8 tuổi, nó hỏi bà ngoại: “Con là đứa con hoang hả bà?”. Bà ngoại nhìn ánh mắt đăm chiêu của một đứa trẻ mới 8 tuổi mà thấy xót xa: “Không, con có cả một gia đình yêu thương con, con không phải con hoang”. 8 tuổi, nó bị bạn bè gọi là con hoang, là đứa trẻ không có bố. Nó tin vào lời bọn trẻ con hơn tin vào lời bà ngoại, vì thực sự thì nó có biết bố nó là ai đâu. Ngay cả mẹ nó, nó cũng chỉ nhớ đó là một người phụ nữ rất đẹp nhưng bà chẳng bao giờ yêu thương gần gũi nó.
Các bạn nó, mẹ chúng hàng ngày đưa chúng đi học, nấu cơm ngon cho chúng ăn, đêm đêm ôm chúng ngủ, ngày nghỉ lại đưa chúng đi chơi hoặc mua sắm quần áo mới, đồ chơi cho chúng. Nhưng mẹ nó thì chẳng bao giờ làm vậy. Mẹ nó không ở cùng nó, bà ngoại bảo mẹ đi kiếm tiền ở thành phố để nuôi nó. Cả năm mẹ nó về thăm bà ngoại và nó một, hai lần gì đó. Mỗi lần mẹ về, cũng vội vàng ra đi mà không kịp ôm lấy nó một cái, cưng nựng nó một câu. Dường như nó là một đứa con hư nên không được mẹ yêu thương.
13 tuổi, nó hỏi bà ngoại tại sao nó không có bố? Tại sao mẹ đi đâu mãi chẳng về, mỗi lần mẹ về cũng chẳng thèm nhìn nó một cái lại đi ngay? Bà ngoại ôm nó vào lòng, bà thở dài “tội nghiệp cháu tôi”. Câu trả lời của bà chỉ có vậy làm nó thắc mắc mãi không thôi. Ngày nào nó cũng hỏi bà ngoại, cuối cùng bà cũng bảo lớn lên sẽ nói cho nó nghe. Vậy là nó chờ đợi mình lớn lên từng ngày để được giải đáp thắc mắc trong lòng kia. Nhưng bà ngoại chẳng thể chờ nó lớn hơn để nói cho nó biết. 13 tuổi, nó mất bà ngoại. Khi mẹ nó về thì bà ngoại đang hấp hối nằm trên giường.
13 tuổi, nó hỏi bà ngoại tại sao nó không có bố? Tại sao mẹ đi đâu
mãi chẳng về, mỗi lần mẹ về cũng chẳng thèm nhìn nó
một cái lại đi ngay? (ảnh minh họa)
Lần đầu tiên nó thấy mẹ nó khóc, mẹ quỳ bên giường, ôm lấy bà ngoại khóc như một đứa trẻ. Bà ngoại cầm tay mẹ nó, thì thào căn dặn: “Chuyện cũ qua rồi, con hãy đón con bé đi theo, chăm sóc và yêu thương nó …”. Bà ngoại ra đi mà chưa trả lời cho nó biết vì sao nó không có bố, vì sao mẹ đi mãi không về, vì sao mẹ không thương nó như mẹ những đứa trẻ khác,… Bà ngoại ra đi, nó như đứa trẻ lạc đường trong đêm tối. Bà ngoại là bà nó, nhưng cũng giống như mẹ nó.
Bà yêu thương chăm sóc nó từ nhỏ, lớn lên nó chỉ nhận được tình thương của bà ngoại. Giờ bà đi mãi rồi, nó còn nhận được tình thương của ai đây? Có phải nó sẽ trở thành đứa trẻ mồ côi không, có phải người ta sẽ đưa nó đi đến một nơi chỉ toàn những đứa trẻ không có người thân không?
Sau đám tang của bà ngoại, mẹ nó trở lại thành phố mang theo nó. Nó vừa mừng, vừa buồn tủi. Mừng vì cuối cùng nó cũng không bị tống vào trại trẻ mồ côi, buồn vì phải xa bà ngoại, xa căn nhà chật hẹp của hai bà cháu. Mẹ đưa nó đến một căn phòng chật hẹp, mẹ nói từ giờ nó sẽ ở đây. Mãi sau này nó mới biết đó là phòng trọ trong một dãy trọ tồi tàn, bẩn thỉu trong thành phố. Nó mãn nguyện với cuộc sống nơi này. Ít nhất người ta không gọi nó là con hoang.
