Tôi sinh ra ở một làng quê nhỏ, trong nhà có ba chị em. Hai em trai là sinh đôi, tôi lớn hơn hai đứa 3 tuổi. Gia đình tôi rất nghèo, ba mẹ cũng không học hành gì cả, sự xuất hiện của hai người em trai càng khiến gia đình tôi thêm nghèo khó hơn. Tiền ba kiếm được mỗi năm khi đi lao động chân tay chỉ đủ lo ăn mặc cho cả nhà, còn những khoản chi phí khác đều là do ba mẹ đi vay mượn họ hàng. Hồi đó cuộc sống tuy bần hàn nghèo khổ, nhưng cả gia đình đều yêu thương đùm bọc lẫn nhau, cũng coi như hạnh phúc sum vầy.
Nhưng cho đến năm tôi 9 tuổi, ba tôi đột nhiên xảy ra sự cố, trong lúc đốt lò nung không cẩn thận ngã vào đó và qua đời. Cả gia đình mất đi chỗ dựa, cuộc sống của những ngày tháng tiếp sau đó càng trở nên bấn túng hơn. Sau đó ông bà ngoại khuyên mẹ tôi tái giá, nhưng xem mặt nhiều lần, đại đa số đều chê bai mẹ tôi một mình đem theo ba đứa con. Sau này, dưới sự khuyên bảo khích lệ của mợ, mẹ mang hai người em trai của tôi tách gửi cho nhà họ nội bên chồng nhận nuôi, rồi đem theo tôi đi tái giá. Bởi vì tôi là con gái, khi lớn lên cũng phải đi lấy chồng, nên ông bà và các chú không bằng lòng nhận nuôi tôi.
Tôi theo mẹ đi tái giá (Ảnh minh họa)
Khi tôi theo mẹ đến nhà mới, cha dượng đối xử với tôi không hề tốt chút nào, ông còn có một cậu con trai riêng, nhỏ hơn tôi một tuổi. Từ khi theo mẹ đến nhà cha dượng, tôi sống vô cùng khổ sở, mẹ tuy rất xót thương tôi, nhưng vì cuộc hôn nhân này là lần thứ hai, nên bà cũng không dám nói gì. Sau này, bà lại sinh cho cha dượng một đứa con gái, tôi lại càng bị cho ra rìa. Năm 13 tuổi tôi không đi học nữa, cha dượng nói không có tiền cung cấp cho tôi đi học. Sau đó, tôi cùng với mẹ chăm sóc cho cả gia đình, nuôi gà, làm ruộng... Năm đó tôi 15 tuổi, bị cha dượng đuổi ra ngoài đi làm, hơn nữa ông ta còn yêu cầu phải đưa cho ông ta hơn nửa số tiền lương mà tôi kiếm được. Nói thực lòng, trong dấu ấn của tôi, tôi chưa từng cảm nhận được tình yêu thương từ người cha. Từ nhỏ tuy tôi vẫn còn có ba ruột, nhưng khi tôi 3 tuổi, các em trai đã ra đời rồi, trong thời đại trọng nam khinh nữ đó, ba mẹ đa số đều yêu chiều con trai hơn. Sau khi ba mất, tuy tôi theo mẹ đi tái giá, nhưng tôi không hề có chỗ đứng trong cái nhà đó. Hơn nữa, từ khi có sự xuất hiện của một người em gái nữa, ông ta đã có con gái ruột để yêu chiều, làm sao có thể yêu thương tôi được cơ chứ. Cứ như vậy, bất luận là nơi đâu, tôi cũng giống như người thừa.
