Cha mẹ Minh Minh mặc dù đã có rất nhiều mâu thuẫn, muốn ly hôn nhưng không muốn ảnh hưởng tới con, cả hai quyết định “giả vờ” hòa thuận để duy trì sự hòa bình bề ngoài. Họ cho rằng chỉ cần không gây ồn ào thì con cái sẽ cho rằng mọi việc vẫn ổn. Nhưng một ngày nọ, Minh Minh đột nhiên nói với họ: "Cha mẹ không nói quá với nhau 6 câu một ngày, cuộc trò chuyện dài nhất không quá 8 giây, con đã kiểm chứng”.
Cha mẹ Minh Minh tỏ ra vô cùng ngạc nhiên, cậu bé nói tiếp: "Điều mẹ hay nói với bố nhất là: “Có chuyện gì vậy?”, Bố trả lời: “Không có gì”, rồi mọi chuyện sẽ kết thúc. Cha mẹ có thể dừng chiến tranh lạnh như vậy được không?”.
Cha mẹ có thể giả vờ rất tốt, nhưng những lời nói, cử chỉ, vẻ mặt, thái độ vô tình của họ đều bị con cái nhìn thấy, cảm giác thờ ơ từ lâu đã khắc sâu trong lòng. Thường thì những đứa trẻ có can đảm đối mặt với vấn đề, thậm chí nhìn ra sự thật sớm hơn cha mẹ chúng.
Khi các cặp đôi gặp vấn đề, không ai sẵn sàng là người đầu tiên đứng lên để giải tỏa những khúc mắc của cả hai người, nhưng trẻ em thường có thể nhìn nhận ra vấn đề, đặt câu hỏi một cách trực tiếp và thẳng thắn hơn.
Cậu con trai tiếp tục chỉ lên bức ảnh chụp cha mẹ từng rất hạnh phúc nói: “Bố mẹ trước đây từng rất hạnh phúc, yêu thương nhau, tại sao bây giờ lại thờ ơ với nhau như vậy?”.
Lúc này, cả cha và mẹ cậu bé chỉ biết bật khóc, họ tưởng mình đã “đóng giả” rất khéo và cố gắng hết sức để tạo không khí gia đình đầm ấm, hạnh phúc nhưng một lời nói của cậu bé đã khiến cả hai sững sờ.
Thành thật đối mặt với cảm xúc của mình không chỉ cần thiết để duy trì một cuộc hôn nhân bình thường mà còn cần thiết để duy trì mối quan hệ cha mẹ và con cái.
Một học sinh cấp 2 “phàn nàn” với cô giáo về mẹ của mình: “Từ khi có chồng mới, mẹ em trở nên “ngốc nghếch”. Nấu cơm quên cắm điện, trời mưa còn quên cất quần áo, thậm chí còn nhõng nhẽo đòi chồng mình gọt trái cây cho ăn. Em biết, mẹ em cư xử như một đứa trẻ, nhưng em lại thấy mẹ vui vẻ, em thực sự mừng cho mẹ”.
Qua đây là một bậc cha mẹ, chúng ta nên hiểu rằng hạnh phúc gia đình thực sự xuất phát chính từ những cá nhân trong gia đình. Dù gia đình tan vỡ, cha mẹ tái hôn nhưng nếu gia đình mới này tràn đầy sức sống, tiếng cười, sự ấm áp, vui vẻ thì sẽ tốt hơn gia đình dù đủ cha mẹ ruột nhưng không khí gia đình lại luôn lạnh nhạt, thờ ơ và đau thương.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)