Cứ buổi tối mẹ nó lại đi làm, đến sáng hôm sau mới trở về trong bộ dạng mệt mỏi. Những lúc ấy nó lại chạy đến mang cho mẹ nó cốc nước mát, mẹ chỉ lạnh lùng cầm lấy mà không liếc tới nó một cái. Mới đầu nó tủi thân lắm. Vì ngày trước nó thường lấy nước mát cho bà ngoại mỗi khi bà đi làm đồng về. Bà thường xoa đầu khen nó là đứa bé ngoan. Vậy mà mẹ chẳng thèm nhìn nó một cái chứ đừng nói là khen. Nhưng nó đâu dám nói ra những lời đó với mẹ, mẹ thật lạnh lùng làm sao. Dần dần nó quen với vẻ mặt lạnh lùng đó của mẹ.
Nó cũng quen với cảnh mỗi tối sợ sệt ở trong căn phòng nhỏ một mình. Hôm nào may mắn thì nửa đêm mẹ về, nồng nặc mùi rượu mùi nước hoa. Mẹ nhìn thấy nó liền chửi là con của thằng khốn nạn, bội bạc. Dường như mẹ là một con người khác, mẹ nói vì nó là cuộc đời mẹ trở nên thê thảm như thế này. Rồi mẹ khóc, mẹ nói lảm nhảm rất nhiều thứ nữa mà nó không thể hiểu được. Chỉ có một điều duy nhất nó hiểu, mẹ căm thù người đàn ông đã sinh ra nó.
Mẹ và nó chuyển nhà. Đến một căn nhà to hơn, sạch sẽ hơn. Đó là nhà của một người đàn ông, mà nó phải gọi là dượng. Người ta nói mẹ nó lấy chồng, một người đàn ông sẵn sàng từ bỏ gia đình vợ con. Người ta gọi mẹ nó là kẻ cướp chồng, là đĩ. Mẹ nó không còn đi làm nữa, bà chỉ ở nhà cơm nước cho dượng nó thôi. Nó cũng được dượng cho đi học, với nó thì dượng có lẽ là người thứ hai thương nó sau bà ngoại. Chẳng biết vì sao mà bạn bè biết nó không phải là con của dượng. Chúng không chơi với nó, chúng nói không thể kết bạn với đứa có mẹ làm đĩ.
Mẹ và nó chuyển nhà. Đến một căn nhà to hơn, sạch sẽ hơn. Đó là nhà
của một người đàn ông, mà nó phải gọi là dượng. (ảnh minh họa)
Trong lớp học, nó gần như bị cô lập hoàn toàn. Chúng bạn nói nó xinh đẹp, lớn lên rồi cũng làm cái nghề như mẹ. Chúng chửi rủa mẹ con nó, đến nước này thì nó không thể nhịn được nữa. Nó xông vào đánh nhau với lũ con gái trong lớp. Kết quả là mẹ nó bị mời đến trường nhận kiểm điểm. Về nhà mẹ đánh nó, mẹ chửi dòng máu hoang tàn đang chảy trong người nó. Mẹ không hỏi nguyên nhân nó đánh nhau vì ai, mẹ chỉ biết trút giận lên đứa con gái là nó mà thôi.
16 tuổi, nó phổng phao xinh đẹp. Ai cũng nói nó xinh giống hệt mẹ, nó rất thích điều đó. Bởi nó rất sợ ai đó nói nó không giống mẹ, lúc ấy mẹ như biến thành con người khác. Mẹ trở nên tàn ác, mẹ uống rượu và trút giận lên người nó. 16 tuổi, nó bắt gặp ánh mắt chăm chăm của dượng. Nó không biết đó là ánh mắt gì nữa, chỉ thấy rất đáng sợ. Mặc dù dượng luôn nhẹ nhàng hiền từ với nó, nhưng không hiểu sao nó run lạnh trước ánh mắt của dượng. Dượng hay mua quà tặng nó, dượng nói con gái lớn thì phải biết làm đẹp. Những lúc ấy nó thấy nét mặt khó hiểu của mẹ, nhưng nó không dám hỏi mẹ vì sao.
