Con dâu loay hoay mãi bên cái tủ bán cà vạt, cầm cái màu nhã nhất quay sang hỏi em: Không biết cái này có vừa ý bố không mẹ? Em gật đầu nhưng con dâu vẫn cứ nhấc lên đặt xuống. Về làm dâu hơn một năm, chắc con cũng hiểu, mua quà tặng một người kỹ tính như bố chồng chẳng dễ dàng gì.
Mình không chê khi nhận món quà, hai mẹ con nhìn nhau chưa kịp mừng thì đã chưng hửng khi thấy mình cất vào ngăn tủ. Họa hoằn lắm mình mới lấy ra dùng, vì trong mắt mình, cái cà vạt ấy hoa văn không tinh tế. Con dâu có vẻ buồn, rỉ tai em: với người kỹ tính như bố chắc chỉ mẹ mới chiều được thôi.
Ngẫm lại quãng thời gian vợ chồng mình sống với nhau, em cũng phải công nhận điều đó. Với mình, từ việc bài trí vật dụng trong nhà đến chút gia vị nêm nếm vào thức ăn đều phải đúng bài, đúng kiểu. Quà sáng phải mua đúng hàng, đúng chỗ chồng thích. Có hôm vì nhỡ đường, vợ mua ở hàng khác, về nhà là chồng chê không ăn. Sống với chồng vợ luôn phải ý tứ, cầu kỳ trong mọi việc. Mua cái drap trải giường cũng phải chọn đi chọn lại. Mua cái áo tặng mình cũng phải săm soi từ đường kim, mũi chỉ để vừa mắt, vừa ý chồng. Mấy đứa cháu ở quê học đại học trên này, cuối tuần thường ghé nhà mình chơi. Cái xe, đôi dép để không ngay ngắn là bị mình nhắc; đi đứng, nói cười không đúng chỗ là bị mình “chỉnh”… Bẵng đi, không thấy chúng về chơi nữa. Mình nhắc em gọi điện hỏi thăm xem chúng nó có ốm đau gì không. Biết là mình thương và lo cho các cháu sống xa nhà, nhưng em đành nói dối chúng nó bận thi cử, chứ thật tình em biết, chúng nó ngại đến nhà lại “chạm” mặt ông cậu, ông bác khó tính.
Ảnh minh hoạ
Ngõ nhà mình trước đây toàn người lớn nhưng từ ngày có mấy cặp vợ chồng trẻ chuyển đến lại thành đông trẻ con. Trẻ con thì đứa nào cũng hiếu động, nghịch ngợm. Có hôm chúng nó nô đùa ngoài ngõ, mình ngủ trưa không được, bật dậy mở cửa ra quát. Khổ thân bọn nhỏ đứa nào đứa nấy nín thinh, lẳng lặng “rút quân”. Từ hôm đó, cứ nhìn thấy mặt mình là chúng lấm lét, sợ sệt, đến nỗi hôm đi công tác về, mình có gói kẹo gọi chúng vào cho mà chẳng đứa nào dám đến gần. Bác hàng xóm bế cháu sang nhà mình chơi, chẳng may cháu tè ra nhà, mình khó chịu ra mặt. Từ đấy, bác cũng không dám sang nữa.
Con trai có bạn gái cả năm trời vẫn cứ ngần ngừ không đưa về ra mắt bố mẹ. Hỏi nó là con yêu thật hay yêu chơi mà không đưa bạn về nhà, nó gãi đầu: Để con thăm dò bố đã, bố kỹ tính lắm, chỉ sợ đưa về bố lại khoát tay mời đi thì “mất điểm” lắm.
Cưới vợ về, con trai chẳng lo chuyện mẹ chồng nàng dâu mà cứ sợ con dâu bị bố chồng “bắt lỗi”.
Con gái là đứa cá tính, lại đang tuổi thích khẳng định và bộc lộ mình, thỉnh thoảng lại “va” với bố. Cũng có lúc con nín nhịn nhưng nhiều khi mạnh mẽ bày tỏ ý kiến. Bố khăng khăng ý bố là đúng, con quyết tâm bảo vệ ý kiến của con, thế là thành to tiếng. Vợ đứng giữa, hết xoa dịu bố lại dàn hòa với con đến là khổ. Ấy vậy mà bố thì đổ lỗi mẹ bênh con, con thì trách: Mẹ cũng phải đấu tranh để cho bố bớt khó tính đi chứ!
Vợ chồng mình đã sắp lên ông, lên bà, chẳng còn như thời son trẻ để giận dỗi nhau. Bao năm qua sống cùng nhau, vợ hiểu chồng cả mặt mạnh, mặt yếu… và vợ chấp nhận sự kỹ tính của chồng như là một phần chưa hoàn hảo của con người chồng vậy. Nhưng, cũng có lúc em ước: giá như mình bớt kỹ tính, có lẽ em sẽ thấy thoải mái và hạnh phúc hơn nhiều. Giờ nhà mình đã có dâu, sau này có rể, có cháu… mối quan hệ sẽ phức tạp hơn, nếu mình vẫn cứ như thế vợ e sẽ xảy ra những va chạm không đáng có.
Thay đổi một thứ gì đó thuộc về cá tính là không dễ, nhưng không phải không làm được nếu xuất phát điểm và đích đến của nó là mong muốn mang đến niềm vui và sự hòa hợp cho những người mình yêu thương, phải vậy không mình?
phunuonline