Mới về, Hà đã bị chị dâu “phủ đầu” rằng, vô nhà này, hiền không thể nào sống được. Họ coi dâu con như là người ngoài, xem thường ra mặt. Chuyện lớn chuyện bé gì cũng bàn bạc với nhau, chẳng coi con dâu ra gì đâu. Có tốt với họ thì cũng là gia đình nhà chồng, không bao giờ đối đãi với mình như con cái trong nhà, đừng mơ hão. Hà lặng thinh nghe, chẳng biết phải nói gì. Chút háo hức ban đầu bị dập tắt.
Nếu như ở một gia đình bình dân, các chị em bạn dâu sẵn sàng tụm năm tụm ba, nói xấu nhau, tranh giành từng chút quyền lợi, thì ở những gia đình có dâu trí thức, cuộc chiến lại theo một kiểu khác, ác liệt và sâu cay hơn nhiều. Hà làm bác sĩ, cái nghề mà nhà chồng khá coi trọng. Cũng bởi bố mẹ chồng lớn tuổi, hay đau bệnh nên có phần ưu ái cô dâu ngành y. Mỗi chút mệt mệt là ông bà réo Hà, nên chị em bạn dâu kết luận, Hà chảnh với cả nhà.
Nghe chồng thuật lại “tin hành lang” như thế, Hà vừa buồn cười vừa tức. Hà chưa hề dám có ý nghĩ, chứ đừng nói hành động gì đụng chạm đến ai, mà còn như vậy. Lẽ nào chỉ vì cái lý do trời ơi như vậy mà chị dâu, cả em dâu đến sau đều ghét, dù Hà có tỏ ra nhún nhường thế nào đi nữa. Có lần mẹ chồng nhờ Hà khám bệnh, nghe chị dâu nói nhỏ sau lưng là, bằng thật hay mua đấy, có nhờ thi hộ thi lại hay không vậy, coi chừng chữa người ra ma thì mệt! Hà thật chẳng ngờ một người cũng thuộc hàng trí thức có thể mở miệng nói những câu như vậy.
Thời nay, để lấy lòng cha mẹ chồng và cũng nhằm tỏ rõ mức độ thành đạt, giàu sang, cá tính của mình, nhiều chị em bạn dâu không ngần ngại sắm quà khủng, săn hàng độc, mặt khác lại tìm cách hạ bệ “đối thủ” bằng những lời dè bỉu, nói xấu, chê bai lẫn nhau. Em dâu Hà có cửa hàng buôn bán khá giả, mỗi lần biếu quà bố mẹ chồng toàn là hàng cao cấp. Mẹ chồng “vô tình” mang ra khoe với Hà, để rồi Hà sau đấy phải bấm bụng gom góp mua cái gì đó tàm tạm để mẹ vui lòng. Tính Hà giản dị, không thích hơn thua, nhưng nào có yên. Những lời góp ý nửa đùa nửa thật, rằng cô Hà muốn cả nhà chồng phải noi gương tiết kiệm của mình đó sao, không sợ người ta nhìn vào tưởng phía bên chồng hiếp đáp, bắt con dâu ăn mặc như ô-sin à? Bác sĩ gì mà quê một cục vậy em, phải tút tát lên cho đẹp mặt chồng con nữa chứ! Hà đến mệt mỏi với việc phải cố tạo ra cái vỏ bọc cho xứng tầm với nhà chồng có chút địa vị xã hội. Ngay cả nghề nghiệp của Hà cũng bị mang ra soi, kiểu như: chuyên môn có vấn đề gì không mà sao mãi không giàu lên như bao nhiêu bác sĩ đang hốt bạc khác nhỉ?
May mà vợ chồng Hà ở riêng, chứ nếu không, chắc Hà đến ngộp thở với cái không khí giả tạo, bằng mặt không bằng lòng của các chị em dâu. Nhiều lần Hà trộm nghĩ, họ như những kịch sĩ, bao giờ mình mới có thể nhập vai được như họ? Mỗi lần về nhà cha mẹ chồng xong, vợ chồng Hà lại lục đục. Chồng Hà chê vợ “không biết nhập gia tùy tục, cứ khư khư cách sống cũ, sao được. Mấy năm rồi, mà vẫn chẳng biết nhìn ngó mấy chị em bạn dâu mà học hỏi thay đổi cho phù hợp, anh cũng thất vọng với em đấy!”.
