Tái mặt vì vợ hay ghen
Bình thường, hai vợ chồng anh Lực - chị Linh đi làm chung một xe, âu yếm tình tứ là thế nhưng lúc “giông bão”, chị sẵn sàng tăng ga, nhả khói phù phù vào mặt chồng, mặc kệ anh đứng “bơ vơ”.
Hôm nào đang đi đường mà cãi nhau là anh sẵn sàng bị chị đuổi xuống xe “muốn đi gì thì đi, đi đâu thoải mái". Vì thế, không ít lần, anh phải bắt xe ôm đi làm hay về nhà.
Anh chị làm cùng cơ quan, chị Linh làm trưởng phòng phòng hành chính, anh làm trưởng phòng kỹ thuật. Làm việc cùng đã mấy năm nay, các mối quan hệ bạn bè của anh, chị gần như nắm rõ đến tận “chân tơ kẽ tóc”, thế mà chị vẫn không khỏi nghi ngờ.
Công ty ngày càng có nhiều nữ và mỗi lần có cô bé nào mới vào là chị để ý và cảnh cáo anh ngay cả khi anh chưa hề nghe tên, biết mặt mũi người đó thế nào.
Biết tính vợ nên anh không bao giờ thân thiết hay có bất kỳ cử chỉ gì quá đà. Thế nhưng, với chị thế vẫn chưa đủ.
Mỗi lần anh đi công tác xa, trong đoàn mà có một nhân vật nữ đi cùng thì cứ… phải biết. Chị mặt nặng mày nhẹ, dằn mặt anh ngay tại công ty.
Mỗi lần anh đi công tác xa, trong đoàn mà có một nhân vật nữ đi cùng thì cứ… phải biết
(Ảnh minh họa)
Có một cô nhân viên mới, vui tính và hay tếu táo với mấy anh cùng phòng. Có anh bông đùa: “Phòng này ngoại trừ anh Lực có vợ rồi, bọn anh toàn trai tân mà sao em không chấm được anh nào à?”.
Cô ấy lại hồn nhiên đáp lại: “Đánh đồn có địch chứ đánh đồn không địch buồn lắm. Nếu thích em chỉ tán anh Lực thôi". Trong khi cả phòng phá lên cười thích thú thì mặt anh Lực biến sắc đi khi thấy vợ đi ngang qua.
Lẽ đời, càng biết là vợ chồng, càng biết vợ hay ghen người ta càng bông đùa nhiều. Mỗi lần như thế anh phải mất ngủ mấy đêm liền vì hôm nào vợ cũng khóc lóc, giận dỗi: “Anh phải liếc mắt đưa tình hay làm gì thì người ta mới mạnh mồm mà nói như thế chứ. Anh đứng đắn ngay thẳng thì con điên nào mới dám?".
Chuyện hôm trước, hôm sau anh đã không thấy cô này đi làm nữa. Anh hỏi, vợ chỉ đáp: “Cho nghỉ rồi”. Hỏi lý do, vợ “tỉnh queo”: “Thích thì cho nghỉ”.
Rồi có cô khác đến tập sự. Ngày trước ngày sau cũng “một đi không trở lại”. Mãi về sau anh mới biết, hôm liên hoan công ty đi karaoke, chẳng hiểu thế nào cô này cứ nằng nặc đòi song ca cùng anh Lực. Vợ anh “ngứa mắt” và “trù” người ta.
Cái đuôi "thừa"
Có vợ làm cùng cơ quan nên anh Tuấn (Ba Đình, Hà Nội) từ ngày kết hôn, chưa biết đến “mặt mũi” lương tháng của mình thế nào. Bởi tháng nào, lương của anh cũng có vợ… cầm thẻ và lĩnh hộ.
Ngay cả những khoản thưởng to – nhỏ, anh cũng chẳng biết nó thế nào. Sau đó, vợ phát cho đồng nào tiêu vặt thì anh biết có đồng ấy.
Vợ chồng anh Tuấn - chị Cúc được đánh giá là một cặp đẹp đôi. Nhiều người còn ngưỡng mộ vì tình cảm gắn bó giữa hai vợ chồng họ. Chỉ có anh mới hiểu hết căn nguyên, nguồn gốc của sự "gắn bó" như hình với bóng này.
Anh phát ngán khi Cúc lúc nào cũng nằng nặc đòi theo chồng đi nhậu. Anh không đồng ý thì chị lại giận dỗi, cãi cọ thậm chí là nghi ngờ chồng. Mệt mỏi vì thanh minh, anh đành mặc kệ. Thế là lần nào cũng có đủ mặt vợ chồng anh chị góp vui.
Đồng ý là vợ chồng tình cảm, yêu thương nhau nhưng không có nghĩa là đi đâu cũng kè kè như thế. Thỉnh thoảng hết giờ làm đi nhậu với mấy thằng bạn cùng công ty mà chị cũng đi theo thì anh đến "bó tay".
Rồi nếu hôm nào không muốn đi, chị sẽ viện đủ lý do từ chối và kèm theo đó, chị cũng không để anh bước chân đi bù khú mà không có mình.
Cái lý chị đưa ra rất hợp là: “Có gia đình rồi, phải tiết kiệm chị tiêu, không như hồi thanh niên độc thân. Mà làm cùng công ty, em về thì anh cũng phải về, không có chuyện em về lo việc nhà còn anh la cà, đàn đúm bạn bè được”.
Ai cũng cần có khoảng trời riêng
Trả lời về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Đoàn Thúy Hương (trung tâm tư vấn tâm lý Tình yêu - tình dục TP HN) cho rằng: Không thể phủ nhận lợi ích khi vợ chồng cùng cơ quan. Nhưng nếu để chuyện gia đình xen vào chuyện công việc thì năng suất và chất lượng công việc bị giảm sút.
Người vợ nào cũng muốn chồng “luôn trong tầm mắt”. Vợ chồng làm chung thì càng có cơ hội để thắt chặt quản lý. Nên nhớ, vợ chồng cũng cần những khoảng trời riêng. Gặp ở cơ quan, gặp ở nhà dễ dẫn tới nhàm chán.
Tốt nhất, cần tôn trọng quyền riêng tư và sở thích của mỗi bên. Phải đảm bảo mỗi người đều có những giờ phút riêng tư để người này không trở nên chán hoặc bực mình với người kia.
Bạn đang có những tâm sự, vui, buồn… muốn chia sẻ những bức ảnh đẹp, gửi lời nhắn (một bài hát, lời yêu, một tấm thiệp chúc mừng hay những dòng thơ nhỏ…) tới những người thân yêu của mình. |
Afamily