích hợp, vi mạch analog, vi mạch kỹ thuật số và các linh kiện điện tử khác. Công việc của bạn là đảm bảo rằng các sản phẩm điện tử hoạt động hiệu quả và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật.
+ Kỹ sư sản xuất: Trở thành kỹ sư sản xuất đồng nghĩa với việc quản lý quy trình sản xuất và kiểm tra linh kiện điện tử. Bạn sẽ đảm bảo rằng sản phẩm được sản xuất đúng cách và đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng.
+ Kỹ sư kiểm tra và chất lượng: Trong vai trò này, bạn sẽ thực hiện các kiểm tra để đảm bảo rằng sản phẩm điện tử đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và không có lỗi sản xuất.
+ Kỹ sư phân tích và mô phỏng: Sử dụng các công cụ mô phỏng và phân tích để nghiên cứu và cải tiến các linh kiện và quy trình sản xuất.
+ Kỹ sư nghiên cứu và phát triển: Tham gia vào việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ và sản phẩm mới trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.
Hiện tại, các trường đi đầu về giảng dạy ngành công nghệ bán dẫn phải kể đến: Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM. Ngoài ra, còn một số trường đào tạo ngành bán dẫn, mở thêm ngành trong mùa tuyển sinh 2024 như Truyền thông Việt - Hàn, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, Trường ĐH Phenikaa, Trường ĐH FPT, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Đại Nam...
Để có kiến thức, kinh nghiệm và am hiểu ngành này, bạn cũng có thể đăng ký các tổ chức đào tạo và tổ chức nghề nghiệp chuyên về công nghệ bán dẫn. Các khối ngành đào tạo được ưu tiên là A00, A01, D01, D03… với điểm số dao động từ 18 - 26 điểm, tuỳ từng ngành.
Trong khi đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn cũng đã được các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam quan tâm. Bộ KHCN cũng sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực cho một số doanh nghiệp Việt Nam để tham gia vào chuỗi sản xuất chip, hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo liên quan đến vật liệu bán dẫn, thiết kế chip tại Việt Nam.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)