Tôi là người có suy nghĩ rất lạc quan, không biết có phải vì thế hay không mà mỗi lần nghe tới từ “ế”, rồi đọc trên báo chí những mẩu chuyện của các cô nàng sợ ế, tôi không bao giờ thấy sợ, dù ngày nhỏ người ta hét cái từ này vào tôi không phải là ít.
Khi tôi 15, bố bảo tôi: “Con gái mà cứ đỏng đảnh như thế này thì sau này chỉ có ế thôi con ơi”.
Khi tôi 17, dì bảo tôi: "Dì chưa thấy đứa nào vụng như cháu, cẩn thận không có sau này ế đấy cháu ạ”.
Khi tôi 19, anh bạn tuyên bố một câu làm tôi rùng mình: “Anh sẽ cho em lên làm nữ hoàng, nhưng mà là 'Nữ hoàng vương quốc ế'“.
Khi tôi 20, bạn bè tôi bắt đầu kháo nhau: “Hay là mày muốn ế?”, khi thấy tôi vẫn không một mảnh tình vắt vai.
Khi tôi 21, tôi thật sự trở thành nỗi lo lắng của mẹ tôi: “Đừng kén chọn nữa con à, kẻo sau này ế thật đấy”.
Nhưng tất cả những điều đó chưa bao giờ làm tôi thấy sợ, bởi tôi biết tôi là ai và tôi chờ đợi điều gì.
Khi tôi 21 tuổi rưỡi, đi ra ngoài người lớn hay hỏi: “Sao, có người yêu chưa cháu?”, tôi vẫn toe toét cười “Dạ, cháu chưa ạ”. Những ai thông cảm thì động viên “Ừ, còn trẻ mà.”, số còn lại nhìn tôi ái ngại: “Có khi con bé này ế cũng nên“.
Rất nhiều người không hiểu tại sao một con bé sống bao nhiêu năm giữa xứ trời Âu như tôi, nơi mà người ta có thể công khai tình cảm, tình yêu ở bất cứ mọi nơi, nơi mà người ta yêu nhau từ cái tuổi còn chưa dậy thì, mà tôi vẫn cứ thờ ơ. Một anh bạn đang sống ở Việt Nam có lần nói: “Em là người có đủ tố chất của một người phụ nữ hiện đại: trẻ trung, mạnh mẽ, dịu dàng, thông minh, hiểu biết... Tại sao đến giờ vẫn có thể 'ế chỏng ế chơ' một cách thảm hại như vậy được nhỉ?”. Tôi tủm tỉm cười.
Khi tôi 22, tôi tuyên bố với mọi người: “Tôi đã có người yêu!”. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi hết… ế. Tôi không “bốc đại” anh trong số những người đàn ông từng âm thầm theo đuổi, anh là sự lựa chọn của tôi và tôi đã chọn anh làm bến đỗ cuộc đời.
Nhưng hạnh phúc không phải lúc nào cũng là một chiếc phễu trong để tôi có thể rót hết nhớ thương và nơi đó. Người ta thường nói niềm tin là cái quý giá nhất và cũng mong manh nhất trong tình yêu, mất niềm tin là mất tất cả. Anh đã làm tôi mất niềm tin ở anh, dẫu lúc đó còn yêu tha thiết nhưng tôi đã chọn cách rời xa anh. Chia tay anh vào một ngày cuối hạ, tôi lại trở về làm "Nữ hoàng vương quốc… ế" của năm xưa. Bạn bè tôi bỗng dưng không ai còn sợ tôi ế nữa, họ bảo: “Người như mày yêu ai mà chẳng được, cắt đến bao giờ cho hết mấy cái đuôi”. Tôi chỉ cười.
