Những quán cà phê…không bán cà phê
Trước kia, nhắc đến Pleikep (Pleiku-Gia Lai) là người ta sẽ nghĩ ngay đến những đội cồng chiêng giàu bản sắc dân tộc, là niềm tự hào của những người con phố núi. Nhưng Pleikep bây giờ, những quán cà phê, karaoke biến tướng, trá hình đang làm mất đinh hình ảnh buôn làng giàu văn hóa bậc nhất Tây Nguyên.
Đường Nguyễn Thị Định, làng Pleikep, khi trời đã nhá nhem tối. Nhà cửa, hàng quán san sát nhau, nhưng quán nào cũng mập mờ, đầy vẻ huyền ảo, cứ ở cổng mỗi quán cà phê lại có một người phụ nữ với trang phục khêu gợi ra vẫy tay mời làm cho khu phố huyền bí không kém vẻ náo nhiệt.
Bài trí trong căn chòi “cà phê thác loạn”
Ngang qua một quán bà chủ đon đả vẫy tay mời: “Vô đây luôn đi em, đi nhiều tốn xăng mà ở đâu cũng vậy à”. Khi tôi chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì thằng bạn ngồi sau nói nhỏ: “Lâu không về Pleiku mày không biết rồi, “gà” đó, thích thì vô thử”.
Tôi cho xe đi chậm lại thì ngay lập tức một người phụ nữ lao ra trước xe giang hai tay ra niềm nở : “Vô đây đi em chứ đi đâu cho xa”. Tạm cho xe vào, đã thấy bà chủ nhanh tay kéo tấm cửa sắt lại. Nhanh chóng ngồi vào bàn gọi hai ly cà phê thì tôi bị giật mình bởi câu trả lời: “Phê pháo gì em, bàn ghế đó là để khách ngồi chờ. Thế hai em đi chứ, “hàng” của chị mấy em toàn 17, 18 xinh tươi mơn mởn”.
Bên hông căn chòi cà phê thác loạn phát hiện nhiều bao cao su
Thấy chúng tôi tỏ vẻ lưỡng lự, tú bà không quên quảng cáo: “Mấy em ở đây chiều khách lắm, 150 ngàn phục vụ từ A đến Z luôn, thích hai, ba tiếng gì cũng được. Gái họ ba, bốn “dù” rồi chứ gái của chị mới một “dù” thôi”. Khi chúng tôi tỏ vẻ e ngại về cơ quan chức năng, “tú bà” nói: “Cái đó các em cứ yên tâm, chị lo cả rồi, kéo cửa lại là xong. Hai em vô chọn “hàng” đi kéo mấy em nó chờ”.
Bên trong căn nhà chật chội, lấp ló bốn cô gái tuổi “măng non” đi ra đi vào khêu gợi, dòm mặt “thượng đế”. Lấy lý do đi uống cà phê, chúng tôi “cáo lỗi” các “bóng hồng” thì bị “tú bà” nguýt ngoa: “Không có tiền mà bày đặt”.
Rồi đến cà phê…chòi
Thoát khỏi “động bàn tơ”, chúng tôi vào quán cà phê-karaoke O.... Vừa ngỏ ý muốn đến uống cà phê, bà chủ quán đã đon đả dắt tay chúng tôi qua cái ngách nhỏ bên hông nhà, xuyên qua một hàng cây và rồi mới đến… “thiên đường”.
“Thiên đường” theo lời quảng cáo của bà chủ ở đây là mười cái chòi nhỏ bằng tre nứa, mái lợp tôn, xếp thành hai dãy song song với những chậu dừa nước um tùm ở giữa, trước chòi là một tấm mành che chắn khá kín đáo.
Cả khu “thiên đường” tối om, chỉ lay lắt ánh đèn lồng hắt ra từ những cái chòi đang có khách. Trong chòi được bài trí khá đơn giản gồm một băng ghế sô pha dài chừng mét rưỡi, một chiếc bàn nhỏ và một bóng đèn lồng to bằng quả cam. Cái ánh sáng mập mờ này khiến khung cảnh càng trở lên u tối, huyền bí.
Khi đã sắp xếp cho chúng tôi an vị, bà chủ hỏi: “Hai em uống gì, cà phê thì mười lăm ngàn một ly, một em thì 100 ngàn để chị gọi đến tiếp các em”. Tôi tỏ vẻ ngơ ngác thì bà chủ tiếp lời: “Có một trăm ngàn rồi em muốn làm gì nó thì làm, từ A đến…gần Z mỏi tay thì thôi, còn muốn có Z thì em thỏa thuận với nó. Chỗ chị như trung tâm giải trí, gì cũng có, các em vào đây xả hơi là đúng chỗ rồi đó”.
Những căn chòi khá kín đáo ở sân sau của quán karaoke.
Bỏ lại chúng tôi với ngọn đèn mờ ảo, bà chủ đi lấy cà phê và không quên gọi “hàng” đến. Bỗng ở căn chòi đối diện, phát ra tiếng rên rỉ, thở dồn dập, có lúc âm thanh lên cao trào không kìm nén được làm chúng tôi choáng váng, đôi khi lại cười nói khúc khích của cả nam và nữ.
Ở phố núi Pleiku, không chỉ con đường Nguyễn Thị Định, con đường vẫn được gọi là đường “làn sóng xanh”, mà còn đường Mai Thúc Loan, đường Lê Đại Hành- phường Đống Đa… Gái bán dâm và các chủ chứa mời chào khách tỏ ra khá lộ liễu, không kiêng dè bất kì đối tượng nào.
Các cơ quan chức năng đã truy quét, “làm sạch” liên tục nhưng vẫn chưa diệt được tận gốc các chủ chứa. Gần đây nhất, vào lúc 21h45 ngày 20/3/2011, tổ tuần tra Công an phường Đống Đa đã bắt giữ hai đối tượng gái đang bán dâm là người dân tộc Hre, từ Ba Tơ-Quảng Ngãi lên. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong cuộc chiến chống tệ nạn mại dâm đang hoành hành, trả lại nét văn hóa bình dị cho buôn làng.
Zing/BĐVN