Câu trả lời là: Nuôi dạy con gái không phụ thuộc vào tiền bạc mà nằm ở tư duy mà cha mẹ truyền đạt.
Sự khác biệt quan trọng: "Tư duy cạnh tranh nam" và "Tư duy cạnh tranh nữ"
Tư duy quyết định cách con gái trưởng thành và tác động đến tương lai của con. Một số gia đình dạy con theo hướng "tư duy cạnh tranh nữ", trong khi những gia đình thành công lại áp dụng "tư duy cạnh tranh nam". Hai tư duy này tạo ra những hiệu ứng hoàn toàn khác biệt.
Cách nuôi dạy con gái có những khác biệt rõ rệt, đặc biệt giữa những gia đình thành công và những gia đình bình thường (Ảnh minh họa)
"Tư duy cạnh tranh nam": Không giới hạn bản thân
Trong xã hội, có không ít định kiến về nữ giới. Khi còn đi học, chúng ta thường nghe thấy những câu như: "Con gái thường học kém các môn khoa học tự nhiên, đó là điều bình thường", "Con gái nên theo học sư phạm để sau này có công việc ổn định", "Con gái cần phải dịu dàng, biết nhường nhịn và cư xử khéo léo"... Trong khi đó, những cậu bé có tinh thần phấn đấu, dám dấn thân và có tham vọng lại được khen ngợi. Nhưng nếu một bé gái có những phẩm chất tương tự, cô bé sẽ bị nhận xét là "quá mạnh mẽ" hoặc "có tham vọng không tốt".
Những suy nghĩ này vô hình chung khiến nhiều bé gái tự giới hạn bản thân, tự nhủ rằng mình không phù hợp với lĩnh vực này hay công việc kia. Đến những quyết định quan trọng của cuộc đời, họ thường chọn con đường an toàn hơn và từ bỏ nhiều cơ hội phát triển.
Ngược lại, các gia đình có tư duy thành công không áp đặt con gái vào những khuôn mẫu giới tính. Họ không sợ con gái mạnh mẽ, không giới hạn sự lựa chọn của con. Thay vào đó, họ tập trung xây dựng năng lực cốt lõi cho con, bao gồm việc nâng cao học vấn, rèn luyện kỹ năng, khuyến khích tư duy phản biện và phát triển khả năng lãnh đạo.
Tôi có hai người họ hàng đều rất khá giả nhưng lại có cách nuôi dạy con gái khác nhau. Một người theo lối truyền thống: cho con học trường sư phạm, tốt nghiệp và trở thành giáo viên tiểu học, sau đó kết hôn với một người đàn ông ổn định. Người còn lại chọn hướng đi khác: con gái được học nghệ thuật, du học Anh, học tiếp cao học ở Mỹ, và giờ đây được các tập đoàn lớn mời gọi.
Trong dịp Tết, khi đến thăm hai gia đình, tôi cảm nhận rõ sự khác biệt trong bầu không khí. Một gia đình chỉ bàn về mâu thuẫn gia đình, mẹ chồng khó tính, chị dâu ngang ngược, chuyện sính lễ của ai được nhiều hơn. Gia đình còn lại thảo luận về tương lai của các tập đoàn lớn, cách xây dựng sự nghiệp, mở rộng mối quan hệ và phát triển bản thân.
Điều này chứng tỏ rằng tư duy nuôi dạy quan trọng hơn vật chất. Nếu chỉ dạy con tập trung vào những chuyện vụn vặt trong gia đình, con gái sẽ mãi quanh quẩn trong thế giới nhỏ bé. Ngược lại, những bậc cha mẹ có tầm nhìn xa không phân biệt giới tính khi nuôi dạy con. Họ không đặt ra giới hạn kiểu "con là con gái thì nên như thế này" mà dạy con có quyền lựa chọn tương lai của mình.
"Tư duy cạnh tranh nữ": Hôn nhân không phải là sự phụ thuộc
Một điều đáng suy ngẫm trong các cuộc trò chuyện những dịp Tết ở các gia đình là vấn đề sính lễ. Một người họ hàng khoe rằng con gái nhà khác kết hôn và sính lễ chỉ được 20 triệu đồng, trong khi gia đình bà nhận đến 100 triệu đồng. Bà ấy thậm chí còn nói đầy tự hào: "Tôi không trả lại sính lễ đâu, sao tôi có thể để con gái tôi bị nhà chồng lấy về miễn phí như vậy?".
Điều này khiến tôi nhớ đến một câu nói đầy châm biếm: "Có những gia đình không nuôi con gái mà là nuôi con dâu cho nhà người khác". Những gia đình này tin rằng con gái cuối cùng cũng phải kết hôn, và giáo dục con theo kiểu "làm thế nào để lấy được người chồng tốt". Họ dạy con trở thành người vợ hiền, mẹ đảm, thay vì phát triển bản thân để có cuộc sống độc lập.
Tuy nhiên, cách dạy này lại khiến con gái trở thành người bị động trong hôn nhân. Họ dễ cảm động trước những cử chỉ nhỏ nhặt như được người yêu mua đồ ăn đêm, nấu nước đường đỏ khi đến kỳ, hay nhắn tin chào buổi sáng, buổi trưa và buổi tối. Họ cho rằng những hành động này đủ chứng minh tình yêu, ngay cả khi đối phương không có công việc ổn định, không có chí tiến thủ hay học vấn thấp.
Nhưng những bậc cha mẹ có tầm nhìn xa không dạy con "làm sao để được chọn", mà dạy con "làm sao để có quyền chọn". Dù là chọn sở thích, ngành học, hay công việc, họ đều đặt câu hỏi: "Lựa chọn này có phục vụ lợi ích của con không?".
Tỷ phú Warren Buffett từng nói với con gái: "Người bạn đời của con nên là một đồng minh trong cuộc sống, chứ không phải một người chỉ biết bưng trà rót nước hay mua đồ ăn đêm cho con".
Khi tìm kiếm bạn đời, con gái cần nhìn vào những giá trị cốt lõi như: Thế giới quan và cách suy nghĩ, chí tiến thủ và khả năng tự lập, năng lực tài chính và sự nghiệp, sự ổn định về cảm xúc, mức độ ưu tiên dành cho gia đình. Bởi vì những yếu tố này không thể có được bằng những hành động tạm thời, mà cần một quá trình rèn luyện, học hỏi và phát triển bản thân.
Tư duy này giúp con gái có tiêu chuẩn cao hơn trong cuộc sống, từ công việc đến tình cảm. Họ không còn là người bị động chờ đợi, mà trở thành người có quyền lựa chọn.
Vậy nên, giáo dục con gái không cần nhiều tiền, mà cần tư duy đúng. Khi bạn trao cho con tư duy đúng, con chắc chắn sẽ có một tương lai tốt đẹp.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)