Khi tôi 23, chị bạn làm cùng bảo tôi: “Bạn chị nó không dám giới thiệu em trai nó cho em vì em cá tính quá”, cô người quen bảo tôi: “Cháu sống sâu sắc và nhạy cảm quá, mà đàn ông thì thường không thích sự phức tạp”, bạn bè ở Việt Nam bảo: “Các bà mẹ chồng ở Việt Nam không mấy ai ủng hộ cho con trai họ kết hôn với mày đâu vì họ sợ mày sống tây quá”.
Tôi tự hỏi: “Mình ế thật rồi sao?”. Mà bao nhiêu thì bắt đầu bị gọi là ế nhỉ? Tôi chỉ già so với tuổi xuân nhưng vẫn còn quá trẻ so với cuộc đời này. Nhiều người nói tôi sống ở châu Âu đã 8 năm rồi, đã bị “tây hóa” phần nào suy nghĩ, hay là tôi cũng không có ý định lấy chồng như họ? Những lúc vậy tôi chỉ cười.
Tôi từng bảo với bạn tôi rằng tôi có hai mục đích chính lúc này, đó là sự nghiệp và tình yêu. Lấy chồng không nằm trong tư tưởng đó của tôi lúc này, tôi thà để mọi người gọi là “ế” chứ nhất định không lấy một ai đó vì gia đình mong mỏi hay vì áp lực từ một cái gì đó trong cuộc sống.
Tôi không phải là một người cầu toàn, chắc chắn là như thế. Tôi cũng có hàng chục điểm tốt và hàng trăm điểm xấu như vạn người khác. Tôi không tự kiêu vì tôi có cái này, cái kia. Tôi cũng không tự ti vì mình thiếu điều này, điều nọ. Tôi biết cân bằng giá trị của mình (mà đã là con gái thì cũng nên kiêu hãnh một chút), dù mình chẳng có gì để kiêu cả.
Năm ngoái, ngồi nói chuyện với một tiến sĩ ngấp nghé 40 hiện giảng dạy ở Hà Lan, anh bảo tôi: “Phụ nữ như bọn em càng thành đạt, càng ế”. Tôi đùa lại: “Chẳng qua vì đàn ông cho đến bây giờ vẫn giữ tính bảo thủ nên không muốn lấy vợ thông minh hơn mình, nên mới bảo tụi em ế đó thôi“.
Ngày xưa, hơn 20 năm về trước, mãi 27 tuổi mẹ tôi mới nhận lời lấy một chiến sĩ công an (tức là bố tôi bây giờ), dù ngày ấy mẹ là hoa khôi phố thị và “ghét mấy ông công an” lắm. Ở thập kỷ 80, hai mươi bảy tuổi mà mới lấy chồng thì chỉ có hai lý do: "Một là ế, hai là kén". Mẹ tôi thuộc trường hợp thứ 3: "Duyên muộn".
Lối sống của người Việt Nam mình đôi lúc vẫn thật kỳ lạ, nhiều người cứ cho rằng không yêu ai và không lập gia đình là hơi “khác người”, là bị xếp ngay vào “hàng ế”. Không có một căn cứ và bộ luật nào ghi rằng: "Cô này/anh này bị ế" cả, trẻ thì lấy người trẻ, già thì lấy người già, thậm chí trẻ lấy già cũng chẳng sao.
Mỗi người sinh ra đều mang trong mình một vẻ đẹp tiểm ẩn, chẳng qua là đối phương không nhìn thấy nên mới quy bạn bị ế đó thôi. Thế nên “đừng thèm” quan tâm tới những lời dèm pha của xã hội về cái sự ế bạn nhé, duyên muộn mà chắc còn hạnh phúc hơn nhiều (ví dụ như bố mẹ tôi chẳng hạn).
Mong cho bạn, cho tôi, cho tất cả các cô nàng sợ ế sẽ tự tin và nhìn thấy giá trị của mình nhiều hơn nữa. Một ngày nào đó, tôi chắc cũng sẽ xuống làm thần dân như các bạn thôi chứ chẳng muốn làm "Nữ hoàng vương quốc ế" suốt đời đâu.
tapchi.guu.vn