Thật khó để chia sẻ chuyện riêng này bởi chính tôi là người có lỗi. Thế nhưng, tôi vẫn phải kể ra để những ai đang hoặc sắp ở vào hoàn cảnh giống tôi có thể rút ra bài học cho bản thân.
Tôi 58 tuổi, cái tuổi không còn trẻ, nhưng cũng chưa phải quá già. Vợ tôi 56 tuổi, mới về hưu năm ngoái. Chúng tôi đã cùng sống với nhau hơn 20 năm, trải qua nhiều cay đắng ngọt bùi. Tuy không phải là rất hợp nhau, nhưng cuộc sống nói chung là suôn sẻ. Tôi công tác trong quân đội, vợ tôi là tiến sĩ hóa học công tác trong ngành dược. Cuộc sống kinh tế khá đầy đủ.
Chúng tôi chỉ có một đứa con gái. Vợ chồng tôi rất yêu nó, đặc biệt là vợ tôi. Chẳng phải đến tận bây giờ, mà ngay từ khi bắt đầu sinh con sau mấy năm chữa chạy, vợ tôi hầu như không còn để ý gì đến chồng mà chỉ chăm chắm vào đứa con. Tôi lắm lúc cũng chạnh lòng, nhưng nghĩ mình không thể ghen với đứa con độc nhất, nên cũng chẳng trách cứ gì vợ.
Đến khi con gái đi du học, tôi bắt đầu hy vọng là vợ sẽ quay lại quan tâm đến tôi. Nhưng không, bà ấy bắt đầu mở cửa hàng thuốc để bán, hôm nào cũng đi từ sáng đến tối muộn mới về. Sau giờ làm việc, tôi thường xuyên phải vào bếp nấu cơm chờ vợ.
Ảnh minh họa
Thế rồi, con gái tôi yêu, lấy chồng rồi ở luôn bên Tiệp Khắc. Kể từ lúc đó, vợ tôi cứ như người mất hồn. Bà ấy khắc khoải thương con, thẫn thẫn thờ thờ. Đến lúc nó sinh em bé, ngay lập tức, bà ấy bay sang rồi ở lỳ bên đó để chăm cháu. Tôi ở nhà, ngày đi làm, tối về vò võ một mình, tự nấu tự ăn, thấy thật là cô đơn.
Rồi một buổi tối, khi tôi đang ngồi buồn với bát mỳ úp thì có tiếng gõ cửa. Hoá ra là một cô lao công đi thu tiền rác. Lúc tôi quay vào lấy tiền để nộp thì trời bỗng đổ mưa to. Tôi mời cô vào nhà uống nước đợi cơn mưa ngớt. Trong lúc chuyện trò, nhìn bát mỳ úp đã trương trên bàn, cô ấy liền đứng lên nấu cho tôi bát khác. Có lẽ trong đời, chưa bao giờ tôi được ăn một bát mỳ ngon đến như thế.
Hôm sau cô ấy trở lại. Cô kể cho tôi nghe chuyện buồn của mình. Ngày trước, cô ấy cũng là giáo viên, nhưng cách đây gần chục năm, do bất ngờ bị một khối u ở thanh quản phải mổ nên cô không thể tiếp tục làm nghề. Chồng cô là vụ phó ở một bộ nọ. Anh ta bồ bịch lăng nhăng rồi về hắt hủi vợ. Họ chia tay nhau đã 6 năm. Toà cho anh ta nuôi con vì cô không có công ăn việc làm. Cô vẫn ở vậy và gần đây xin được vào làm ở công ty vệ sinh môi trường. Cô ấy mới hơn 40 tuổi.
Kể từ sau hôm đó, cứ chiều chiều là Vân (tên cô ấy) lại đi chợ rồi về nấu cơm ăn cùng với tôi. Chúng tôi chia sẻ với nhau nhiều chuyện và tôi cảm thấy mình rất hợp với cô ấy. Cuộc sống của tôi như được hồi sinh. Tôi chưa bao giờ cười nhiều đến thế. Ở cơ quan tôi, ai cũng bảo tôi trông như trẻ ra, nhưng họ không biết lý do.
Quan hệ giữa tôi với Vân ngày càng thêm sâu sắc. Cô ấy bắt đầu ngủ lại nhà tôi. Vì Vân phải đi làm ca nên cô ấy dậy rất sớm, chuẩn bị sẵn đồ ăn cho tôi rồi mới đi. Hàng xóm không ai biết gì về chuyện đó.
Thỉnh thoảng vợ tôi có gọi điện về hỏi thăm qua loa, tôi cũng nói là mọi chuyện ở nhà vẫn bình thường nhưng không còn giục cô ấy về như trước nữa. Tôi thậm chí còn ước rằng, giá như vợ tôi ở luôn bên đó thì tốt quá.
Nhưng rồi cũng đến ngày vợ tôi về nước vì cháu bé đã đi nhà trẻ. Tôi đón vợ ở sân bay mà lòng thấy vô cùng nặng nề. Mặc dù vợ tôi bây giờ cũng chăm chỉ nấu ăn, quan tâm tới chồng hơn trước kia đôi chút, nhưng tôi không còn muốn điều đó nữa. Tôi nhớ Vân đến quay quắt, thèm nghe giọng nói trầm trầm và cái điệu cười mỉm rất duyên của cô ấy. Tôi cũng nghĩ đến cảnh Vân vò võ một mình và chắc cô ấy cũng rất nhớ tôi.
Rồi con gái tôi sẽ lại sinh đứa con thứ hai, thậm chí thứ ba. Chẳng lẽ tôi cứ phải đợi đến lúc ấy để “đoàn tụ” với người tình như cảnh Ngưu Lang Chức Nữ? Còn vợ tôi, bà ấy cũng là người tốt, chẳng qua quá yêu con nên mới thành ra nông nỗi ấy. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn lén gặp nhau. Vân khóc. Cô ấy bảo đã cô đơn quen rồi, nhưng thương tôi.
Vợ tôi là tiến sĩ, còn Vân bây giờ chỉ là một cô quét rác. Nhưng không hiểu sao, tôi cứ ước ao được sống những năm tháng tuổi già bên người phụ nữ ấy. Giá như vợ tôi dù có thương con thì cũng đừng bỏ quên tôi suốt bao nhiêu năm như thế. Giá như Vân không xuất hiện...
Tôi biết phải làm gì bây giờ?
Bạn đang có những tâm sự, vui, buồn… muốn chia sẻ những bức ảnh đẹp, gửi lời nhắn (một bài hát, lời yêu, một tấm thiệp chúc mừng hay những dòng thơ nhỏ…) tới những người thân yêu của mình. |
VnMedia