Hễ có dịp là chị em bạn dâu trong nhà tìm cách “chơi” nhau. Nhà có đám giỗ, chị dâu bảo, để chị góp đồ ăn và… ô-sin dọn dẹp, chứ chị không muốn phải vào bếp cho nhọc. Mẹ chồng vì thế khó chịu. Em dâu cười mỉa, bóng gió “xuất thân con nhà nghèo, chẳng qua dựa hơi chồng, vậy mà đã vội tỏ ra tiểu thư, trưởng giả”. Hà nghe xong cũng thấy chạnh lòng, nhớ cảnh nhà mình khó khăn. Các chị em dâu hơn thua nhau từng đồng đóng góp để ông bà trông cháu, đi chợ. Rồi để ý nhau xem ai ăn nhiều xài nhiều, ai nhặt nhạnh quả chanh, trái ớt này nọ. Hà cám cảnh: sao đàn bà với nhau, lại cùng phận dâu, sao cứ phải tị nạnh, soi mói, dòm ngó, hơn thua nhau từng chút?
Giữ kẽ có lẽ là từ phù hợp nhất để chỉ mối quan hệ chị em bạn dâu ở một số gia đình bây giờ. Có khoảng cách gì đó, chẳng gần mà cũng không thật xa, cứ gượng gạo thế nào. Cần thiết lắm thì mới miễn cưỡng mở miệng nói với nhau. Mình nào có nhờ vả cầu cạnh gì ai đâu mà phải xuống nước trước. Đó là suy nghĩ của nhiều cô dâu có học thức, có sự nghiệp, có vị trí xã hội nhất định. Họ không những muốn chứng tỏ mình trong công việc, mà còn muốn thể hiện bản thân ngay cả với gia đình chồng.
Không lớn tiếng cãi cọ, không lời lẽ khó nghe, họ có vẻ lịch sự và nhã nhặn để… thốt ra những lưỡi câu móc nhau. Chỉ tội mấy ông chồng, sau mỗi dịp tụ họp ở nhà cha mẹ là nhức cả đầu, buốt hết tai, vì vợ không ngừng kể tội, chì chiết, nói cạnh nói khóe em dâu, em chồng.
Hết chuyện, mấy bà vợ còn lấy chuyện gia đình nhỏ của nhà chồng ra để tị nạnh. Kiểu như “bà ấy có gì hay mà được chồng lụy như vậy?”. “Mình vất vả muốn chết, đi làm cả ngày, về còn phải lăn vào bếp, có đâu như con em bạn dâu, đúng là số hưởng. Nhìn mặt nó nhơn nhơn thấy mà ghét”. Có hiếm lắm không những suy nghĩ “sâu sắc như cơi đựng trầu” của đàn bà? Rồi thì chị này học thêm được cái bằng hai, nhỏ em được thăng chức, mà nó tài giỏi gì, đúng là sếp nó bị “hâm”…
Trạng thái tâm lý “ta là một, là riêng, là tất cả” theo kiểu tự mua dây buộc mình ấy của không ít phụ nữ khiến không khí gia đình chồng và cả mái ấm riêng của họ bị ảnh hưởng. Họ có thoải mái không, những chị em bạn dâu hăm hở lao vào nhau? Tại sao với người ngoài, mình có thể kết thân, hỗ trợ lẫn nhau, mà chị em bạn dâu trong nhà lại cứ phải hơn thua từng chút? Hà nhiều lần băn khoăn bởi những câu hỏi đó, rồi tự Hà chỉ biết lắc đầu, không sao lý giải được, chắc có khi do “thấy ngứa mắt, vậy thôi”, chứ thâm tâm họ cũng chẳng thù hằn, ghét bỏ gì nhau. Ra ngoài thì “thêm bạn bớt thù”, chẳng lẽ chung một đại gia đình, cứ phải “làm khó” nhau?
Theo Phunuonline.com.vn