Vợ chồng em khó khăn là vậy mà bố mẹ chồng không hiểu cho. Ông bà cứ thích khoe khoang với hàng xóm láng giềng như ta đây nhiều của, có con ở thành phố là oai lắm. Hầu như tháng nào mẹ chồng cũng gọi điện xin tiền vợ chồng em để mua cái này, sắm cái kia, mà toàn những thứ không tên tuổi.
Từ ma chay, hiếu hỉ, đến đám khao thọ hàng xóm cũng gọi em về mừng phong bì chứ không để em chồng em làm. Bà bảo việc này là của trai trưởng, không ai lo thay được. Trong khi bà đang ở chung với vợ chồng chú Út, mà việc gì cũng đến tay vợ chồng em lo. Rồi hàng tháng bọn em vẫn phải gửi ông bà 3 triệu chi tiêu. Thế mà thi thoảng về ăn bữa cơm bà vẫn còn bóng gió: “Người ta sướng vì con, còn mình thì cứ phải xin từng cắc…”.
Câu nói bỏ dở ngang chừng cùng tiếng thở dài của bà làm vợ chồng em không ăn nổi hết bữa cơm. Biết em suy nghĩ, lúc về chỗ trọ, chồng em lại động viên: “Tính mẹ hay than vãn chứ không có ý gì. Em đừng để bụng”.
Vì chồng em cũng chẳng chấp nhặt gì với bà. Cho tới cách đây 3 tháng mẹ em thông báo với các con là sẽ xây lại nhà. Không cần nói em cũng thừa hiểu ý bà muốn các con đóng góp. Vậy là em bàn với chồng rút tiền tiết kiệm đưa thêm ông bà 150 triệu.
(Ảnh minh họa)
Như thế là quá sức lắm rồi, bởi thực tế bọn em cũng làm gì có tiền, đến nhà còn chưa mua nổi. Thế mà lúc chúng em mang tiền đưa mẹ chồng, mặt bà lạnh tanh:
- Tôi đang tính xây nhà to nhất cái xã này, số này anh chị đưa chả đủ mua gạch. Xem vay mượn ở đâu thì vay mà góp vào đây.
Bố chồng em còn tiếp thêm: “Nuôi con khó nhọc bao năm chỉ mong nhờ vả những lúc này, lo mà báo hiếu lại cho phải đạo con ạ”.
Ôi trời, nghe ông bà nói em thấy sốc luôn. Không nhịn nổi, em liền bảo:
- Để có được từng này tiền cho bố mẹ chúng con cũng cố lắm rồi. Bố mẹ xem, đến nhà cửa tụi con đã có đâu, vẫn đi thuê trọ. Nếu mẹ không cần thì con xin được mang về để gửi tích cóp thêm còn mua nhà.
Nói xong em cầm tiền về luôn. Mẹ chồng em cứ ớ người nhìn theo, mà em kệ. Với lại được cái chồng em đồng tình với cách làm của em nên em chẳng ngại.
M.C (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)