Từ ngày biết Sương mang thai đứa con thứ 3, Nam - chồng cô đã nói thằng thừng: “Lần này mà con gái nữa thì cô cứ tự động mà ký. Tôi không thể chung sống với người không có khả năng sinh con trai nối dõi tông đường”. Nói rồi, Nam đưa tờ đơn ly hôn cho cô, Sương chỉ biết nín lặng, đau lòng nhìn hai đứa con gái nô đùa ngoài sân.
Sương biết Nam là người đàn ông bảo thủ. Anh lại là con trưởng trong nhà nên luôn coi trọng vấn đề sinh con trai. Nhưng khi yêu nhau, Sương không nghĩ mình lại phải đối mặt với vấn đề này trong hôn nhân. Cô chỉ nghĩ con nào cũng là con, chẳng lẽ con của anh, anh lại không thương? Hơn nữa, chính anh cũng từng nói với cô: “Em đừng lo, anh là con trưởng nhưng không đặt nặng vấn đề trai gái đâu. Thời buổi này ai còn quan trọng điều đó chứ!”.
Sương càng có thêm niềm tin hơn khi nghe câu nói của Nam. Cô không còn điều gì phải lo sợ khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Nhưng tất cả lời nói đó chỉ là tấm lòng vị tha giả tạo mà Nam cố che đậy vỏ bọc ích kỉ, định kiến của mình.
Ngày cô mang thai đứa thứ nhất, mặc dù siêu âm con gái nhưng Nam nhất mực tin: “Không sao, chắc chắn là nhầm thôi, lần sau đi siêu âm lại cho chắc”. Chỉ khi đến ngày sinh, bế con trong tay, Nam mới tin con mình là bé gái.
Sương còn nhớ anh chạy vội vã vào xem con, nhưng khi biết là con gái, anh đặt ngay xuống rồi quay đi. Sương ở với mẹ đẻ ở bệnh viện, còn Nam thì đi uống rượu giải sầu.
Nhưng mới là con đầu nên Nam vẫn tỏ ra yêu thương con. Anh cũng chưa đến mức lạnh nhạt hay tỏ thái độ khó chịu với Sương. Có lần, cô nghe anh nói trong điện thoại với gia đình: “Mới đứa đầu thôi mà mẹ, mẹ đừng lo". Nghe anh nói mẹ chồng đừng lo, nhưng cuộc nói chuyện đó trở thành nỗi ám ảnh đối với Sương.
Quá lo sợ nên khi mang thai đứa con thứ 2, cô đã lấy bất cứ lí do gì để có thể hoãn ngày siêu âm. Nhưng rồi cái ngày ấy cũng đến, mặt anh hằm hằm khi nghe bác sĩ siêu âm nói là con gái. Còn cô chỉ biết cúi đầu lặng im. Cô nghe anh mắng nhiếc, chửi bới, nhưng vì lúc siêu âm thai đã quá lớn, nếu phá có thể nguy hiểm đến tính mạng nên chồng cô chấp nhận để cô sinh con.
Tội nghiệp con cô ngay từ khi sinh ra đã bị bố nó ghẻ lạnh, anh thậm chí còn không có mặt ngày cô sinh. Và cả những ngày sau đó, người trong bệnh viện cứ thắc mắc không hiểu cha đứa bé đâu mà chỉ có mình cô với mẹ đẻ.
Quá lo sợ nên khi mang thai đứa con thứ 2, cô đã lấy bất cứ lí do gì
để có thể hoãn ngày siêu âm (Ảnh minh họa).
Ngay cả gia đình chồng cũng vậy, khi mới biết tin cô có thai, ngày nào mẹ anh cũng gọi điện hỏi han, dặn dò đủ thứ. Nhưng từ ngày biết kết quả siêu âm, gia đình anh không một lần liên lạc với cô.
Sương tủi thân khóc lóc khi bụng mang dạ chửa phải đi khám thai một mình, không ai nấu ăn, làm việc nhà phụ giúp. Và những khi con quấy, đạp bụng, cô lại thấy xót xa cho số phận đứa con gái bé nhỏ còn chưa chào đời.