Tôi cô đơn và thiếu thốn tình cảm gia đình (Ảnh minh họa)
Năm tôi 23 tuổi, đã quen với chồng tôi bây giờ, anh ấy hơn tôi hai tuổi. Về việc của hai chúng tôi, cha dượng và mẹ có rất nhiều ý kiến trái chiều. Nhà chồng cũng ở dưới làng quê, gia cảnh bình thường. Gia đình của anh ấy là gia đình đơn thân, từ nhỏ đã lớn lên cùng ba. Cha dượng luôn hy vọng tôi có thể gả cho một người giàu có, để kiếm chác được chút tiền, hơn nữa ông cũng có thể đòi tiền sính lễ hỏi cưới với nhà chồng của tôi khoảng vài trăm triệu gì đó. Bởi vì chuyện này, tôi và chồng cũng suýt nữa không đến được với nhau. Chúng tôi cũng coi như là tự do yêu đương. Chúng tôi quen biết nhau lúc đi làm, tôi thích sự hài hước của anh ấy và anh ấy mang đến cho tôi cảm giác an toàn, anh ấy nói anh ấy thích nụ cười ngọt ngào của tôi. Ngày ngày anh ấy đối xử với tôi rất tốt, vừa ấm áp vừa chu đáo. Có lẽ là do từ nhỏ chưa từng nhận được sự chăm sóc như vậy, cho nên tôi đã nhanh chóng rơi vào hố sâu tình ái này. Nhưng những ý kiến trái chiều của cha dượng và mẹ lại làm khó anh ấy rất nhiều. Nhà anh ấy quả thực không có tiền, văn hóa của ba chồng cũng không cao, ngày ngày còn phải lo thuốc thang nữa. Sau cùng, vì hạnh phúc của bản thân, tôi đã nói ra hết những uất ức phải cam chịu bao năm qua của mình với họ, mẹ lúc đó chỉ biết câm nín, còn người cha dượng lại không cho là vậy, ông ta nói tôi ăn ở nhà ông ta, tôi kết hôn lấy chồng, nhất định phải đưa tiền cho ông ta. Những lời lẽ của ông ta khiến tôi buồn nôn, tôi tức đến mức mắng ông ta là đồ mặt dày, ông ta liền tát tôi mấy cái, từ đó về sau tôi không thèm bén mảng đến nhà đó nữa. Để đến với chồng, tôi còn đoạn tuyệt quan hệ với cha dượng và mẹ mình. Khi tôi và chồng kết hôn, tôi không có một người thân nào đến chúc phúc. Trông có vẻ rất bi thảm, nhưng ngược lại cuộc sống của hai chúng tôi rất hạnh phúc.
Tôi bỏ hết tất cả để đến với anh ấy (Ảnh minh họa)
Nhưng ai ngờ được rằng, những ngày tháng hạnh phúc đó kéo dài không được bao lâu. Một lần, tôi đang trên đường trở về cùng chồng khi vừa bán hết rau ở trên phố, do trời quá tối, chồng tôi lái xe xảy ra sự cố ngoài ý muốn, tôi bị ngã nhào ra ngoài từ trên chiếc xe ba gác, lúc đó tôi cảm thấy phần eo và chân đau đến tận xương tủy, sau đó thì ngất đi không còn biết gì nữa. Khi tôi tỉnh dậy, phát hiện bản thân đang nằm trong bệnh viện, chồng và ba chồng ngồi ở hai bên đầu giường trông nom tôi. Lần tai nạn đó, chồng tôi chỉ bị vết thương ngoài da nhỏ không đáng ngại, còn tôi thì bị ngã và trở thành người tàn tật, nửa thân dưới không thể cử động được nữa. Sự cố này tôi không có cách nào có thể chấp nhận nổi, chỉ biết khóc ròng mấy ngày trời ở trên giường bệnh, thậm chí có lúc còn muốn tự sát. Nhưng chồng luôn khuyên tôi nên nghĩ thoáng hơn một chút, anh ấy còn nói sẽ không rời bỏ tôi nửa bước, chăm sóc tôi suốt đời này.
