Ai nhìn vào cũng khen chị Hương (Kim Mã, Hà Nội) là người phụ nữ đảm đang, tháo vát lại biết đối nhân xử thế được lòng mọi người. Ấy thế nhưng, trong mắt anh Quảng - chồng chị, chị lại có một cái khuyết điểm to đùng, gần như không thể tha thứ, đó là: giỏi hơn chồng.
Nhờ tài năng sẵn có, cộng với chăm chỉ nỗ lực, mặc dù còn trẻ nhưng chị đã có được vị trí nhiều người mơ ước trong công ty. Thực ra cũng chẳng có gì đáng nói nếu như không phải anh Quảng quá thua kém chị về tài năng lẫn khoản kiếm tiền.
Đối với chị Hương, vợ hoặc chồng, ai kiếm tiền nhiều hơn không quan trọng, miễn là cả 2 cùng chung tay vun đắp gia đình, chăm lo cho con cái. Nhưng bản năng và sĩ diện đàn ông của anh Quảng quá lớn. Anh khó chịu đến mức ghen ghét khi vợ ngày càng "vượt mặt" mình, thăng tiến thuận lợi trong sự nghiệp và được nhiều người khen ngợi.
Bản thân chị biết suy nghĩ của chồng nên không bao giờ chê chồng hay nói gì chạm đến tự ái của anh. Nhưng cứ hễ có vấn đề gì mà đụng đến tiền bạc và chị bàn với anh là là anh lại quay ngoắt đi: “Tôi là thằng không làm ra tiền, cô làm ra cô thích làm gì thì làm, bàn với tôi làm gì?”.
Nhiều bạn bè khuyên chị tìm một số việc của đàn ông nhờ chồng làm giúp, sau đó khen nịnh anh là anh sướng ngay. Nhưng khổ nỗi anh Quảng lại thuộc kiểu “chân yếu tay mềm” mới khổ. Lần trước cái ống nước bị tắc, anh loay hoay sửa mãi không được, vậy mà chị Hương làm được. Thế là anh “bỗng dưng muốn gây sự”, nổi khùng lên bắt chị tháo ra.
7 năm qua, chị vẫn ngày ngày làm việc, chăm gia đình, lo chi tiêu sinh hoạt và học hành của con, còn cố gắng để ra một khoản tích cóp lo cho tương lai. Anh Quảng lương ba cọc ba đồng, chỉ đủ cho anh chè thuốc. Nhưng rồi chị vẫn phải chịu sự ghen ghét, cạnh khóe từ chính chồng mình. Đôi khi chị tự hỏi, chị đã làm gì nên tội? Cái tội của chị chỉ là giỏi hơn chồng, nhưng nếu chị không giỏi hơn anh thì gia đình này ai sẽ cáng đáng?
Nhiều lúc chị chán nản và buồn tủi vô cùng. Nhưng cứ nghĩ đến anh của ngày xưa chân thành, thật thà và tốt bụng thế nào chị lại bật khóc và mủi lòng. Chị lại cố, lại lựa sống với những thái độ vô lý của anh.
Đám giỗ ông nội anh Quảng, chị Hương tất bật cùng các chị em phụ nữ lo cơm nước cỗ bàn. Anh Quảng ngồi tiếp khách, uống trà với họ hàng, láng giềng gần xa.
“Quảng có phúc lắm đấy nhé! Vợ đẹp con ngoan. Chú là chú phục vợ mày lắm, đảm đang, giỏi giang không ai bằng! Đốt đuốc đi tìm cũng không được đứa như nó!” – tiếng một chú hàng xóm vang lên.
“Cháu nói chú nghe, cái Hương bề ngoài nó tỏ ra thế nên ai cũng tưởng nó tốt đẹp lắm. Mấy ai ngờ được bộ mặt thật của nó đâu. Cậy kiếm ra được vài đồng tiền về nhà khinh chồng nạt con, coi cháu còn không bằng thằng ô sin. Không những thế còn đi đêm về hôm với đàn ông...” - anh Quảng thao thao bất tuyệt, còn nói oang oang giữa đám đông, như để cho mọi người thấy được chị Hương chẳng tốt đẹp và tài giỏi như mọi người nghĩ.
Chị Hương trong bếp nghe được từng lời anh nói, toàn những thứ bịa đặt về mình mà sững sờ đánh rơi cả chồng bát.
