Tùng – chồng tôi - là bộ đội biên phòng. Quê anh ở Lạng Sơn, nhưng đóng quân mãi tận Gia Lai. Do đặc thù nghề nghiệp, anh thường xuyên biền biệt vắng nhà hàng tháng trời. Từ ngày yêu cho tới khi lấy anh, tôi đã làm quen với điều đó và coi đó là số phận của mình.
Tôi chưa bao giờ dằn vặt Tùng về sự vắng mặt của anh trong những đêm trường một mình ôm gối thao thức năm canh, cũng chưa trách cứ, tủi phận nửa lời, bởi sự cảm thông và nhớ thương anh trong tôi lớn hơn hết thảy những giận hờn, than trách đó.
Ngày tôi theo Tùng về làm nàng dâu xứ Lạng, ai cũng tỏ vẻ ngạc nhiên, thảng thốt cho lựa chọn nghịch lý của cô gái mặt hoa da phấn đất thủ đô. Tôi là con gái Hà Nội chính gốc, ngoại hình ưa nhìn, có học thức, làm kế toán trong một ngôi trường cấp 2 có tiếng, lại dám từ bỏ tất cả để theo anh về mảnh đất miền núi xa ngút ngàn, làm kế toán một ngôi trường cấp 1 heo hút mãi tận miền biên viễn.
Ban đầu, bố mẹ tôi phản đối gay gắt lắm. “Chỉ có con là con gái duy nhất, bố mẹ không nỡ nhìn con vất vả”, mẹ khóc ròng cấm cản. Còn bố tôi kiên quyết khước từ những cuộc viếng thăm lặn lội của Tùng từ Lạng Sơn xuôi về Hà Nội. Thậm chí, bố chẳng thèm nhìn mặt Tùng mỗi bận anh tranh thủ ngày phép ghé qua thăm tôi và gia đình. Nhưng, chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào, tình yêu của chúng tôi vì đó không mất đi, trái lại càng mặn nồng, tha thiết.
Ảnh minh họa
29 tuổi, tôi vẫn kiên quyết chờ đợi sự hồi tâm chuyển ý của bố mẹ. Còn Tùng khi đó đã 32, cả hai đều ở độ tuổi không còn trẻ trung gì nữa. 6 năm yêu nhau là 6 năm vượt qua rào cản, ngăn cấm của gia đình và bè bạn, chừng ấy có lẽ đã đủ chứng minh tình yêu tôi và Tùng dành cho nhau vô cùng sâu đậm.
Ngày tôi lên xe hoa, mẹ nắm chặt tay tôi, len lén lau nước mắt: “Sau này sướng khổ một mình con gánh chịu. Mẹ chỉ mong hai chữ bình an đến với con gái mẹ”. Nước mắt nhạt nhòa xen lẫn niềm hạnh phúc, tôi trở thành nàng dâu xứ Lạng.
Tùng là con thứ trong nhà, trên anh còn một anh trai cả tên Tiến. Qua những lời kể của Tùng, tôi biết mối quan hệ của anh em họ vô cùng tốt đẹp. Bố qua đời sớm, một mình anh Tiến chăm chút, nuôi dưỡng mẹ già và em dại. Anh Tiến bỏ học sớm, nhường phần học chữ cho em trai. Từ nhỏ, anh đã lặn lội nay đây mai đó theo những chuyến hàng. Ban đầu, anh nhặt phế phẩm thừa thãi bán lấy tiền phụ giúp mẹ nuôi em.
Đến khi lớn dần, quen với nhịp sống lái thương, Tiến có đường dây buôn bán riêng. Mải làm ăn và chăm lo cho gia đình, ở tuổi xấp xỉ 40, anh Tiến vẫn chưa lập gia đình. Anh bảo với Tùng, chỉ khi nhìn em trai yên bề gia thất, anh mới nghĩ tới hạnh phúc riêng của mình. Trong những lời kể của Tùng, tôi cảm nhận được lòng biết ơn sâu sắc của anh dành cho anh trai. Vị trí của Tiến chẳng khác nào người cha trong lòng của Tùng vậy.
Từ ngày về làm dâu nhà Tùng, anh Tiến chuyển sang ở hẳn cửa hàng buôn bán, nhường nhà cho vợ chồng tôi. Tùng đi vắng thường xuyên nên mỗi khi có chuyện gấp, tôi và mẹ đều cậy nhờ tới anh, ví như đồ điện trong nhà hỏng hóc, dựng lại cái chuồng gà xiêu vẹo chống bão… anh Tiến đều không từ nan. Trò chuyện, tiếp xúc nhiều với Tiến, tôi nhận thấy mình ngày càng có cảm tình với anh. Ở Tiến toát lên vẻ chững chạc, từng trải, trầm tính và rất đỗi sâu sắc ẩn sau bề ngoài xù xì, có vẻ khó gần.