Thương cho số phận đời con gái (Ảnh minh họa)
Trong hai tháng nằm viện, chồng và ba chồng luân phiên nhau trông nom tôi. Lúc đó quả thực tôi rất cảm động về hai cha con họ, nên cũng dần bỏ ý nghĩ tự sát, cố gắng sống tiếp. Khi tôi ra viện, các bác sĩ cũng khích lệ động viên tôi rằng tôi vẫn còn có cơ hội hồi phục, chỉ cần tôi cố gắng luyện tập. Quãng thời gian đầu khi mới về nhà, chồng rất chiều chuộng tôi, tấm lòng của anh ấy càng khiến tôi cảm động hơn. Nhưng nửa năm sau, tôi phát hiện có điều gì đó bất thường, chồng tôi bắt đầu đi sớm về muộn, có khi cả người toàn mùi rượu, ngay cả cách đối xử với ba mình cũng thay đổi.
Một lần, ba chồng đưa tôi đi bệnh viện kiểm tra lại, khi về nhà phát hiện đồ đạc đều bị lật tung hết cả, những đồ vật đáng giá trong nhà đều biến mất, cuối cùng tìm thấy một bức thư của chồng tôi để lại trong phòng ba chồng. Nội dung thư là anh ta thích một người thiếu phụ ở gần thôn, anh ta chán ghét người tàn tật như tôi, nên họ đã cùng nhau cao chạy xa bay. Sau khi xem xong bức thư, ba chồng tôi tức giận quá nên cũng sinh bệnh. Thử nghĩ xem, lúc đó tôi còn nằm trên giường cần có người chăm sóc, ba chồng lại bị bệnh, quãng thời gian đó thật sự rất khó khăn, việc ăn mặc của chúng tôi cũng là nhờ có sự giúp đỡ của những người hàng xóm tốt bụng gần đó. Sau khi ba chồng khỏi bệnh, ông bắt đầu đi thu phế phẩm ở xung quanh thôn xóm để kiếm tiền nuôi cả nhà.
Ba chồng đi thu nhặt đồ phế thải để kiếm tiền nuôi sống cả nhà
(Ảnh minh họa)
Trong quãng thời gian này, rất nhiều người nói khẽ vào tai ông nên từ bỏ việc nuôi tôi đi, nhưng ông lại nói: "Nó là con gái tôi, tại sao tôi phải bỏ nó đi? Tuy không phải là con đẻ của tôi, nhưng nó còn có tình nghĩa hơn chính thằng con trai do tôi sinh ra!". Sau này, trong thôn còn có lời đồn đặt chuyện giữa tôi và ba chồng có ẩn tình gì đó, khi ông biết được cũng rất tức tối bèn lý luận với họ một hồi. Từ đó trở đi, tôi cũng bắt đầu chán ghét chính bản thân mình, cũng tự sát mấy lần. Nhưng ông nói: "Con người còn sống là còn hy vọng, chết đi rồi thì chẳng còn gì cả. Chỉ cần ta còn có cái ăn, ta nhất định sẽ không để con phải đói. Người khác có nói gì thì cũng đừng quan tâm, miệng họ mọc trên mặt họ mà. Chúng ta chỉ cần sống tốt cuộc sống của riêng mình là được rồi!". Ba chồng lần lượt hết lần này đến lần khác khích lệ tôi, cho tôi hy vọng để sống tiếp. Vì để tránh những lời gièm pha ác ý kia, ông quyết định bán căn nhà này rồi đưa tôi lên thành phố sống.
Cứ như vậy, ông đã chăm sóc tôi đằng đẵng 10 năm trời. Dưới nhiều lần kiểm tra và hồi phục, dần dần đã xuất hiện chút kỳ tích, tôi đã khắc phục được bệnh tật và có thể đứng lên đi lại một lần nữa trong đời.
Tuy việc đi đứng chưa được ổn định cho lắm, nhưng chí ít tôi đã có thể đứng dậy, đã bắt đầu đi lại được, tôi có thể đi kiếm tiền nuôi hai cha con, đúng là ông trời không phụ lòng người, cuộc sống của chúng tôi cuối cùng cũng có hy vọng!
Nguyễn Loan (Theo Giadinhvietnam.com)