Trong các chị em gái, tôi có may mắn lấy được chồng giàu. Vậy là từ một cô thôn nữ vốn chỉ “buôn thúng bán mẹt”, tôi nghiễm nhiên trở thành bà hoàng và gia nhập vào tầng lớp thượng lưu.
Tôi được nhiều người thân và bạn bè săn đón hơn vì sự giàu có đó. Nhưng không mấy ai hiểu nỗi khốn khổ của người phụ nữ bị lệ thuộc kinh tế vào chồng. Và cả nỗi cô đơn khi sống trong ngôi nhà không có bất cứ thứ gì do tay mình làm ra.
Trong đời sống vợ chồng, có một cánh cửa mà tôi chẳng bao giờ có thể chạm vào đó là tài sản gia đình. Tuy rất yêu thương vợ nhưng tôn chỉ của chồng tôi là “đồng tiền phải đi liền khúc ruột”.
Đã là phụ nữ, không ai không muốn làm người nắm “tay hòm chìa khóa” trong gia. Nhưng dù đã có với nhau hai mặt con và hiểu rõ tâm tính nhau, chồng tôi chẳng bao giờ cho tôi cái đặc quyền đó cả.
Kiếm được bao nhiêu tiền, anh cất hết vào ngân hàng. Hàng tháng anh chỉ đưa cho tôi đúng khoản cần chi tiêu trong gia đình. Do đó, nếu có khoản nào phát sinh tôi đều phải ngửa tay xin anh. Làm vợ trong một ngôi nhà chẳng khác gì tòa lâu đài mà ngoài tiền chợ, tiền điện nước, học phí cho con, tôi không có đồng nào dư dả trên thực tế.
Mang tiếng có chồng giàu mà tôi nào có đền đáp được gì cho bố mẹ ruột. Lắm khi muốn về thăm nhà nhưng sợ bắt gặp những đôi mắt mong chờ chút quà gì đó đặc biệt từ họ nên tôi đành cun cút ở nhà.
Xuất thân từ gia đình nghèo khó, hơn ai hết tôi hiểu được tâm lý người thân mình. Tuy không tham vọng gì nhưng họ luôn mong muốn có được chút quà từ con gái. Đôi khi chỉ là chút tiền tiêu vặt hay gói bánh kẹo cũng khiến họ cảm thấy thỏa mãn được niềm hãnh diện có con gái lấy chồng giàu sang.
Tâm sự tỉ tê với chồng, anh nhăn nhó biện minh như vậy sẽ tạo cho bên ngoại thói quen vòi vĩnh. Tôi nghe mà tự ái vì nào có ai đòi hỏi gì. Chẳng là tôi muốn có chút gì đó để báo đáp công ơn cho ba mẹ mình.
Đối xử với bên nhà ngoại là thế mà mỗi lần về nhà nội, ngoài các khoản tiền biếu vài triệu đồng, chồng tôi đều mua nào sâm Hàn Quốc, yến sào Nha Trang cho bố mẹ mình. Tôi nhìn mà tủi thân chảy nước mắt. Giá như anh cũng cho ba mẹ tôi dù chỉ một hai trăm ngàn, các cụ sẽ hạnh phúc lắm.
Sợ uy chồng và biết mình bị lệ thuộc hoàn toàn vào chồng, tôi chưa một lần dám mở miệng tị nạnh so sánh mẹ anh mẹ tôi nhưng trong lòng vẫn ấm ức.
Ba mẹ chồng tôi tốt tính nhưng luôn mặc định nhà tôi cực khổ nên hay xem thường và đối xử với thông gia chẳng khác gì ăn mày. Mỗi lần tôi sang thăm, mẹ chồng tôi thường nhặt nhạnh áo quần nhàu cũ và thực phẩm hết hạn trong nhà để bảo tôi mang về bên ngoại. Bà còn không quên kèm theo câu nói quen thuộc “Gả con cho nhà giàu cũng chỉ mong được thế này đây”.
Người ta nói của cho không bằng cách cho. Cái giọng điệu trịch thượng ban ơn muôn thuở của bố mẹ chồng luôn khiến tôi đắng lòng. Cầm những hộp sữa quá đát, những rau củ quả đông lạnh đang nhầy nhụa trong tay, tôi thương bố mẹ quá.
Nhà tôi tuy nghèo nhưng cũng không đến nỗi tận cùng xã hội. Ba mẹ tôi vẫn được ăn ngon mặc ấm. Các anh chị tôi đều đi làm chăm lo đầy đủ cho con cháu trong nhà. Hơn nữa mỗi chúng tôi đều có lòng tự trọng của mình. Vậy mà vẫn bị nhà chồng khinh rẻ.
