Sau khi làm mẹ kế, tôi mới nhận ra điều đó không hề dễ dàng. Tôi cưới anh đã được hơn 10 năm, từ khi về nhà này, hàng xóm láng giềng không ngày nào không bàn tán về tôi. Gia cảnh tôi không được khá giả, chồng cũng có vấn đề về sức khỏe, nhiều người xì xào tôi lấy anh chỉ vì không có lựa chọn nào khác mà thôi.
Vợ chồng tôi ở chung một xã, vợ anh ấy mất từ lâu, anh đã có với vợ trước một cậu con trai gần 18 tuổi. Khi anh hỏi tôi có muốn làm vợ anh không, đầu óc tôi nóng bừng, tôi không nghĩ ngợi quá lâu đã đồng ý. Lúc ấy tôi nghĩ rất đơn giản, sống cùng anh ấy khó khăn thế nào tôi cũng chịu được, và anh cũng như tôi nghĩ, sau khi cưới đã đối xử với tôi rất tốt. Mặc kệ người ngoài nói thế nào, tôi chưa bao giờ hối hận vì đã lấy anh.
Suốt 10 năm làm việc lam lũ để nuôi con riêng của chồng ăn học, cuối cùng tôi vẫn không được con chấp nhận
Điều duy nhất khiến tôi bận lòng là con trai anh. Dù tôi đối xử với thằng bé tốt thế nào, nó vẫn luôn xem tôi như người dưng nước lã. Có những lúc tôi cảm thấy thằng bé không biết phân biệt tốt xấu, mỗi ngày con đi học, tôi đều làm cơm cho con, nhưng nó vẫn sợ người khác biết tôi là mẹ kế của nó. Tôi cũng không muốn khiến con nghĩ ngợi nên đều đặt cơm ở cổng trường để nó tự ra lấy, nhưng điều đó vẫn khiến tôi không khỏi cảm thấy tủi thân.
Hồi thằng bé học gần hết cấp ba đã xảy ra vụ đánh nhau với bạn cùng trường, trường học muốn đuổi học nó. Tôi đã phải quỳ gối trong phòng làm việc của hiệu trưởng để cầu xin và việc này cũng không ai biết. Khi học phí đại học của con không đủ, tôi cắt tóc của mình mang bán, mỗi ngày lên thị trấn rửa bát đĩa, kiếm việc làm thêm. Cả tôi và chồng đều chỉ mong con học thành tài, chồng đến cả bia rượu thuốc lá cũng bỏ hết, ngày đêm làm việc. Hai chúng tôi mở trang trại chăn nuôi, trải qua nhiều năm phấn đấu cũng mua được nhà mới, còn có cả một chiếc xe ô tô, không thể nói là giàu có nhưng cuộc sống đã ổn định và thoải mái hơn nhiều.
Con trai cuối cùng cũng tốt nghiệp đại học, thằng bé không nhờ cậy bố mẹ mà tự mình xin việc. Mỗi lần về nhà thái độ với tôi vẫn rất hờ hững, nhưng tôi vẫn tìm nấu những món thằng bé thích ăn nhất, tự lấy việc con ăn hết những món mình nấu làm niềm vui.
Thời gian cứ như thế trôi qua, đến một ngày thằng bé về nhà nói rằng đang quen một cô gái, nhưng bạn gái không muốn về nông thôn sống, nên nó quyết định ở rể. Tôi không thích việc này, muốn bàn thêm với chồng, nhưng không ngờ chồng ngay lập tức đồng ý. Con trai cũng không buồn nghe tôi nói thêm. Cuối cùng, thằng bé bảo không muốn tôi đến dự hôn lễ, sợ tôi xuất hiện sẽ làm nó mất mặt.
Nghe con nói dứt câu, lòng tôi bất chợt lạnh thấu. Bao nhiêu năm qua tất cả những việc từng làm vì con lần lượt hiện lại trước mắt, tôi không nói thêm được câu nào.
Tuy đã tỏ ý không muốn đến dự lễ cưới, nhưng cuối cùng đến ngày lễ thành hôn, tôi vẫn bắt xe đi theo. Thế nhưng đến nơi, trước mắt tôi không phải đám cưới mà lại là nhà tang lễ. Xung quanh đều là một màu trắng, chồng tôi khóc chết đi sống lại, đến lúc nhìn thấy tôi mới nghẹn ngào lau nước mắt.
Chồng tôi run run kể lại mọi chuyện, đến lúc ấy tôi mới biết rằng con trai đã mắc bệnh hiểm nghèo. Thằng bé đã biết mình không sống được bao lâu nữa. Từ lần trước về nhà mới phát hiện chồng tôi cũng mắc bệnh này, thằng bé đưa chồng tôi đi kiểm tra, may mắn rằng tình trạng chưa trở nặng, vẫn còn có thể điều trị. Thằng bé chỉ nói đã để lại hết số tiền dành dụm cho chồng tôi, mong anh có thể chữa bệnh, cũng mong anh sẽ ở bên chăm sóc tôi lúc về già.
Chồng tôi nói rằng đừng trách thằng bé đã không cho tôi hay mọi chuyện. Nó không biết phải đối diện nói chuyện này với tôi thế nào, có lẽ do đã giữ tình trạng lạnh nhạt quá lâu, cũng không còn nhiều thời gian để bù đắp lại.
Chồng tôi đưa cho tôi mẩu giấy con trai để lại, trên đó là những dòng nắn nót: "Mẹ à, con xin lỗi, con không thể báo đáp những gì mẹ đã làm vì con. Nếu có kiếp sau, con vẫn muốn làm con trai của mẹ".
Minh Tâm (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)