Đau đớn. Thất vọng. Và giờ chị cảm thấy cả sự coi thường chồng mình. Bao năm qua chị nhẫn nhịn và cố gắng thông cảm cho chồng, mong anh có ngày hiểu ra. Nhưng hóa ra tất cả những điều chị làm đều công cốc cả. Lần đầu tiên sau 7 năm chung sống chị có ý định buông tay…
Đôi khi ra ngoài nhìn vợ chồng người ta âu yếm tình cảm, chồng người ta tự hào
và khen vợ, Ngọc tủi thân phát khóc (Ảnh minh họa).
Càng sống với Dũng, Ngọc (Quận 8, TP HCM) càng ngày càng nhận ra anh là một người không có chí tiến thủ. Dũng hiện là nhân viên nhà nước, lương thì ba cọc ba đồng nhưng luôn bằng lòng với cuộc sống hiện tại, không muốn cố gắng làm gì cho mệt thân.
Khi thấy Ngọc nhảy việc sang công ty lương cao hơn, anh còn trách cô vô ơn, lạnh lùng, người gì mà sống không tình nghĩa. Ngọc dở khóc dở cười với chồng. Anh đã không muốn bon chen mà cô cũng thế thì gia đình này sẽ đi về đâu. Nhiều khi cô phát rồ lên vì thiếu tiền cho con khám bệnh, vì con mình nhìn con nhà người ta được ăn món ngon, được chơi những đồ chơi xịn... một cách thèm thuồng.
Có lần người bạn rủ Ngọc hùn vốn làm ăn một vụ khá ngon. Cô đã xem xét kĩ lưỡng, về bàn với chồng đi vay tiền bố mẹ làm nhưng Dũng chả cần biết cụ thể ra sao, chỉ cần nghe thấy đầu tư vốn làm ăn là anh gạt phắt đi.
Bực quá, Ngọc tự sang vay tiền mẹ đẻ. May mắn lần làm ăn ấy cô đã thắng. Nhưng trong suốt quãng thời gian đó, không lúc nào là Dũng không căng thẳng, đay nghiến cô về việc cô “vượt mặt" chồng, tự động làm ăn không coi ý kiến chồng ra gì. Cô không nói gì cả, chỉ im lặng cười cười và tìm cách xoa dịu Dũng.
Nợ ông bà ngoại đã trả hết, còn dư chút tiền Ngọc lại tiếp tục đầu tư khi tìm được cơ hội tốt. Vài năm sau, chả ngờ cô cũng có được một khoản kha khá. Nhưng Dũng lại phát biểu những câu làm cô rất ngỡ ngàng: “Cô đừng tưởng cô tài giỏi, cô chẳng may chó ngáp phải ruồi mà thôi”, “Việc đó chả có gì là hay cả, ai chả làm được”.
Rồi công việc của Dũng không được thuận lợi, anh bị giảm biên chế nên càng ngày càng sinh cáu bẳn. Ngọc biết ý nên cũng tuyệt nhiên không bao giờ nhắc chuyện tiền nong trước mặt anh. Cô cũng giấu tất cả mọi người hai bên gia đình, giấu cả con chuyện anh thất nghiệp vì sợ anh mất mặt với mọi người.
Đến bây giờ đã 3 năm trôi qua, Dũng vẫn chưa có việc, đồng nghĩa là 3 năm anh không đưa cho Ngọc một đồng nào mà chỉ có cô lén nhét tiền vào ví anh. Nhưng bất cứ đồ gì cô mua về anh đều chê bai, mặc dù cô rủ anh đi mua cùng thì anh không đi. Chuyện gì Ngọc nói anh cũng gạt ngang, không muốn nghe cô tâm sự. Động chút là cô lại được nghe những câu kiểu như: “Cô cậy cô giỏi, kiếm nhiều tiền, cô khinh thằng này hả?”, “Vâng, tôi dốt!”.
Đôi khi ra ngoài nhìn vợ chồng người ta âu yếm tình cảm, chồng người ta tự hào và khen vợ, Ngọc tủi thân phát khóc. Cô đã làm gì sai? Cô có phải là người phụ nữ không ra gì đâu mà đáng bị đối xử như thế?
Theo Pháp Luật & Xã Hội