Bởi có chồng giàu, tôi trở thành niềm tự hào của các anh chị em. Họ xem tôi như chỗ dựa vững chắc về cả tinh thần lẫn vật chất. Chính điều đó khiến tôi trở nên khốn khổ và đáng ghét.
Trong mỗi dịp đóng góp giỗ của gia đình, vô hình chung mọi người đều hướng về tôi như một mạnh thường quân. Tôi nghĩ đó cũng là một lẽ tự nhiên, bởi nhìn vào áo quần sang trọng, vào căn nhà tôi ở, vào vẻ quý phái của chồng con tôi, không ai có thể nghĩ được rằng tôi chỉ là một kẻ vô sản.
Không dám đòi hỏi gì ở chồng, tôi chỉ có thể tâm sự rất thật rằng tôi không có nhiều tiền để đóng góp như chị em vẫn nghĩ. Nhưng đau đớn thay, chẳng một ai tin vào điều đó. Để cuối cùng, tôi biến thành kẻ bội bạc, mới giàu có đã quên người thân và chỉ biết khư khư ôm của nả. Tôi rất buồn nhưng không thanh minh được.
Cùng đường, tôi lại nhỏ to xin xỏ chồng. Với giọng điệu quen thuộc, anh mắng tôi “Vẽ đường cho hươu chạy, muốn khuân hết của nhà chồng à?”.
Không chịu đựng được cảnh phụ thuộc, tôi khăng khăng đòi được đi làm việc. Chồng tôi cười khẩy nửa đùa nửa thật “Sướng quá rửng mỡ, ở nhà cao cửa rộng không muốn lại muốn quay về kiếp bưng bê”. Thấy tôi tỏ vẻ cương quyết, anh mắng mỏ rồi dọa “Đừng làm những trò lao động chân tay mất sĩ diện nhà chồng”. Tôi sợ chồng và cũng thấy điều anh nói có lý nên không dám cãi lời.
Mới đây, lần đầu tiên trong đời, sau nhiều ngày đắn đo, ba mẹ ruột tôi mở lời xin chúng tôi 4 triệu để thêm vào mua mảnh đất sau này làm nơi chôn cất hai cụ. Tôi biết số tiền này là quá lớn nên suy nghĩ rất nhiều mới dám nói với chồng.
Như tôi dự đoán, chồng tôi phật lòng và buông lời xem thường bố mẹ vợ. Cảm giác bị xúc phạm cộng với nỗi bức xúc bấy lâu nay, tôi lao vào mắng trả anh bằng những lời lẽ nặng nề. Tôi vừa gào khóc vừa nói hết nỗi khổ của mình bấy lâu nay.
Có lẽ lúc đấy anh đã bị bất ngờ. Khi cuộc cãi vã lên đến cao trào, anh móc ví đếm đủ 4 triệu rồi ném thẳng vào mặt tôi với vẻ bố thí. Trước lúc bỏ đi anh không quên vung tay tát tôi một cái nảy lửa rồi chửi thề “Một lũ ăn bám”.
Cuối cùng, cái suy nghĩ bấy lâu nay được che giấu sau những hành động coi thường tôi, coi thường nhà vợ cũng được chính miệng anh thốt ra. Tôi nhớ đến những lời hứa hẹn ngọt ngào và thái độ thành kính chân tình của anh trước ba mẹ tôi trước đây mà thấy mọi thứ sụp đổ. Đằng sau ánh hào quang của sự giàu có, những con người đạo mạo kia chỉ là một sự ích kỷ đến ngạt thở.
Hôm nay, kẻ ăn bám là tôi đây viết ra những lời tâm sự này để nhắn nhủ đến các bạn gái trẻ rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu có khả năng hãy tự tạo cho mình những điều kiện để được độc lập về kinh tế phần nào đó với chồng mình. Đấy cũng chính là một trong những chìa khóa nắm giữ lòng tự trọng và hạnh phúc gia đình. Còn tôi, tôi là một kẻ ăn bám chính hiệu và chẳng có lối thoát.
Bạn đang có những tâm sự, vui, buồn… muốn chia sẻ những bức ảnh đẹp, gửi lời nhắn (một bài hát, lời yêu, một tấm thiệp chúc mừng hay những dòng thơ nhỏ…) tới những người thân yêu của mình. |
Afamily