Anh vừa ra khỏi ngõ, mẹ đã kéo em vào phòng: “Cậu ấy trẻ quá con ơi, đời con sẽ khổ đấy!”. Em mỉm cười bảo mẹ chớ vội âu lo. Em tới nhà anh ra mắt, bố mẹ anh niềm nở, ân cần khiến em vui và như trút ra được gánh nặng. Em vừa qua cổng, đã thấy mẹ anh dằn từng chữ bên trong: “Liệu mà chia tay sớm đi. Anh non trẻ sao đi yêu gái già cho khổ”. Em giận anh mấy ngày liền nhưng rồi nhận ra, cuộc hôn nhân này đâu riêng mình em khổ.
Vượt qua rào cản gia đình, em cầm tấm thiệp hồng trên tay mừng vui khôn xiết. Ngôi nhà ở con phố yên bình có hàng cây lộc vừng đêm đêm ngan ngát hương là món quà bố mẹ tặng anh. Hôm mang khung ảnh cưới về, dáng anh chần chừ không biết đặt sao cho hợp lý. Anh sợ em buồn, khi nhìn tấm ảnh, em sẽ thấy chúng mình chẳng khác gì chị em.
Anh muốn đặt chỗ nào không lộ liễu quá và không thuận tầm ngắm của em mỗi lần bước vào phòng. Thấy anh loay hoay mãi, em chạy đến ôm anh, chỉ cho anh treo ảnh cưới chỗ nào thoáng đãng và dễ nhìn. Em bảo đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất, em muốn được ngắm nó mỗi ngày.
Một sáng thức dậy, chợt thấy râu ria anh xồm xoàm, lởm chởm, em bật cười, trêu anh mà cũng là nhắc khéo: “Vừa có vợ là trông như ông cụ thế kia. Hay lại thích làm cha rồi, em chưa muốn sinh đâu đấy!”. Mấy ngày sau vẫn thấy anh để râu, em mới biết anh lại vì em. Anh muốn kéo gần khoảng cách tuổi tác, để em thấy chúng mình già… tương xứng. Anh cũng thường mua tặng em những chiếc váy màu tươi tắn và trẻ trung hay thỏi son hồng phớt. Khi ấy, em lại thầm cảm ơn “phi công trẻ”, thấy mình lúc nào cũng được anh yêu thương, quan tâm.
Cuộc sống gia đình chẳng tránh được những lúc cãi vã, giận hờn. Hôm anh bàn với em kinh doanh ngoài giờ ở cơ quan để kiếm thêm thu nhập. Em đồng ý ngay nhưng khi anh bảo kinh doanh điện thoại, laptop qua mạng, em vội xua tay. Em bảo anh, kinh doanh những thứ ấy dễ bị lừa như chơi, vả lại hàng công nghệ đổi mới liên tục, dễ bị ế hàng. Em còn chắc nịch: “Anh phải nghe em. Em có nhiều trải nghiệm kinh doanh hơn, anh còn non nớt. Việc này cứ để em”. Anh khăng khăng làm sẽ có lãi. Rồi anh quyết theo ý anh, em nổi cáu: “Thôi kệ anh, mới ít tuổi, chưa va vấp nhiều, nếu mà thua lỗ nặng, thì anh đi mà bù. Lúc đấy đừng than em”.
Nhà mình có khách, cũng là “phi công trẻ”. Ngà ngà say, 2 người đàn ông “tám” đủ chuyện trên trời dưới biển. Rồi bạn của anh bộc bạch, em loay hoay dưới bếp mà cũng giật mình: “Thế vợ cậu có dạy đời cậu không? Vợ tớ cứ cậy mình nhiều tuổi hơn, lúc nào cũng chê tớ non nớt hơn cô ấy”.
Anh im lặng, như sợ em nghe thấy, lại tảng lờ câu hỏi của bạn mình bằng câu chuyện khác. Em nhận ra mình có lỗi. Em đã tự đặt mình ở nấc cao hơn của trải nghiệm, nhưng chẳng khi nào khéo léo biến điều đó thành cái lợi, mà lại khiến anh thành người kém cỏi hơn em.
Công việc kinh doanh điện thoại của anh lãi nhiều hơn em tưởng. Em không tiếc lời khen chồng giỏi, cũng là thay cho lời xin lỗi. Anh đi làm về, hôm nào cũng xắn tay vào bếp giúp em nhặt rau, thái hành, rửa thơm… Công việc lớn nhỏ trong gia đình, anh đều bàn bạc với em rồi mới quyết. Người ta bảo em, cưới một người chồng kém mình tới 6 tuổi, chẳng khác gì nuôi một đứa em trai. Em cười, hạnh phúc, vì chàng “phi công trẻ” của em vẫn là người đàn ông quán xuyến chu toàn mọi việc.
Theo Thế giới phụ nữ