16 tuổi, dượng nói thương nó. Một ngày, nó từ trường trở về. Hôm đó nó được nghỉ đột xuất, chẳng biết đi đâu nên lại trở về nhà. Về nhà, nó đứng ngoài cửa nghe thấy dượng và mẹ đang cãi nhau. Chẳng biết dượng nói gì mà mẹ hét lên: “Anh đừng mơ đụng vào con bé”. Tiếng dượng gằn lên: “Cô làm gì được tôi, tôi nuôi không nó bao năm nay, giờ nhận chút công lao có đáng gì. Mà tôi nói thật, cô có yêu thương gì nó đâu, vậy để tôi yêu thương nó thay cô cũng được mà”.
Tiếng mẹ nó rít lên the thé: “Anh là đồ khốn nạn. Anh đụng vào nó xem, tôi sẽ giết chết anh”.
“Đằng nào chẳng giống nhau cả thôi". Ý ông ta nói nó sẽ giống cái nghề của mẹ nó...
Mắt nó nhòa đi, nó không đủ can đảm bước vào nhà để chứng kiến mẹ nó và dượng. Nó đã đủ lớn để hiểu những điều mẹ và dượng vừa nói đến. Nó đã đủ lớn để nhận ra ánh mắt kì lạ của dượng và những món quà kia. Nó thực sự sợ, sợ người đàn ông mà nó vẫn thầm coi là người thân kia.
Đêm đó, lần đầu tiên mẹ ngủ cùng nó, ôm nó. Gần sáng, mẹ gọi nó dậy. Đưa cho nó một gói tiền, mẹ nói nó hãy đi đi, đừng bao giờ trở về ngôi nhà này nữa. Lần đầu tiên nó thấy mẹ khóc vì nó, những giọt nước mắt hiếm hoi của một bà mẹ dành cho con gái mình. Lần đầu tiên nó thấy mẹ gần gũi đến vậy, nó rất quyến luyến giây phút đó, chỉ muốn kéo dài mãi mãi. Nhưng rồi mẹ vẫn đuổi nó đi, mẹ nói không đi nhanh thì cuộc đời nó sẽ giống cuộc đời mẹ, bị lôi xuống bùn không bao giờ gột sạch được.
Vậy là nó trở thành đứa bụi đời khi 16 tuổi. Nó không còn được đi học nữa, nó cũng chẳng biết số tiền mẹ cho nó có thể duy trì cuộc sống đến bao giờ. Nó cần tìm một công việc để tự nuôi thân. Nhưng với đứa con gái chưa học hết cấp 3 như nó, làm gì để có thể kiếm sống được ở cái thành phố này? Thấy nó ngày ngày đi tìm việc, một chị hàng xóm mách cho nó một công việc nhẹ nhàng mà kiếm được nhiều tiền. Chị ta nói chị ta cũng đang làm công việc đó, nó tin và đi theo chị ta. Chị ta trang điểm cho nó, cho nó mượn váy áo và dẫn nó đến một quán bar.
Nó bỡ ngỡ trong tiếng nhạc chát chúa, nó đã muốn bỏ về nhưng chị ta giữ tay nó lại, đưa nó đến gặp người quản lý quán bar. Anh ta nhìn nó từ đầu đến chân, như muốn ăn tươi nuốt sống nó, rồi anh ta gật đầu và dẫn nó đến một căn phòng. Có đến gần chục người đàn ông đang uống rượu trong căn phòng đó, cũng có một vài cô gái trẻ như nó đang rót rượu cho những gã đàn ông này. Công việc của nó giống như các cô gái kia, hầu rượu đàn ông. Nó nhìn thấy những cặp mắt hấp háy sáng rực của một vài gã khi nhìn thấy nó. Thực sự rất kinh tởm, nó muốn vùng ra bỏ chạy khỏi căn phòng đó nhưng có một bàn tay nắm chặt cổ tay nó, kéo nó ngã vào lòng ông ta.