Hai đứa con gái lớn lên trong vòng tay Sương, bất kể chuyện vui gì, chúng cũng chỉ tíu tít kể cho mẹ nghe, chưa một lần nào chúng dám gọi bố trước. Bởi trong suốt quá trình trưởng thành, từ ngày chập chững biết đi cho đến khi bi bô tập nói, chúng chỉ thấy một người bố lạnh nhạt, suốt ngày mắng chửi mẹ và chưa bao giờ ôm con gái vào lòng.
Thương con, Sương chấp nhận cách đối xử của chồng. Cô chỉ muốn sống qua ngày, chăm sóc con, nhìn con lớn lên trong một gia đình có cả bố lẫn mẹ. Nhưng rồi mọi thứ không dừng lại ở đây.
Ngày cô biết tin mình mang thai lần thứ 3, cô chực òa khóc. Dù chưa biết kết quả là thế nào, nhưng cô lo sợ viễn cảnh anh nhìn chăm chú lắng nghe từng lời chuẩn đoán của bác sĩ. Nếu là con gái, cô không biết tương lai mình sẽ ra sao? Và gia đình của anh, hẳn sẽ có dịp gây thêm áp lực cho cô để cô rời bỏ căn nhà này?
Tuy thế, Sương vẫn không ngờ đến thái độ sỗ sàng của chồng lúc nghe tin cô có thai. Không một chút vui mừng hay biểu lộ cảm xúc, Nam cười nhạt rồi vất tờ giấy ly hôn trước mặt cô: “Đây là cơ hội cuối cùng cho cô…”
Cô không thể tin đây là cách một người bố đón nhận tin mình sắp có con. Đứa con trong bụng cô, anh ta cho đó là cơ hội cuối cùng để cô có thể níu kéo gia đình, mà không thèm để ý xem con mình được bao nhiêu tuần tuổi, có khỏe mạnh hay không?
Sương càng sợ hãi hơn khi mẹ chồng nói chuyện với cô. Bà thẳng thừng tuyên bố: “Nếu lần này cô sinh con gái, tôi sẽ tính đến chuyện tìm đứa con dâu khác. Sao cô có thể yếu kém đến mức không sinh được một đứa cháu trai cho chúng tôi chứ?”.
Sương bàng hoàng nhìn ánh mắt ghẻ lạnh, khinh miệt của mẹ chồng. Thậm chí bà còn kể qua một danh sách ngắn những người sẵn sàng làm con dâu bà và có khả năng sinh được con trai hơn hẳn cô.
Đã nhiều lần Sương định ký vào đơn ly hôn trước khi siêu âm, cô muốn thoát khỏi hoàn cảnh đáng thương của mình. Bởi dù có là con trai thì chồng cô cũng chỉ yêu thương cái giới tính của con. Còn với hai đứa con gái đầu lòng, với người sinh ra chúng, anh không hề quan tâm. Nhưng nghĩ đến hai con, nghĩ đến đứa con trong bụng còn chưa biết đến mùi vị của cuộc đời, cô lại không đành lòng.
Bất chợt, cô nhớ đến lời nói của con gái đầu khi kể về một bạn không có cha. Con gái cô nhạy cảm khóc thương cho bạn và cô không muốn những giọt nước mắt ấy lặp lại trong chính cuộc đời của nó.
Còn đứa con trong bụng, cô thấy thương cho con khi phải lớn lên trong bụng mẹ rất yếu ớt. Những áp lực từ chồng và gia đình chồng, cộng thêm việc ăn uống, ngủ nghỉ không đủ do lo lắng đã khiến Sương hai lần kiệt sức phải vào bệnh viện.
Sương không biết ngày mai sẽ ra sao? Nếu cô sinh con gái, khi đi siêu âm về, nó sẽ quyết định đến tương lai của cô và các con cô. Nghĩ đến tờ giấy ly hôn chờ chực sẵn, Sương luôn ước rằng đừng bao giờ đến ngày mai.
Theo Trí Thức Trẻ