Đợt Tùng về nghỉ phép, vợ chồng tôi bàn tính kế hoạch sinh con đầu lòng. Phần vì cả hai đều không còn trẻ nữa, sợ để lâu lại rơi vào cảnh “cha già con cọc” thì vất vả cho cả nhà. Mẹ chồng tôi cũng mong ngóng có cháu bế lắm rồi, phải tội Tùng biền biệt xa nhà, năm về thăm nhà được đôi ba lần, mà lần nào cũng vội nên chưa thỏa nguyện được mong muốn của mẹ.
Dịp nghỉ phép lần này, anh xin nghỉ gộp hai đợt phép, vợ chồng có nhiều thời gian quây quần bên nhau, nhưng đó cũng là dịp tôi phát hiện ra Tùng có vấn đề về sinh lý. Nghi ngờ tinh trùng của anh không khỏe mạnh, tôi đã lén lấy một ít mẫu và gửi xuống Hà Nội nhờ cô bạn thân làm bác sĩ xét nghiệm, kiểm tra.
Quả đúng như những gì tôi lo sợ, với tình trạng hiện tại, vợ chồng tôi rất khó có con trong 3 năm tiếp theo. Điều trị chứng vô sinh không hề đơn giản, cần thời gian và tâm sức bền bỉ. Tôi không dám nói sự thật này với Tùng, bởi từ xưa tới nay anh luôn tự tin vào sức khỏe được tôi luyện trong môi trường quân ngũ, rồi còn lòng kiêu hãnh của anh đối với bạn bè…
Trong mỗi lần gần gũi với Tùng, tôi đều giả vờ cảm thấy mãn nguyện, thăng hoa song thực chất cảm xúc chỉ được lưng chừng rồi rơi xuống vực thẳm. Thương Tùng, thương tôi, thương cho hoàn cảnh xa xôi của hai vợ chồng, tôi chỉ cắn răng câm nín một mình. Đợt nghỉ phép thấm thoát qua đi, Tùng trở lại đơn vị. Mẹ chồng tôi nhiều lần ý tứ thăm dò, hỏi han tình hình thai sản của tôi có kết quả không. Không muốn làm mẹ thất vọng, tôi gật gù như thể đã có tin vui thực sự.
Một đêm, mải chuẩn bị bài vở, sổ sách, cơn buồn ngủ xui khiến tôi ra giếng múc nước gội đầu cho tỉnh táo. Nỗi nhớ chồng, nỗi tủi thương số phận hẩm hiu của mình khiến không sao ngăn được đôi dòng lệ. Không ngờ tiếng nỉ non của tôi vang lên đúng lúc anh Tiến ghé qua nhà, mang theo cặp dúi mới đi săn được làm quà cho mẹ và em dâu.
Thấy tôi khóc, anh Tiến vừa hỏi han vừa lắng nghe lời giãi bày của tôi. Anh Tiến bảo rằng, anh thương tôi ngay từ khi tôi về làm dâu xứ Lạng, và anh cũng cảm nhận được sự bất thường trong mối quan hệ của tôi và Tùng, nhưng phận làm anh, anh chỉ có thể đứng ngoài lặng lẽ dõi theo. Trong một phút không kiềm chế được lòng mình, anh Tiến đã ôm lấy tôi động viên, vỗ về.
Trong giây phút choáng ngợp ấy, tôi ngỡ anh Tiến là Tùng – chồng tôi - và trao cho anh một nụ hôn cháy bỏng. Mọi việc đột ngột dừng lại khi chiếc gàu nước trên tay tôi rơi xuống nền đất, tôi bối rối bỏ chạy vào phòng. Những ngày sau đó, tôi cố tình tránh mặt anh Tiến. Anh cũng biết điều đó và ít ghé thăm nhà hơn.
Nhưng, có một nỗi nhớ nhung, thấp thỏm cứ nhen nhóm dần trong tâm trí tôi. Thậm chí, có lúc tôi nghĩ rằng nếu Tùng không thể mang tới cho tôi hạnh phúc làm mẹ thì anh Tiến có thể giúp tôi thỏa ước nguyện đó. Dĩ nhiên, chúng tôi chưa bước qua bất cứ ranh giới nào, đó đơn giản chỉ là những suy nghĩ đen tối bùng nổ trong đầu tôi. Nhưng sống trong một gia đình gia giáo, được nuôi dưỡng trong môi trường sư phạm, tôi biết những suy nghĩ đó của mình vô cùng tồi tệ.
Điều khiến tôi đau khổ là những cuộc điện thoại khỏa lấp nỗi nhớ của Tùng không làm tôi thao thức, mong ngóng. Thay vào đó, tôi chờ đợi những lời hỏi han, đôi khi xã giao của một người đàn ông khác. Ê chề hơn, người đó lại chính là anh trai của Tùng. Tôi sợ, một ngày nào đó, tôi không đủ vững vàng để bước qua cám dỗ và ranh giới mỏng manh giữa luân thường đạo lý và nhục cảm đời người.
Theo Hôn Nhân & Pháp Luật