Tiếp theo là những tiếng cười khả ố của lũ đàn ông, tiếng ly thủy tinh chạm vào nhau khô lạnh và có chất lỏng cay xè đắng ngắt đang được đổ vào cổ họng nó. Nó muốn nhổ toẹt ra nhưng không kịp, chất lỏng trông tuột xuống cuống họng, nóng rát. Gã đàn ông ngồi cạnh nó vỗ tay, gã rót thêm một ly nữa và ép nó uống. Lần đầu tiên uống rượu, thứ chất lỏng đắng ngắt đó đánh gục nó. Nó thấy mắt mình hoa đi, không còn nhìn rõ mọi thứ nữa. Sau đó nó gục xuống bàn, không còn biết chuyện gì sắp xảy ra với nó. Đêm đó, nó thực sự trở thành đàn bà với một gã đàn ông xa lạ.
Vậy là cuộc đời làm gái của nó bắt đầu từ đêm đó và những đêm sau đó. Nó trở nên nổi tiếng trong bar bởi sự xinh đẹp, trẻ trung, và cả hơi ngây ngô. Sự nổi tiếng đã cho nó gặp hắn, một kẻ ăn chơi bất cần. Hắn là con nhà giàu nhưng không có một gia đình hạnh phúc. Mẹ hắn mất sớm, cũng tại thói trăng hoa của bố hắn mà ra. Từ khi mẹ mất, hắn trở nên nghỗ nghịch bất cần. Bố hắn không thể nào quản lý được hắn vì trong hắn chỉ có sự thù hằn với bố. Vậy là bố hắn mặc kệ hắn ăn chơi, với ông thì hắn có ăn chơi nữa cũng không hết được gia sản của ông. Vả lại ông làm vậy cũng như một phần hối lỗi, bù đắp cho nỗi đau mất mẹ của hắn. Hắn tìm đến nó như một điều hiển nhiên của một kẻ ăn chơi trác táng.
Sao nó thấy cuộc đời bà và nó giống nhau đến vậy. Ngày xưa, khi ngoại
mất thì mẹ nó cũng chỉ kịp về nhìn mặt lần cuối. (ảnh minh họa)
Cái trò bóc bánh trả tiền hay tình một đêm đối với hắn như nhu cầu hàng ngày. Hắn có một quy tắc là không bao giờ cặp kè với một cô gái nào quá 2 đêm, thế nhưng chẳng hiểu sao, hắn lại cảm thấy lưu luyến một đứa con gái như nó. Có lẽ vì cái ánh mắt quá u buồn kia chăng, hay vì vẻ bất cần của nó? Hắn thấy nó cũng giống hắn biết bao, cô đơn, bất cần. Tự nhiên hắn muốn giữ con đĩ này cho riêng mình, bất giác hắn sợ khi nghĩ một thằng đàn ông khác cũng sẽ nhận ra ánh mắt u buồn của nó. Hắn muốn nó nhìn một mình hắn với ánh mắt đó thôi. Vậy là hắn đề nghị nó về nhà hắn sống.
17 tuổi, nó về nhà hắn, cảm giác như mình đang đi lại con đường của mẹ. Mẹ nó cũng làm gái, cũng gặp một người đàn ông kia và về sống cùng ông ta. Giờ nó cũng vậy, nhưng nó không biết cuộc đời nó có như mẹ không. Nhớ đến mẹ, nó đi tìm bà. Tự nhiên nó muốn gặp bà, nó không muốn bà ở trong ngôi nhà đó nữa, nó muốn lo lắng cho bà. Nó quay về ngôi nhà kia tìm mẹ, nhưng bà không còn ở đó. Người hàng xóm nói bà bị người đàn ông kia đuổi ra khỏi nhà sau khi bà bị ốm, nghe đâu bà đang nằm trong viện, cũng chẳng biết còn sống hay đã chết. Nó vội vàng tìm đến bệnh viện, khi nó đến thì bà đang trong tình trạng hấp hối.
