Trong dòng lịch sử hưng suy của các triều đại Trung Hoa phong kiến, không hiếm có những sự vụ người ngồi trên cao, chễm chệ ở ngôi vị cửu ngũ chí tôn được cả giang sơn bá tánh tôn sùng lại đi làm chuyện trái với luân thường đạo lý.
Nhưng cũng không hiếm những người trong số đó gặp quả báo tai ương: nước mất nhà tan, chết trong đớn đau cô quạnh. Thậm chí họ còn kéo theo người mình thương yêu rơi vào tình cảnh bi thảm.
Âu cũng là lẽ trời, ở đời làm chuyện gì cũng phải tính trước tính sau. Đó có lẽ là nguyên tắc vận hành trường cửu của đạo lý làm người, dù ở thời đại nào đi chăng nữa cũng nên tuân theo.
(Ảnh minh họa)
Và cặp đôi Chu Gia Mẫn - Lý Dục ở thời Nam Đường dưới đây, chính là minh chứng rõ ràng nhất về hậu quả của việc làm trái với đạo làm người mà đến tận ngày nay, thời gian cũng không giúp họ xóa bỏ được tiếng xấu muôn đời, nghìn năm còn đó.
Hậu thế, ai nhắc về cũng không tránh khỏi cảm xúc vừa căm phẫn, vừa thương hại. Cụ thể, câu chuyện được sử sách lưu lại như sau:
Hoàng hậu chết trong phẫn uất vì bị chồng và em ruột phản bội
Lý Dục vốn là Hoàng đế của Nam Đường. Từ sớm ông đã lập chính thê, người này không ai khác chính là Chu Đại Hậu (không rõ tên thật).
Chu Đại Hậu được xem là nữ nhân có cốt cách phi phàm vào thời đó, khó có ai có thể vượt qua nàng để ngồi vào vị trí mẫu nghi thiên hạ, cai quản lục cung.
Đáng tiếc, dù có mỹ nhân khí chất tuyệt trần bên mình nhưng Lý Dục với bản tính tham lam, nên đã sớm có suy nghĩ đi ngược với đạo lý: Ông để ý và đem lòng yêu em vợ của mình - Chu Gia Mẫn.
Về phần Chu Gia Mẫn, dù biết Lý Dục là chồng của chị gái, nhưng nàng vẫn quyết trao con tim của mình cho kẻ tình si.
Và rồi chuyện gì đến cũng đến. Nhân lúc Chu Đại Hậu Hoàng Hậu lâm trọng bệnh, suốt ngày nằm trong cung tịnh dưỡng, cặp đôi Lý Dục - Chu Gia Mẫn đã đến với nhau.
Thậm chí, Hoàng đế Lý Dục còn bạo gan đến mức rước em vợ vào cung để làm thiếp, mặc cho nhiều đại thần đã ra sức can ngăn.
Sau đó ít lâu, Chu Đại Hậu nghe tin em gái mình đã nhập cung để trở thành phi tần của chồng, nàng đâm ra buồn bã, phẫn uất và đi điều tra kỹ lưỡng về mối quan hệ không thuận đạo này.
Chu Đại Hậu liền triệu gọi em gái tới với cớ chị em lâu ngày không gặp, rồi lập tức tra hỏi em gái Gia Mẫn. Nàng hỏi: "Muội đến đây lúc nào?". Lúc này, Chu Gia Mẫn thật thà đáp: "Muội đã đến từ lâu".
(Ảnh minh họa)
Câu trả lời đơn giản, ngô nghê nhưng như hàng ngàn mũi dao làm Chu Đại Hậu đau đớn xé lòng.
Nàng đường đường là một Hoàng hậu, là nữ nhân vạn người ao ước nhưng ván cờ tình ái chốn Hậu cung này, nàng đã thua đứa em gái mà mình thương yêu.
Trong thời gian mình đau ốm, chồng không lo lắng, em gái không hỏi han, hóa ra là hai người ấy đến với nhau. Quá bi phẫn, Chu Đại Hầu quyết từ mặt chồng, từ mặt em ruột. Rồi không lâu sau đó, nàng qua đời.
Quả báo của một cặp đôi trái với luân thường đạo lý: người chết trong đau đớn, người chết trong tủi nhục
Mãn tang Chu Đại Hậu 3 năm, Hoàng đế Lý Dục liền đưa Chu Gia Mẫn lên thay chị gái, ngồi vào vị trí Hoàng hậu, mặc cho biết bao quần thần phản đối vì chuyện này thất đức với tiên Hậu.
Nhưng ý vua là ý trời. Nàng Chu Gia Mẫn lên ngôi mẫu nghi, được sử sách gọi với tên Chu Tiểu Hậu, để phân biệt với chị gái Chu Đại Hậu.
Sau đó, là khoảng thời gian cực kỳ hạnh phúc của cặp đôi Chu Tiểu Hậu - Lý Dục trong thành Kim Lăng.
(Ảnh minh họa)
Nhưng cao xanh có mắt, liền giáng một đòn mạnh để trừng trị cặp đôi vô đạo này. Năm 976, Tống Thái Tổ - Triệu Khuông Dẫn đem quân chinh phạt Nam Đường.
Hoàng đế Lý Dục của Nam Đường lúc này do mải mê bên em vợ mà không quan tâm lắm tới chuyện giữ nước, chống giặc xâm lăng.
Thế là không bao lâu, Triệu Khuông Dẫn đánh tới thành Kim Lăng, buộc Lý Dục phải quy hàng, lập ra nhà Tống. Nước mất, Lý Dục và Chu Gia Mẫn được tha chết.
Song số phận của cặp đôi anh rể - em vợ chưa vội an bài nhẹ nhàng như thế. Đến mùa đông năm 976, Triệu Khuông Dẫn qua đời.
Em trai Triệu Quang Nghĩa kế nghiệp nối ngôi, lấy hiệu Tống Thái Tông. Lúc này, bi kịch mới thật sự kéo đến cặp đôi Lý Dục - Chu Gia Mẫn.
Vốn để ý Chu Gia Mẫn từ lâu, Tống Thái Tông ép Gia Mẫn bỏ chồng vào cung hầu hạ mình. Chu Gia Mẫn biết không thể trái lệnh đành nhắm mắt nghe theo.
Lý Dục trước tình cảnh trắng tay, còn mất cả cô em vợ mình yêu thương nên đâm ra sầu bi.
Ông đã tức cảnh sinh tình mà làm một bài thơ mang tên "Lãng đào sa lệnh" để gửi gắm nỗi sầu muộn của mình. Bài thơ với câu từ bi ai, ngang trái, thương nhớ Chu Gia Mẫn tới tai Tống Thái Tông.
Thái Tông tức giận ra lệnh ban chết cho Lý Dục bằng một ly rượu độc.
Thực chất, ly rượu độc này không hơn không kém là một loại thuốc độc cực mạnh, khiến cho Lý Dục uống xong, tứ chi co giật, đầu gập xuống chân, chết trong đớn đau khốn cùng.
Riêng về Chu Gia Mẫn, không lâu sau đó, nàng cũng qua đời ở tuổi 28 mà không rõ nguyên nhân.
Cái chết của nàng chính thức khép lại trang đời buồn nhưng cũng đầy tội lỗi: dan díu với anh rể, bị chị gái từ mặt, tủi nhục làm thiếp cho kẻ thù, qua đời không một người thân bên cạnh.
Liệu đây có phải là quả báo hay không? Câu hỏi này, xin để hậu thế giải đáp.
Helino