Cãi nhau là một nghệ thuật! Có người trưởng thành từ những cuộc tranh cãi, cũng có người vì tranh cãi mà chịu tổn thương trong tâm hồn. Có những cuộc hôn nhân thêm đầm ấm sau những trận cãi vã nảy lửa, cũng có những cặp đôi vì chuyện này mà mỗi ngày một thêm xa cách. Sự khác biệt của những hệ quả này nằm ở chỗ, lời nói và hành động của người trong cuộc được kiểm soát thận trọng, hay đã vượt quá ranh giới báo động của quan hệ vợ chồng.
Khi cãi nhau, đừng dùng ngữ khí phủ định.
“Anh trước giờ chưa từng quan tâm con cái” hay “Anh luôn quên những chuyện quan trọng là lời “phủ đầu”, thẳng thắn xóa sạch nỗ lực của đối phương trong việc xây dựng và gìn giữ hạnh phúc gia đình. Đem bạn đời so sánh với người khác hoặc đánh giá môt cách tiêu cực về họ cũng là những việc cần tránh mọi lúc có thể, bởi chúng dễ hủy hoại không khí hòa thuận, êm ấm trong cuộc sống hôn nhân. Trên thực tế, chỉ khi cảm nhận được sự tôn trọng và ghi nhận từ đối phương, con người ta mới học được cách hồi đáp chân tình.
Tuyệt đối tránh lôi “người thứ ba” vào cuộc.
Mọi sự tranh cãi của các cặp vợ chồng trước hết đều nảy sinh từ bất đồng giữa những người trong cuộc. Vậy nên, đừng bao giờ vì nóng giận mà nói với ông xã những mẫu câu như: “Lúc chúng ta mua nhà, bố mẹ anh không cho được một đồng”, “Đám bạn nhậu của anh chẳng làm được gì ngoài việc dựa dẫm tiền bạc”…. Những lời nói như thế vô tình biến người đàn ông trở thành kẻ bị động, thiếu chính kiến và dễ bị xúi giục. Một chuyên gia tâm lý học người Anh từng phân tích, việc lôi kéo người khác vào cuộc sẽ càng khiến trận khẩu chiến của hai vợ chồng thêm nghiêm trọng hơn.
Đừng bao giờ từ không nói thành có.
Phụ nữ, nhất là phụ nữ nội trợ hay mất tự tin khi ngày ngày đầu bù tóc rối với việc nhà cửa, con cái; còn đức ông chồng lại ăn mặc chỉnh tề và tiếp xúc với các cô gái trẻ đẹp. Sự tự ti khiến họ buông những lời giận lẫy theo kiểu: “Em có làm gì, anh cũng đâu có thuận mắt!”. Thái độ chỉ trích “từ không nói có” như vậy không phải điều đàn ông muốn được nhận từ người phụ nữ của mình, những câu nói khích lệ, động viên mới là thứ mà họ chờ đợi.
Không nhắc lại chuyện quá khứ là một nguyện tắc cần tuân thủ trong những cuộc cãi vã của vợ chồng. Bởi vì, “xào nấu” lại những mâu thuẫn đã qua không giải quyết được vấn đề thực tại, mà chỉ khiến sự việc từ con kiến hóa thành con voi!
Giữ bí mật đối với bố mẹ. Các bậc phụ huynh lớn tuổi tâm lý thì ít, mà ích kỷ thì nhiều. Bất luận nguyên cớ sự việc ra sao, họ cũng luôn đứng về phía con ruột của mình và dành cho con dâu hoặc con rể cái nhìn khắt khe hơn. Dưới sự can thiệp không đúng cách của cha mẹ, cặp đôi trẻ càng thêm xa cách và khó tìm được tiếng nói chung.
Chiến tranh lạnh là thứ độc dược nguy hiểm.
Sau khi cãi nhau với chồng, nhiều phụ nữ đều coi đối phương như kẻ vô hình, không trò chuyện, không nhắn tin, không nghe điện thoại. Kỳ thực chiến tranh lạnh trong hôn nhân giống như một ván bạc tâm lý, đôi bên đều chờ đợi người kia mềm lòng xuống nước trước. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho lựa chọn này chát hơn bạn tưởng. Sự cố chấp và lòng tự tôn không giúp các cô gái hả giận, mà chỉ làm tình cảm của họ và nửa còn lại thêm rời rạc.
depplus.vn