Sao nó thấy cuộc đời bà và nó giống nhau đến vậy. Ngày xưa, khi ngoại mất thì mẹ nó cũng chỉ kịp về nhìn mặt lần cuối. Giờ đến lượt nó, nó sắp mất mẹ mãi mãi như trước kia mẹ mất ngoại. Nó chạy lại bên giường mẹ, từng giọt nước mắt cứ thế tuôn ra rơi xuống bàn tay lạnh ngắt của mẹ. Mẹ nó mở mắt ra nhìn nó, bà không kìm nổi những giọt nước mắt. Lần thứ hai bà khóc với nó. Mẹ cố thì thào kể cho nó nghe về cuộc đời bà, về người đàn ông là bố nó: “Người đàn ông ấy là mối tình đầu của mẹ, khi mẹ lên thành phố làm công nhân đã gặp ông ta. Ông ta ngon ngọt với mẹ, và mẹ về sống với ông ta như vợ chồng. Rồi mẹ có thai, ông ta cứ lần lữa mãi không cưới.
Đến lúc cái thai được hơn 4 tháng cũng là lúc ông ta bỏ mẹ đi lấy vợ. Mẹ đau đớn uất hận, nhưng mẹ không thể bỏ cái thai đi được nữa vì nó quá to. Vậy là mẹ sinh ra con. Mẹ muốn mang con đi cho, nhưng lúc ấy bà ngoại không đồng ý. Bà nói sẽ nuôi con, bà tội nghiệp con, đứa trẻ bị bố bỏ rơi, mà mẹ cũng không cần. Vậy là bà đưa con về quê, nuôi bộ con từ khi lọt lòng. Mẹ ở lại thành phố để kiếm tiền gửi về quê nuôi con. Vì không chồng mà có con nên người ta không cho mẹ làm ở xí nghiệp đó nữa. Vậy là mẹ trở thành gái đứng đường”.
Bà nghỉ một lúc, thở hắt ra rồi kể tiếp: “Cả năm mẹ mới trở về thăm bà ngoại và con một lần, vì mẹ rất sợ nhìn thấy con. Mẹ rất muốn ôm con vào lòng mà hít hà cưng nựng, yêu thương nhưng mỗi khi nhìn thấy ánh mắt con, giống hệt ánh mắt ông ấy là mẹ lại không chịu được. Mẹ như phát điên lên, mẹ căm hận ánh mắt đó, nên có những lúc mẹ cũng tưởng con là ông ta mà căm hận con. Mẹ đã có tội với con rất nhiều, mẹ ân hận lắm. Mẹ … mẹ chỉ xin con sau này dù thế nào cũng đừng bước vào con đường của mẹ, nếu không có chết mẹ cũng không thể nhắm được mắt”. Nó chỉ biết khóc khi nghe những lời cuối cùng của mẹ. Nó đâu dám nói cho mẹ biết, nó cũng đã bước chân vào con đường đó rồi, không biết có thể rút ra được hay không.
17 tuổi, nó mất mẹ. Sau đám tang của mẹ, nó quay lại ngôi nhà của hắn. Hắn như điên loạn khi nó bỏ đi mấy ngày. Mắt hắn đỏ vằn lên khi nhìn thấy nó trở về. Nhìn thấy hắn, tự nhiên nó òa khóc nức nở. Mấy ngày qua nó cô độc bên cạnh mẹ, giờ thấy hắn nó giống như người sắp chết đuối vớ được cọc giữa dòng nước mênh mông. Hắn không hiểu có chuyện gì với nó, chỉ thấy mảng vai áo nóng hổi nước mắt nó. Cuối cùng nó cũng từ từ kể cho hắn nghe về mẹ, cuộc đời người đàn bà khốn khổ đã sinh ra nó. Hắn nhìn nó với ánh mắt đăm chiêu, quả thực hắn không nghĩ nó đi tìm mẹ. Hắn cứ nghĩ nó nhớ nghề, lại trở về nghề cũ. Thực sự đến lúc này hắn mới nhận ra cảm giác của mình là gì, hắn yêu nó mất rồi, yêu một đứa con gái là gái.
Những ngày sống bên hắn là những ngày ngọt ngào nhất với nó. Nó có được tình yêu thương, sự che chở của một người đàn ông. Nó nghĩ rằng cuộc đời mình đã may mắn hơn mẹ, nó nghĩ mình sẽ hạnh phúc từ đây. Thế nhưng, cuộc đời không ai lường trước được điều gì. Những ngày hạnh phúc của nó chóng vánh qua đi khi nó phát hiện hắn nghiện ma túy. Hắn nghiện thứ thuốc chết người ấy trước khi gặp nó. Từ khi biết mình yêu nó, hắn đã quyết tâm từ bỏ ma túy. Thế nhưng cai nghiện đâu phải chuyện dễ. Nhìn hắn vật vã tự xích chân mình vào thành giường mà nó không chịu nổi. Nó đau đớn khi thấy những vết trầy trên chân tay hắn thướm máu, nó đau đớn khi thấy ánh mắt dại đi của hắn khi lên cơn.
Nó không dám nhìn tiếp, nó chỉ biết ôm mặt ngồi một góc phòng khóc, khóc cho đến khi hắn thôi vật vã. Cứ như thế hắn tự cai nghiện ở nhà được hơn một tuần nhưng chẳng ăn thua. Hắn hốc hác hẳn đi, mắt thâm cuồng lại. Nó khuyên hắn vào trại cai nghiện. Nó hứa sẽ ở nhà chờ hắn về. Vậy là hắn đi cai nghiện. Trước khi đi, hắn trao cho nó một chiếc nhẫn đeo vào ngón áp út: “Chờ anh nhé, anh hứa khi trở về sẽ hoàn toàn khỏe mạnh và cho em một đám cưới, em sẽ là cô dâu đẹp nhất và hạnh phúc nhất”. Nó rưng rưng mắt, gật đầu thật mạnh: “Vâng, em nhất định sẽ chờ anh ở nhà. Chúng ta nhất định sẽ không bao giờ rời xa nhau nữa, chỉ xa nhau lần này thôi anh ạ”.
Vậy là nó chờ hắn ở nhà. Thỉnh thoảng nó vẫn vào thăm hắn, nó thấy sắc mặt hắn hồng hào trở lại. Một tháng, rồi hai tháng trôi qua. Vậy là nó xa hắn đã hai tháng rồi, có thể hắn sắp trở về. Nó nhẩm tính từng ngày một, nó mong ngày hắn trở về, mong một cuộc sống hạnh phúc về sau. Nhưng hắn chẳng trở về. Hắn bị bệnh trong trại cai nghiện và bỏ nó đi mãi mãi. Cái cọc duy nhất nó vớ được giữa dòng nước bao la cũng đã trôi tuột khỏi tay nó. Nó chới với giữa khoảng trống hụt hẫng. Nó đau khổ vật vã nhớ đến hắn và lời thề hẹn sẽ mãi mãi ở bên nhau.
Nó ra thăm mộ mẹ lần cuối cùng. Nó khẽ vuốt ve lên bia mộ, hình dung ra nụ cười của mẹ. Hình như nó chưa bao giờ thấy mẹ cười với nó, không biết lúc mẹ cười như thế nào nhỉ. Chắc hẳn rất đẹp. Bình thường mẹ nó đã rất đẹp rồi, khi bà cười hẳn rực rỡ lắm. Nó mỉm cười với ngôi mộ, giống như đang cười với mẹ mình: “Mẹ ơi, mẹ gặp bà ngoại rồi có vui không ạ? Con rất nhớ bà và mẹ. Mẹ ơi, mẹ đã từng dặn con đừng bước vào con đường mẹ đã đi. Nhưng lúc đó con không dám thừa nhận rằng thực ra con đã bước vào vũng lầy đó rồi. Con xin lỗi mẹ. Giờ thì con đã thoát ra khỏi vũng bùn lầy đó rồi, con gặp được một người đàn ông tốt mẹ ạ. Giờ con muốn đi tìm anh ấy, mẹ cho phép con nhé, nếu không con sẽ rất cô độc ở trên đời này mẹ ạ!”.
18 tuổi, nó trang điểm lộng lẫy giống như một cô dâu, mặc váy cưới trắng muốt, nằm trên chiếc giường trải đầy hoa hồng. 18 tuổi, nó mỉm cười mãn nguyện đi về nơi có hắn, người đàn ông nó hứa sẽ mãi mãi ở bên nhau. 18 tuổi, nó kết thúc cuộc đời đầy đau khổ và nước mắt này bởi nó tin, hắn và mẹ, và cả bà ngoại đang chờ đợi nó ở một thế giới khác. Thế giới tràn đầy yêu thương và hạnh phúc!
khampha.vn